Ngày 16.7.2010, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đã ký ban hành Thông tư 06/2010/TT-BVHTTDL:"Quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú". Tưởng chừng như có sự thay đổi để tôn vinh những nghệ sĩ trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Nhưng nó lại làm nhiều nghệ sĩ vốn luôn nhạy cảm với cơ chế "xin- cho" cảm thấy bị tổn thương.
Khi Bộ chủ quản thiếu hiểu biết...
Thông tư 06 có một số thay đổi tưởng chừng như "nới lỏng" quy định hơn so với trước. Nhưng xem kỹ nội dung, vẫn thấy nhiều vấn đề nảy sinh mâu thuẫn.
Đối tượng được xét tặng danh hiệu có thể thấy rất đa dạng. Bao gồm nghệ sỹ hoạt động tại các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập, ngoài công lập, nghệ sỹ tự do, người hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống của các loại hình nghệ thuật.
Như vậy, có thể nói đối tượng của thông tư xét tặng danh hiệu rất rộng lớn, đa dạng. Nhưng thực tế cho thấy, có nhiều "rào cản" trong việc xét tặng của các hội đồng. Vì mỗi ngành, nghề có đặc thù tính chất riêng, không thể áp dụng tiêu chuẩn chung cho tất cả.
Như với các nghệ sĩ múa, xiếc, thời gian hoạt động nghệ thuật thật sự và đỉnh cao trên sân khấu của họ chỉ hơn 10 năm. Không như các ngành nghệ thuật khác để áp tiêu chuẩn "điều kiện để được tặng danh hiệu NSƯT là nghệ sĩ có thâm niên hoạt động nghệ thuật từ 15 năm trở lên..., xét tặng NSND là nghệ sĩ phải có thời gian hoạt động từ 20 năm trở lên..."
Nghề múa học thì dài, tuổi nghề thì ngắn. 18 tuổi ra trường (sơ cấp hay trung cấp 4-7 năm), phải có thời gian hoạt động nghệ thuật 15 năm trở lên mới được phong tặng NSƯT. Lúc đó nghệ sĩ múa đã 33 tuổi, thuộc độ tuổi "hưu" của nghệ sĩ biểu diễn, nhất là với ballet. Còn đợi được phong tặng NSND cần thêm 4- 5 năm nữa, lúc đó thành tích họ liệu có được gì?
Hay như điều kiện ở Việt Nam mà "đòi hỏi" các nghệ sĩ biểu diễn nhạc giao hưởng, opera hay múa ballet "có ít nhất 3 giải thưởng chính thức (loại Vàng), trong đó có một giải thưởng liền kề với năm xét tặng danh hiệu tại các Liên hoan nghệ thuật và hội diễn cấp quốc gia hoặc quốc tế, và giải thưởng của Hội VH-NT chuyên ngành cấp Trung ương...", thì họ lấy đâu ra giải thưởng?
|
Với đặc thù riêng của giao hưởng, opera hay ballet, ở VN chưa có liên hoan hay hội diễn dành cho bộ môn nghệ thuật này. Đưa ra các tiêu chuẩn về huy chương, phải chăng là vô hình chung đã gạt họ ra khỏi "khung" xét tặng danh hiệu NSND, NSUT?
Các nghệ sĩ tự do, các nghệ sĩ hoạt động ngoài đơn vị công lập thì cơ hội tham gia các kỳ hội diễn, liên hoan để có được huy chương là rất ít. Các nghệ sĩ công lập được đoàn cử đi tham gia các cuộc liên hoan, hội diễn (trong và ngoài nước) được Nhà nước tài trợ.
Còn nghệ sĩ của các đoàn ngoài công lập, các nghệ sĩ tự do phải tự túc kinh phí, tự lo thủ tục, nên để tham gia hội diễn, liên hoan hay ra nước ngoài là một bài toán kinh tế khó khăn với họ... Xem như việc xét tặng NSND, NSUT đối với họ là cánh cửa hẹp.
Chẳng thế mà đã có chuyện thật như đùa đối với Đạo diễn Đào Bá Sơn "Long Thành cầm giả ca", người có rất nhiều giải thưởng điện ảnh nhiều năm qua nhưng không có giải nằm trong quy phạm huy chương của Thông tư 06, nên không qua được vòng loại cấp cơ sở xét tặng danh hiệu.
Từ năm 1984 đến nay đã có 6 đợt trao tặng danh hiệu NSND, NSUT vào các năm: 1984, 1988, 1993, 1997, 2001, 2007 lần xét tặng, hiện VN có: 191 NSND (trong đó có 44 nữ), 1.580 NSƯT (trong đó có 524 nữ) |
Bên cạnh đó, Thông tư 06 quy định: Không giới thiệu và đề nghị xét danh hiệu NSND, NSƯT cho các cá nhân đã nghỉ hưu mà trước đó đã được tham gia xét tặng nhưng không đạt và trong thời gian nghỉ hưu không có những hoạt động nghệ thuật tiêu biểu, xuất sắc theo quy định về tiêu chuẩn NSND, NSƯT.
Như vậy, cánh cửa NSUT, NSND cho các nghệ sĩ đã về hưu khép kín cho dù trước đó họ cả đời như con tằm nhả tơ cho nghệ thuật và nền văn hóa nước nhà. Phải chăng Thông tư 06 "phủi sạch" sự cống hiến của các nghệ sĩ đã về hưu, không công nhận sự tồn tại của họ?
"Xin- cho" và sự tổn thương tâm hồn nghệ sĩ?
Một trong những thủ tục đầu tiên để làm hồ sơ xét tặng là các nghệ sĩ phải làm một cái đơn "xin", và kê khai thành tích của bản thân. Điều đó, với các nghệ sĩ, là một thủ tục gây cho họ sự tổn thương tâm hồn vốn rất nhạy cảm.
Cách đây nhiều năm, khi NSUT Thành Lộc chưa được xét tặng danh hiệu NSUT, đã từng phát biểu: "Tại sao tôi phải xin. Đáng lẽ ra Nhà nước phải thấy sự cống hiến của người nghệ sĩ mà chủ động tặng chứ sao bắt họ phải xin...".
Cũng phải rất khó khăn thuyết phục được anh để làm hồ sơ thủ tục xét tặng danh hiệu NSUT, vì những thành tích nổi bật không ai sánh bằng trong lĩnh vực biểu diễn sân khấu, và vì phía Nam nghệ sĩ được phong tặng rất hiếm.
Nhưng lần xét tặng này, theo Thông tư 06, NSUT Thành Lộc lại cay đắng dứt khoát:" Tôi sẽ không bao giờ lập hồ sơ xin xét tặng NSND nữa".
Ca sĩ Ánh Tuyết cũng như nhiều nghệ sĩ khác cho việc làm đơn "xin" và kê khai thành tích để được xét danh hiệu là một việc làm rất kỳ cục, với chị đó là một sự tổn thương đối với người nghệ sĩ có lòng tự trọng. Thành tích của chị tính từ năm 1975 có đủ 5 tiêu chuẩn như trong Thông tư 06, nhưng trong một lần trả lời phỏng vấn truyền thông, ca sĩ Ánh Tuyết tỏ thái độ khá "cứng":
"Quản lý văn hóa là một quá trình xuyên suốt, nếu cơ quan quản lý không nắm bắt, đánh giá được ai, nghệ sĩ nào đã cống hiến ra sao để phong tặng đúng lúc thì thử hỏi chức năng của cơ quan quản lý là gì?
Còn việc tự mình làm đề nghị xét tặng ư? Chưa lúc nào tôi nghĩ mình sẽ làm, bởi tôi quan niệm rằng cống hiến không phải là việc để kể lể".
Ca sĩ Cẩm Vân đặt câu hỏi:" Tại sao khi người nghệ sĩ sung sức nhất, cống hiến được nhiều nhất thì không thấy phong tặng. Đợi đến lúc tuổi đời, tuổi nghề đều đã cao rồi mới xét tặng? Lúc đó trong mắt công chúng trẻ, những NSND, NSUT chỉ là những người trong hoài niệm không còn ở đỉnh cao của nghệ thuật biểu diễn. Như vậy, chẳng những người được phong tặng cảm thấy buồn, mà uy tín chất lượng của danh hiệu cũng không còn mấy giá trị".
Trong những lần xét tặng trước, nhiều lần ca sĩ Cẩm Vân được đề nghị làm thủ tục nhận danh hiệu NSUT, nhưng chị đều từ chối. Bởi theo chị chẳng khác nào làm một "lá đơn" "kể công" để "xin" danh hiệu. Cá nhân chị không cảm thấy vinh dự khi phải qua các thủ tục "xin" mới được xét tặng như vậy
NSND Huy Thành cũng bức xúc: "Quy định về việc xét phong tặng danh hiệu NSND, NSUT là khá phức tạp, nặng về thủ tục hành chính và xa rời thực tế. Với người nghệ sĩ, danh hiệu đẹp nhất, cao quý nhất là được công chúng tôn vinh. Nghệ sĩ cống hiến ra sao, nhân dân biết hết..."
NSUT Minh Châu cũng không e ngại khi bày tỏ thái độ với cơ chế "Xin- cho" trong xét tặng danh hiệu NSND, NSUT: "Ở nước ta muốn "được" lại phải chạy vạy đủ thứ giấy tờ để "xin". Nào là đơn vị quản lý, nào là chính quyền địa phương nơi cư trú chứng nhận "giúp" cho nghệ sĩ...Bản thân tôi và nhiều nghệ sĩ khác cũng đã từng mất rất nhiều thời gian để hoàn thiện số hồ sơ dầy cộp, nhưng sau đó "được" hay không cũng không hề nhận được câu trả lời thỏa đáng nào...Việc phong tặng cứ như một trò chơi "xin - cho" nhập nhằng không minh bạch...".
Bao giờ hết Xin- cho?
Có lẽ trong lịch sử xét tặng danh hiệu NSND, NSUT của Việt Nam cho đến giờ này chỉ có một ngoại lệ. Đó là trường hợp nghệ sĩ biểu diễn piano Đặng Thái Sơn được Nhà nước phong tặng vượt cấp danh hiệu NSND không phải qua cơ chế "xin- cho" phức tạp ở độ tuổi 26 vào năm 1984. Sau khi anh đoạt giải thưởng quốc tế Chopin danh giá.
Nhưng quyết định "táo bạo", độc nhất này cũng rất có thể không thực hiện được nếu như không có sự can thiệp trực tiếp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người luôn quan tâm đến văn nghệ sĩ Việt Nam và những hoạt động văn hóa nghệ thuật nước nhà.
Cũng có một số ngoại lệ mà cá nhân không phải làm đơn "Xin- cho" nhưng cũng được Nhà nước xét và phong tặng khi đã là người của... thế giới bên kia. Như ca sĩ Trần Khánh (Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam); phát thanh viên Đỗ Trọng Thuận (Ban Thư ký Đài Tiếng nói Việt Nam), họa sĩ Bùi Huy Hiếu (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội)....
"Xin- cho" đã trở thành một thành tố không thể thiếu trong mọi thủ tục hành chính của Việt Nam. Nó đã ăn sâu và không biết đến khi nào mới chấm dứt. Việc được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, NSUT là niềm tự hào, một tưởng thưởng xứng đáng cho lao động nghệ thuật của cuộc đời người nghệ sĩ, chứng tỏ họ đã được Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao sự cống hiến cho nghệ thuật.
Nhưng điều quan trọng ở cách tặng như thế nào, thủ tục ra sao để không làm tổn thương đến lòng tự trọng của người nghệ sĩ. Để người nghệ sĩ thấy thật sự mình được được tôn vinh.
Theo Tuần Việt Nam