“Thanh Niên đã có chỗ đứng xứng đáng trong lòng công luận”

(CGG) Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Tô Huy Rứa khẳng định như vậy khi phát biểu tại Lễ kỷ niệm 25 năm Báo Thanh Niên phát hành số đầu tiên (3.1.1986 - 3.1.2011) diễn ra sáng 29.12, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Lê Hồng Phong, Hà Nội.

  


Đón nhận Huân chương Lao động hạng ba cho Chương trình học bổng Nguyễn Thái Bình - Ảnh: Lưu Quang Phổ

  
Từng bước hình thành tập đoàn báo chí mạnh

Điểm lại 25 năm hình thành và phát triển của Báo Thanh Niên tại Lễ kỷ niệm, Tổng biên tập (TBT) Nguyễn Quang Thông cho biết, từ chỗ khởi đầu bằng “ba không”: không biên chế, không kinh phí ban đầu, không cơ sở vật chất, chỉ có duy nhất trong tay tờ giấy phép ra báo, đến nay, Thanh Niên đã là tờ báo có số lượng phát hành hàng đầu cả nước, có lực lượng cán bộ quản lý, PV, BTV gần 400 người; tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, từ 8% - 30%, doanh thu đạt mức gần 600 tỉ đồng/năm.

“Tất cả những thành tựu đó là do sự lãnh đạo sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự chỉ đạo toàn diện của Ban Bí thư T.Ư Đoàn, Đoàn Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam qua các thời kỳ; sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các bộ, ngành liên quan và lãnh đạo cấp ủy, UBND các địa phương, đặc biệt là thủ đô Hà Nội và TP.HCM”, TBT Nguyễn Quang Thông nói


Thanh Niên đã có chỗ đứng xứng đáng trong lòng công luận - Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Tô Huy Rứa

Giá trị và sức sống của Thanh Niên trong lòng bạn đọc được tạo nên từ sức sáng tạo, từ lẽ sống và khát vọng cao đẹp của tuổi trẻ... - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Võ Văn Thưởng


Với tinh thần, thái độ ủng hộ cái mới, cái tích cực và góp phần đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực, Báo Thanh Niên đã góp dòng chảy của mình vào sự nghiệp chung của báo chí cách mạng Việt Nam - TBT Nguyễn Quang Thông

Cũng theo TBT Nguyễn Quang Thông, với tinh thần, thái độ ủng hộ cái mới, cái tích cực và góp phần đẩy lùi cái xấu, cái tiêu cực bởi nhiều tin tức nhanh nhạy, khách quan, chính xác, “Báo Thanh Niên đã góp dòng chảy của mình vào sự nghiệp chung của báo chí cách mạng Việt Nam; góp phần cùng các cơ quan chức năng trong việc làm lành mạnh hóa xã hội, điều chỉnh các chính sách phù hợp với nguyện vọng của người dân và của các tầng lớp thanh niên”.

Ngoài hoạt động nghề nghiệp, Báo Thanh Niên cũng ngày càng mở rộng các hoạt động phục vụ xã hội, cộng đồng và nhu cầu chính đáng của giới trẻ cũng như các hoạt động từ thiện, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh. Theo TBT Nguyễn Quang Thông, 25 năm qua, cùng với dòng chảy tin tức của Thanh Niên, đã có nhiều thân phận, nhiều địa chỉ bạn đọc và bạn trẻ đã đổi thay tích cực nhờ sự phát hiện, trợ giúp của báo. “Tất cả đã tạo nên sự yêu mến của bạn đọc trong và ngoài nước, sự tin cậy của tổ chức Đoàn, Hội và sự đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với tờ báo”, ông chia sẻ.

Trong Năm thanh niên 2011 và các năm tiếp theo, Báo Thanh Niên sẽ tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng, công tác tổ chức nhân sự theo hướng bồi dưỡng, nâng cao nhận thức chính trị và năng lực nghề nghiệp; cải tiến quy trình, đổi mới chất lượng các kênh thông tin của báo chí; đa dạng hóa sản phẩm báo chí theo hướng truyền thông đa phương tiện. “Tất cả nhằm hướng tới việc hình thành từng bước một tập đoàn báo chí mạnh trên cơ sở phù hợp với nền tảng kinh tế xã hội của đất nước, nhu cầu của bạn đọc và năng lực phát triển của tờ báo”, TBT Nguyễn Quang Thông khẳng định.

“Thanh Niên đã dũng cảm đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực”

Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Tô Huy Rứa cho rằng những thành tựu Thanh Niên đạt được trong 25 năm qua là “rất đáng tự hào”. Ông đánh giá: “Báo Thanh Niên đã tiếp sức cho các tầng lớp thanh thiếu niên, khơi dậy phong trào hành động cách mạng cho giới trẻ, biểu dương, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, dũng cảm đấu tranh với cái xấu, cái tiêu cực lạc hậu, trở thành một trong những tờ báo có số lượng công chúng đông đảo, có chỗ đứng xứng đáng trong lòng công luận”.

Ngoài công tác chuyên môn, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cũng đánh giá cao Báo Thanh Niên vì đã có nhiều sáng kiến và đi đầu trong các hoạt động từ thiện, nhân đạo và nhấn mạnh “tấm Huân chương Lao động hạng ba mà Chủ tịch nước trao tặng cho học bổng Nguyễn Thái Bình của báo là một ví dụ sinh động cho điều đó”. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý “vì là Báo Thanh Niên - báo của lực lượng trẻ, do đó, tập thể cán bộ, BTV, PV của báo, với tinh thần cầu thị, cũng cần nhận rõ những hạn chế, yếu kém, mà như TBT đã nói là “va vấp”, nhất là những yêu cầu mới, đòi hỏi cao để khắc phục sửa chữa và cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa”.

 Để tiếp tục giữ vững, phát huy hơn nữa những thành tựu đạt được trong 25 năm qua, ông Tô Huy Rứa nhấn mạnh đến một số nhiệm vụ Báo Thanh Niên cần thực hiện thời gian tới, trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là “giữ vững tôn chỉ mục đích, làm cho báo luôn là tiếng nói của Hội LHTN Việt Nam, cơ quan của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, là tờ báo của giới trẻ và của mọi gia đình”.

Chúc mừng Báo Thanh Niên tại lễ kỷ niệm, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Võ Văn Thưởng khẳng định: “Giá trị và sức sống của Thanh Niên trong lòng bạn đọc được tạo nên từ sức sáng tạo, từ lẽ sống và khát vọng cao đẹp của tuổi trẻ, từ những vấn đề thời sự giàu tính chiến đấu, những nhân tố điển hình giàu sức thuyết phục, từ những hoạt động, hiệu quả thiết thực sau mặt báo gắn liền với yêu cầu tổ chức hành động cách mạng của tuổi trẻ”.

Thay mặt Ban Bí thư T.Ư Đoàn, Bí thư thứ nhất Võ Văn Thưởng mong muốn Báo Thanh Niên tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, phấn đấu tiếp tục trở thành diễn đàn quan trọng, bổ ích, luôn là người bạn đồng hành thân thiết, cổ vũ định hướng tư vấn hỗ trợ cho các bạn trẻ trong học tập, lao động, vui chơi, giải trí.

Đến dự lễ kỷ niệm có Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Tô Huy Rứa; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng -  Văn hóa T.Ư Nguyễn Khoa Điềm; nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư Hà Đăng; nhà báo Hữu Thọ, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư; Ủy viên T.Ư Đảng, Trưởng ban Đối ngoại T.Ư (nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn) Hoàng Bình Quân; Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu; Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Võ Văn Thưởng; Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phước Lộc; Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, lãnh đạo TP Hà Nội, các vị nguyên là Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn qua nhiều thời kỳ và các CTV thân thiết của báo. 


* Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày phát hành số báo đầu tiên, Báo Thanh Niên vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng ba do Nhà nước trao tặng cho Chương trình học bổng Nguyễn Thái Bình (từ năm 1992 đến nay, Báo Thanh Niên đã trao hơn 10,7 triệu suất học bổng Nguyễn Thái Bình với số tiền lên tới 18,444 tỉ đồng), cờ Truyền thống của TP.HCM; nhiều PV, BTV được trao tặng bằng khen, kỷ niệm chương của các bộ, ngành, T.Ư Đoàn...
* “Điều khiến tôi luôn cảm động và tôi luôn trân trọng ở Báo Thanh Niên chính là sự tin cậy và tình nghĩa. CTV được báo coi như người trong nhà và đồng nghiệp, được chia sẻ thông tin và tham vấn ý tưởng, được lắng nghe phản biện và thẳng thắn góp ý, được tôn trọng và ưu ái. Chính sự tin cậy và tình nghĩa ấy đã khiến CTV gắn bó, cống hiến và có trách nhiệm với báo” (Ông Trần Đức Mậu, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, CTV lâu năm của báo)

* “Lúc gia đình khốn khó, rơi vào bế tắc, em đã đánh liều tìm đến Báo Thanh Niên tại Hà Nội xin học bổng Nguyễn Thái Bình. Nhưng vượt ngoài mong đợi của em, em trở thành nhân vật của một bài báo trên Thanh Niên và nhận được sự giúp đỡ về tinh thần và vật chất của đông đảo bạn đọc báo. Nhờ đó, em đã có tiền ăn học, đỗ thủ khoa trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, và cũng từ đó, em bắt đầu mơ ước những điều lớn lao hơn, với mong muốn tri ân, đền đáp những tấm lòng nhân ái đã giúp mình vượt qua khó khăn, hoạn nạn, đóng góp hữu ích cho cộng đồng, xã hội”. (Bạn Lê Thị Thái Hà, SV chuyên ngành Hành chính công, ĐH Missouri - Columbia (Mỹ) phát biểu tại buổi lễ).

40 và 400

Tôi đầu quân về Báo Thanh Niên từ 1993, tính đến nay đã được 17 năm - một quãng đường không quá ít nhưng cũng chưa phải quá lâu để trở thành cựu trào so với số ít anh chị đi trước. Sở dĩ gọi là số ít vì ngày ấy Báo Thanh Niên chưa đông đúc như bây giờ. Nếu tôi nhớ không nhầm thì trong bảng lương toàn cơ quan chỉ vỏn vẹn có 40 người, trong khi hiện nay đã là gần 400. Nhân sự bây giờ đông vui đến nỗi thú thật là đôi lúc tôi biết mặt một người nào đó đang làm việc cho phòng này phòng kia mà lại…không biết tên! Âu cũng là lẽ tự nhiên, đông quá mà!

 Viết đến đây chợt nhớ cố nhà báo Đặng Ngọc Khoa - một người bạn cùng thời với tôi ở Báo Thanh Niên. Tôi và Khoa sống, làm việc rất “tình thương mến thương” trong những năm đầu chập chững ở Ban Kinh tế - Xã hội Báo Thanh Niên. Đối với vài chục người thuở ấy ở Thanh Niên, tình cảm của cá nhân tôi dành cho họ cũng như rứa, như với Đặng Ngọc Khoa, cho đến mãi mãi về sau. Ý tôi là khi bạn làm việc, sinh hoạt, giao tiếp... trong một môi trường chỉ với 40 người chắc chắn sẽ dễ thân mật hơn so với gần 400 người. Tuy vậy, bản thân con số gần 400 cũng phần nào minh chứng cho sự “bề thế” của một tòa soạn. Đó là điều dĩ nhiên! Thử hình dung nhân sự chỉ có vài chục người như hồi xưa thì làm sao vận hành, cáng đáng nổi một lúc nhiều tờ báo như hiện nay: nhật báo tiếng Việt, tuần báo tiếng Anh, báo điện tử tiếng Việt, báo điện tử tiếng Anh, tuần san… Tóm lại, qua 25 năm, mọi chuyện đã khác.

Không chỉ khác về quy mô, sức ảnh hưởng mà còn khác ở chỗ hồi xưa bài vở không bức bách như bây giờ. Vì hồi đó Thanh Niên chỉ có 2 số báo/tuần (thứ năm và chủ nhật), bài nộp xong phải nửa tháng sau mới được đăng, nhìn chung là... rất quỡn. Thời gian dần trôi, bằng sự nỗ lực của từng cá nhân cộng với sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo bạn đọc, Báo Thanh Niên ngày càng lớn mạnh, trở thành một trong những nhật báo uy tín hàng đầu của Việt Nam. Vài năm trở lại đây, sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt về tin tức và sự kiện trong làng báo đã khiến chúng tôi… hết quỡn. Thay vào đó là một tốc độ làm việc “tối tăm mặt mày” để không phụ lòng độc giả. Không còn chuyện nộp bài trước nửa tháng như xưa, ngày nay nếu phóng viên nộp bài trễ chỉ một ngày thôi đã là điều không thể chấp nhận. Áp lực công việc nặng nề là vậy, nhưng không hề nghe thấy những lời “than thân trách phận”. Tại sao? Vì một khi đã dấn thân vào nghề và coi đó như là nghiệp thì, phải chấp nhận miễn là bạn cảm thấy sự hứng thú và đam mê với công việc mình đang làm. Tôi đã và đang là một trong số gần 400 con người như vậy ở Báo Thanh Niên.

Đoàn Xuân Hải
 




Theo Thanh Niên