"Cái khó ló cái khôn"
Lâu nay, làm ruộng và trồng cây ăn trái là nghề truyền thống của người dân ấp Long Sơn 2, xã Long Thạch, H.Phụng Hiệp (Hậu Giang). Người dân nơi đây ngại đổi mới, nếu có thay đổi chăng chỉ là chuyển cây trồng ít hiệu quả sang loại cây được kỳ vọng tiềm năng hơn.
Thế nhưng, một ngày nọ, chàng trai Lưu Thạch Sanh bỗng nảy ra ý tưởng đào ao, cắm chòi làm du lịch sinh thái trên vườn mít của gia đình. Sanh đã đưa mọi người đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác khi kéo chân khách du lịch về một nơi vùng sâu để vui chơi, giải trí và trải nghiệm cảm giác hòa mình cùng thiên nhiên.
Đưa chúng tôi tham quan farm (khu du lịch nông trại) rộng hơn 1 ha, Sanh cho biết mình là người đầu tiên làm du lịch sinh thái ở địa phương. Sanh kể trước đây học hướng dẫn viên du lịch tại Trường ĐH Cần Thơ, sau khi ra trường, anh có 2 năm làm hướng dẫn viên rồi chuyển sang làm công việc hoạt náo team building. Những công việc này giúp Sanh nhận ra du lịch miệt vườn miền Tây đang là xu hướng "hot" được nhiều người ưa chuộng. Từ đó, Sanh nghĩ vườn mít Thái ở quê anh cũng có thể phát triển nếu kết hợp du lịch như cách một số nơi ở Đồng Tháp khởi nghiệp với sen, Vĩnh Long với chôm chôm và Cần Thơ với những vườn cây ăn trái.
Trong 2 năm 2020 - 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch đóng băng, Sanh về quê làm vườn cùng cha mẹ. Cái khó ló cái khôn, trong thời gian này Sanh suy nghĩ rất nhiều về việc làm thế nào cải tạo vườn trái cây của gia đình thành địa điểm du lịch sinh thái miệt vườn. "Cũng có một số người địa phương chẳng ai tin vào ý tưởng của tôi khi thấy khu vườn quá xa xôi để có thể phát triển du lịch. Đường sá chưa có, xe cộ muốn đi vào rất khó khăn. Liệu khách có chịu đi quãng đường dài chỉ để đến trải nghiệm ở farm của mình không", Sanh nhớ lại.
Tuy nhiên, dường như trong những bất lợi luôn tiềm ẩn điều thuận lợi. Một nơi càng đậm chất chân quê, mộc mạc tự nhiên, tách biệt với phố xá có khi lại là một không gian trải nghiệm thú vị đối với du khách. Điều quan trọng là để du khách thực sự hòa vào thiên nhiên, cuộc sống, văn hóa của người dân địa phương. "Nghĩ vậy nên tôi đã cố gắng thuyết phục gia đình tạo điều kiện cho tôi thực hiện phép thử", Sanh kể.