Thành công từ sự phá bỏ giới hạn bản thân

(CTG) Doanh nhân 8X Nguyễn Hữu Thuyên, người sáng lập, Giám đốc Công ty Du học quốc tế Woori cho rằng, muốn thành công và trở thành doanh nhân phải bắt đầu từ sự nhẫn nại và quyết tâm phá bỏ mọi giới hạn.

Doanh nhân 8X Nguyễn Hữu Thuyên (người bên tay phải) trao đổi công việc với đối tác Hàn Quốc

Cuối đường hầm là… xa lộ

Có “máu” kinh doanh nhưng bước vào khởi nghiệp mọi thứ không dễ dàng, thuận lợi với doanh nhân Nguyễn Hữu Thuyên.

Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất miền Trung, ngay từ bé Nguyễn Hữu Thuyên đã mơ ước trở thành doanh nhân. Sau khi tốt nghiệp Đại học Lạc Hồng (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai), anh “đầu quân” vào làm việc tại khu công nghiệp Biên Hòa II. Ở khu công nghiệp được ba năm, anh “nhảy” việc và đi làm ở nhiều nơi. Vì nhiều lý do, cả khách quan, chủ quan, nơi nào cũng chỉ được một thời gian ngắn rồi anh Thuyên lại thôi.

“Chính quãng thời gian thay đổi công việc này đã cho tôi khá nhiều bài học trong cách thức quản lý doanh nghiệp, quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên. Bài học này về sau giúp tôi khá nhiều trong việc quản lý công ty”, anh Nguyễn Hữu Thuyên chia sẻ.

Năm 2013, Nguyễn Hữu Thuyên lập gia đình. Vợ anh sinh đôi, trong đó một bé ốm nặng phải đưa ra viện Nhi Trung ương điều trị. Lúc đó, anh phải nghỉ việc ra Hà Nội trông con. Cuộc sống bấp bênh, khó khăn, dồn Thuyên vào chân tường.

“Con ốm, hai vợ chồng tôi phải nghỉ việc thay nhau ra Hà Nội trông. Cuộc sống khó khăn nhưng tôi không phải là người dễ chấp nhận. Những lúc ở viện trông con ốm, nhìn ra cửa sổ, thấy cuộc sống sôi động, náo nhiệt bên ngoài, tôi nghĩ phải thực sự thay đổi”, Thuyên kể lại.

Con điều trị được 3 tháng, anh Thuyên quyết định đưa cả gia đình ra Hà Nội lập nghiệp. Công việc đầu tiên của anh ở nơi đất khách quê người là kinh doanh lốp ô tô của Hàn Quốc. Do là “tân binh” lại không hiểu thị trường và thị hiếu tiêu dùng nên sau một thời gian ngắn, Thuyên đã thất bại. Sau đó, anh được người thân xin cho vào trường Đại học Quốc gia Hà Nội làm việc. Do không quen với công việc nghiên cứu và bản thân thấy không hợp nên anh Thuyên tiếp tục “nhảy việc” ra ngoài “tự bơi”.

Tháng 6/2013, anh “bén duyên” với lĩnh vực xuất khẩu lao động và du học. “Đang làm xuất khẩu lao động, một số gia đình, người thân trong quê nhờ gửi con đi du học. Tôi “bén duyên” với du học từ đó nhưng cũng chỉ là cộng tác viên cho một doanh nghiệp. Đến năm 2015, tôi được làm quản lý cho công ty Tradimexco Hải Phòng, chi nhánh tại Hà Nội. Làm được gần hai năm, có đủ kinh nghiệm tôi bắt đầu ra mở riêng”, Thuyên chia sẻ.

Công ty Du học quốc tế Woori do anh Thuyên làm Giám đốc ra đời năm 2016. Ban đầu thành lập công ty, vốn ít, anh phải vay mượn thêm bạn bè và người thân. Để có học sinh, anh tự mình tìm đến các mối quan hệ cũ, giới thiệu dịch vụ. Tuy nhiên, do còn non trẻ, ít đối tác nước ngoài, nguồn học sinh chưa nhiều nên anh gặp vô vàn khó khăn.

“Với tôi, khởi nghiệp như là việc học. Mục tiêu không phải là kiếm tiền mà là tìm kiếm kinh nghiệm và học cách đối mặt với cuộc sống thực. Tôi là người chắc chắn, sợ thất bại nhưng khi bị dồn vào đường cùng thì tôi có thể phá vỡ giới hạn của chính mình, chấp nhận 5 ăn 5 thua. Bắt đầu từ các dịch vụ nhỏ nhất là làm visa, hộ chiếu, vé máy bay… rồi đến dịch vụ du học. Ban đầu tôi chỉ làm thị trường Hàn Quốc sau này phát triển sang Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)”, anh Thuyên kể lại những ngày đầu chính thức bước chân vào thương trường.

Nhờ kiên trì, vượt khó, sau hai năm công ty Woori bắt đầu có tên trong danh sách của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du học. Tất nhiên, để có được thành công đó, thất bại với Thuyên không đếm hết. Có những hợp đồng lớn tưởng như đã chắc trong tầm tay nhưng bị tuột trong tích tắc.

Với anh Thuyên, thất bại nhiều nhưng kinh nghiệm và bài học cũng dày lên. Hiện tại, thành công lớn nhất mà anh đang có là niềm tin của học viên và sự tự tin về khả năng của mình.

“Tôi đã có được bài học lớn về cuối đường hầm sẽ là xa lộ, nếu như bạn không dừng lại”, Nguyễn Hữu Thuyên tâm sự.

Báo chí – người bạn đồng hành của doanh nghiệp

Du học sinh người Việt do Woori đưa gửi sang Hàn Quốc học tập

Năm 2018, Woori đạt mốc lợi nhuận kỳ vọng. Nguyễn Hữu Thuyên coi như đã vượt qua được giai đoạn chạy đà, bắt đầu bước vào kỳ tăng tốc. Tuy nhiên, với người kinh doanh, thành công và thất bại luôn song hành, vấn đề là phải sẵn sàng đối mặt. Nguyễn Hữu Thuyên cũng xây dựng cho Woori chiến lược phát triển theo hướng như vậy.

Theo anh Thuyên, thị trường du học Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng còn nhiều dư địa để khai thác. Tiềm năng và ưu thế lớn nhưng nhiều doanh nghiệp lại đang phá nát thị trường bằng cách làm ăn hờt hợt, kiếm tìm hợp đồng rồi bán qua, bán lại. Hệ quả là không chỉ người học phải chịu thiệt thòi mà ngay cả đối tác của doanh nghiệp cũng lao đao.

Ngay từ ngày đầu thành lập, Woori xây dựng hệ thống cộng tác viên, các đại lý trên khắp cả nước, đặc biệt là những địa phương đang phát triển mạnh về du học, dần thành mạng lưới liên kết chặt chẽ với nhau, cùng phát triển. Mọi thế mạnh của từng mắt xích được khai thác tối đa.

Trong cách tính của người đứng đầu Woori, không thể phát triển kiểu đơn thương độc mã hay làm ăn chộp giật. Sự liên kết, bắt tay với đối tác để cùng phát triển và hưởng lợi nhuận là cách đi thông minh nhất. Tất nhiên, bắt tay không có nghĩa là không cạnh tranh. Sự cạnh tranh lành mạnh sẽ đưa các doanh nghiệp lớn lên, vững vàng hơn, buộc từng doanh nghiệp phải sáng tạo hơn, thực sự vì khách hàng hơn.

Trong lĩnh vực dịch vụ, không một doanh nghiệp nào có thể thành công dài hạn nếu không phát triển dựa trên nền tảng chính là sự hài lòng của khách hàng, không thực tâm vì dịch vụ mà mình cung cấp.

Tất nhiên trong sự thành công của Woori hôm nay, anh Thuyên cũng thừa nhận là có sự đóng góp của giới truyền thông, cụ thể là báo chí. “Chúng ta đang sống trong thời đại bùng nổ thông tin, các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, ở mức độ khác nhau đều muốn có thông tin để vươn ra “biển lớn”, hội nhập với thế giới. Trong xu thế đó, báo chí chính là người cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, giới thiệu và quảng bá doanh nghiệp ra thế giới. Mặt khác, qua báo chí, bạn bè thế giới đã có nhiều thông tin để tìm kiếm cơ hội, đối tác, liên doanh liên kết làm ăn với các doanh nghiệp của Việt Nam. Ngược lại, doanh nghiệp cũng góp phần thúc đẩy báo chí phát triển thông qua con đường kinh tế báo chí. Tôi tin tưởng rằng, báo chí, doanh nghiệp mãi là những người bạn đồng hành trên con đường hội nhập vì sự nghiệp phát triển của chính mình và phồn vinh đất nước”, anh Thuyên bày tỏ quan điểm.

Theo TTTĐ