Tay ngang khởi nghiệp chả ống tre

(CTG) Từ bỏ công việc kế toán trưởng một công ty lớn cho thu nhập ổn định, anh Trương Thanh Hiên (37 tuổi, TP Đà Nẵng) quyết định khởi nghiệp dù biết đầy chông gai nhưng trong thâm tâm mang khát khao đổi vận cho đặc sản chả quê nhà.

Anh Trương Thanh Hiên giới thiệu các loại chả ống tre thân thiện môi trường của mình - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Anh Trương Thanh Hiên giới thiệu các loại chả ống tre thân thiện môi trường của mình

Quảng Nam có bê thui Cầu Mống, Đà Nẵng có chả bò, nhưng để in vào tâm trí thực khách khiến ai ăn rồi cũng nhớ sẽ cần có gì đó thật đặc biệt. Trăn trở ấy dẫn bước anh vào con đường khởi nghiệp.

Tôi đặt tiêu chí sản phẩm cần đảm bảo tính dân dã nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu thương mại hóa với số lượng lớn ra thị trường, theo xu hướng sống xanh ngày càng được quan tâm hiện nay.

Đi tìm "nghề có ý nghĩa"

Làm kế toán trưởng công ty khá tiếng tăm song Trương Thanh Hiên vẫn luôn ôm giấc mộng xây dựng sự nghiệp riêng của mình. 

Gom hết vốn liếng tích cóp, anh nghỉ việc, dồn sức đầu tư hơn 2 tỉ đồng mở nhà hàng với cả chục nhân viên. Nhưng nhà hàng thua lỗ, anh trở lại Đà Nẵng khi trong túi chỉ còn vài trăm nghìn đồng.

Chuyển qua làm trang thương mại điện tử chuyên dược phẩm đông y, anh lại tiếp tục thất bại. Lần này thì chuyển qua kinh doanh gỗ nguyên khối, có tháng thu lãi hơn 80 triệu đồng nhưng cũng là lúc anh nhận ra công việc ấy không mang lại ý nghĩa với mình. Anh nghĩ về một công việc cho mình thu nhập nhưng cũng cần mang lại giá trị cho xã hội.

  • Sinh viên mang máy gõ sầu riêng đến ngày hội khởi nghiệp
     

Trong một chuyến về quê ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam) hơn 5 năm trước, tình cờ anh Hiên nghe được câu chuyện bà con quê mình nuôi tôm lắm lúc được mùa mất giá, bấp bênh đầu ra, có khi bán ở chợ giá không cao. Ý nghĩ tìm cách khoác chiếc áo mới cho con tôm quê mình lóe lên trong đầu anh.

Vậy là Trương Thanh Hiên bắt tay tìm hiểu cách làm chả tôm từ việc ra Đà Nẵng học làm... chả bò! Chính thu nhập từ việc làm chả bò ấy được anh dùng làm chi phí mày mò công thức làm chả tôm. 

Nhưng vừa bắt tay làm chả tôm đã vấp ngay cái khó vì con tôm sau khi xay cứ tách rời chứ không cho hỗn hợp nhuyễn dính như thịt heo hay bò.

Anh Hiên (phải) cùng các cộng sự đưa thương hiệu chả ống tre giới thiệu tại các cuộc thi khởi nghiệp - Ảnh: T.H.

Anh Hiên (phải) cùng các cộng sự đưa thương hiệu chả ống tre giới thiệu tại các cuộc thi khởi nghiệp 

Cứ 2kg tôm mới cho 1kg tôm nõn để làm chả. Mỗi mẻ chả thử nghiệm cũng vài triệu. Thấy ổn mới dám đưa vào chế biến trên máy với số lượng lớn nhưng lại thất bại, đi toi tính bằng chục triệu đồng. Anh cũng không nhớ hết số lần thất bại, cả số tiền bỏ ra để theo đuổi ý tưởng làm chả tôm.

Rồi tình cờ anh đọc được trong một cuốn sách đại ý là "tạo hóa sẽ có một vật chất lấp đầy tâm trí và suy nghĩ của chúng ta nếu quyết tâm đủ lớn". 

Chính cái "chất lấp đầy" ấy như một chìa khóa mở toang cánh cửa. Anh nhận ra cần phải có "chất lấp đầy những khoảng trống để tôm được kết dính thành chả". Và anh thử nghiệm cho bột xúc xích vào, thành công đầy bất ngờ.

Đổi vận cho chả quê nhà

Ngay khi bắt tay hiện thực hóa ý tưởng mang lại giá trị cho con tôm quê nhà, anh Hiên đã tự cam kết vì sức khỏe khách hàng là việc đầu tiên phải làm, thể hiện bằng việc chả không sử dụng hàn the. 

Từ chả bê, chả bò, chả heo đến chả tôm bắt buộc phải được làm từ nguyên liệu tươi nóng mới tạo được món chả có độ giòn dai, tươi ngon.

Chả tôm ống tre giúp nâng giá trị của con tôm bà con quê nhà - Ảnh: T.H

Chả tôm ống tre giúp nâng giá trị của con tôm bà con quê nhà 

Khi đã đạt tiêu chí ngon, chất lượng, làm sao để sản phẩm thân thiện môi trường là câu hỏi tiếp theo phải giải. 

"Việt Nam có cây tre mang nét riêng. Tôi lại nghĩ đến ý tưởng chả ống tre để tạo dấu ấn với khách hàng. Nghĩ xong tui thử liền và rất may mắn khi được mọi người đón nhận", anh Hiên cười.

Những đòn chả ống tre có giấy bạc bọc đầu miệng ống và được buộc bằng dây thừng xơ dừa rồi đựng trong chiếc giỏ đan từ cỏ. Ông chủ của sản phẩm ấy bảo đã mất không biết bao nhiêu công sức để chốt được phiên bản hoàn thiện cuối cùng này. 

Chính yêu cầu sản phẩm cần thân thiện môi trường nên công đoạn đi tìm cho ra nguyên liệu bao bì phù hợp, độc lạ cũng là cả câu chuyện.

Hiện cơ sở sản xuất chả ống tre của anh Hiên có hơn chục lao động, doanh thu mỗi năm gần 3 tỉ đồng. Anh cũng đã hoàn thiện các chứng nhận đảm bảo chất lượng và đang xúc tiến hồ sơ OCOP để mở rộng thị trường với thương hiệu chả ống tre Cocimo.

Nói về cái tên, anh Hiên cười xòa bảo Cocimo chính là câu nói "có chi mô" của người xứ Quảng. "Đó cũng là cách tôi luôn tự nhắc mình dẫu khó khăn đến mấy cũng "có chi mô", chỉ cần cố gắng hết mình và tin vào mục tiêu đã chọn là được", anh Hiên cười.

Tìm đường cho chả tôm ống tre xuất ngoại

Đi qua những đoạn đường gập ghềnh, bầm giập khởi nghiệp, từ sâu thẳm anh Trương Thanh Hiên vẫn khao khát tạo ra sản phẩm mang thế mạnh đặc trưng của văn hóa Việt và thị trường phải rộng.

Mấy hôm nay, anh lại đăm chiêu, cặm cụi ngồi trước mớ tôm tươi, hết nhồi mẻ này lại bắt mẻ khác từ sáng đến tối.

Có công ty xuất nhập khẩu ngỏ lời kết nối chả tôm ống tre của anh qua Mỹ. Dĩ nhiên yêu cầu rất khắt khe, phải là chả thuần tôm chứ không được có thịt. Tức là anh đang quay lại giải bài toán ban đầu khi bắt tay làm.

Anh bảo mình vẫn đang tìm tòi, không nản chí vì cái khó người ta mới để phần lại cho người đi sau nên càng phải nỗ lực hơn để tìm ra phương pháp tối ưu.

Anh nói ban đầu anh chọn chả bê Cầu Mống vì là người Quảng, rồi làm chả bò, tiếp đến hoàn thiện chả tôm vì Việt Nam có thế mạnh nuôi tôm.

"Xuất khẩu tôm tốp đầu chứng tỏ đã được thế giới chấp nhận nên thị trường sẽ rộng. Tôi nghĩ ai đã chọn sản xuất sản phẩm với nguyên liệu thế mạnh của quê hương thì mục đích cuối cùng vẫn là tạo ra sản phẩm vẹn nguyên giá trị Việt không lẫn vào đâu được", anh Hiên bày tỏ.

Theo TT