Thanh niên nghĩ gì khi thăm quan các sáng kiến phát triển bền vững của các doanh nghiệp?

(CTG) Giới trẻ hiện nay có thể thuộc lòng khái niệm và những tiêu chí về phát triển bền vững (PTBV), nhưng không phải ai cũng có cơ hội được trải nghiệm tính ứng dụng của khái niệm này trong thực tế. Đây sẽ là một trở ngại để phát huy tính sáng tạo trong công cuộc đẩy mạnh những sáng kiến PTBV từ lớp trẻ.

 

Nhằm khích lệ, truyền cảm hứng tới các bạn thanh niên và lan tỏa các các thông điệp về PTBV, Ban điều phối dự án PTBV tập đoàn TH kết hợp cùng Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) và Dự án "Thanh niên vì Môi trường" đã tổ chức chuyến thăm quan và trải nghiệm thực tế tại Nghệ An. Chuyến đi có đại diện Quỹ VTVV, các bạn thanh niên đến từ nhóm Mắt Xanh (những thành viên nòng cốt của dự án “Thanh niên vì môi trường”) và sinh viên DynaGen khóa II. Chuyến thăm quan được thiết kế gồm các điểm đến tiêu biểu phản ánh những phát kiến của một “nền kinh tế tuần hoàn” tại tập đoàn TH, nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, rác thải bao bì, rác thải rắn nói chung, để bảo vệ môi trường và hướng tới một Việt Nam xanh.

Sáng kiến “thật sự thiên nhiên”

Ông Trần Văn Tình giới thiệu mô hình PTBV tại NASU với các bạn thanh niên.

Nhà máy Đường Nghệ An (NASU), một công ty thuộc tập đoàn TH là điểm dừng chân đầu tiên trên hành trình khám phá những giải pháp “Tăng trưởng xanh”. "Bã mía sau khi ép hết nước được đưa vào lò đốt để từ đó sản xuất điện. 60% điện sinh ra từ đây dùng cho sản xuất và sinh hoạt của nhà máy, phần còn lại hòa lưới điện quốc gia, bán cho Nhà nước. Tro từ đốt bã mía dùng bón ruộng mía. Rỉ mật, một phụ phẩm từ quy trình ly tâm nước mía được sử dụng trộn thức ăn cho bò sữa hoặc bán cho các doanh nghiệp sản xuất mì chính, rượu, bia, cồn…" – ông Trần Văn Tình, Giám đốc Nhân sự đồng thời là đại diện ban điều phối Phát triển bền vững của NASU chia sẻ. Theo ông, mọi phụ phẩm của quá trình sản xuất được được tái sử dụng triệt để, hoàn toàn không có chất thải nguy hại ra môi trường.

Hiện ở NASU có tới 41 loài chim cư trú.

Không chỉ là đơn vị sản xuất đem lại nguồn lợi kinh tế, NASU đã và đang có những hoạt động hiệu quả theo phương thức OECM để bảo tồn tính đa dạng sinh học tại khu vực hơn 60ha của mình. Theo chân chị Trần Thị Đào, trợ lý Phó Tổng Giám đốc đồng thời là Thư ký Ủy ban PTBV tại NASU, các bạn thanh niên của Quỹ VTVV được thăm hồ làm nguội và chứa nước tuần hoàn - mô hình xử lý nước thải bằng men vi sinh theo công nghệ Anh quốc.

Đoàn được trực tiếp tham quan hồ xử lý nước thải và nhà máy tại NASU.

“Ở NASU, công nhân không được cắt cỏ trừ lối đi và các khu vực quan trọng, cây chết để mục rữa tự nhiên trên đất làm nơi trú ngụ cho côn trùng, hoa quả trên cây để dành cho chim chóc về ăn. Hiện ở NASU có tới 41 loài chim cư trú.” - Chị Đào cho biết thêm. Các hoạt động bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học dày đặc của NASU có khả năng đưa nơi đây trở thành OECM đầu tiên tại Việt Nam (khu bảo tồn đa dạng sinh học không sử dụng ngân sách Nhà nước).

Tái sử dụng triệt để

Nhà máy sữa tươi sạch TH True MILK là một bằng chứng điển hình về sự tiên phong của tập đoàn TH trong việc thúc đẩy tư duy - hành động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững trong ngành sữa nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Tại đây, các bạn thanh niên đã được tận mắt tham quan dây chuyền sản xuất và đóng gói hoàn hoàn khép kín bởi những máy móc hiện đại. “Những hộp sữa bị hở hoặc lỗi bao bì được phát hiện và bị loại ngay trên dây chuyền. Nhà máy sẽ lập tức hủy sữa trong hộp do không đảm bảo chất lượng và thu gom lại vỏ hộp. Cùng với đối tác cung ứng bao bì Tetra Pak, những vỏ hộp hỏng này sẽ được tận dụng lớp màng nhôm để chuyển vào Bình Dương, tạo ra những tấm lợp sinh thái.” - anh Nguyễn Anh Tuấn, Chuyên viên bảo an kiêm đối ngoại tại nhà máy giải đáp thắc mắc của các bạn thanh niên về việc tái chế vỏ hộp hỏng.

Thanh niên tìm hiểu về những sáng kiến bảo vệ môi trường tại nhà máy sữa TH.

Cũng theo anh Tuấn, nhà máy đã và đang hướng đến phát huy nhiều giải pháp bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng hơn. Việc thay thế ống hút nhựa bằng ống hút sinh học là một trong những dấu ấn mà tập đoàn TH thực hiện theo lộ trình giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần, áp dụng đầu tiên cho dòng Sữa Tươi Tiệt Trùng TH true MILK Công thức TOPKID hoàn toàn từ sữa tươi Organic. Từ năm 2019, lượng hơi nước trong đường ống dẫn đã được nhà máy thu hồi để tận dụng làm CIB, sát trùng, rửa bề mặt ngoài bồn chứa; thay vì xả trực tiếp ra khu xử lý nước thải như trước đây.

Đại diện nhà máy sữa TH giải đáp thắc mắc của các bạn thanh niên ngay trong chuyến tham quan.

Tập trung theo dõi suốt chuyến đi, bạn Vũ Khánh Linh - sinh viên Đại học KHXH & NV không giấu được sự hào hứng khi kể về những câu chuyện mà mình đã trải nghiệm: “Mình thực sự ấn tượng với quy chuẩn xử lý nước thải tại nhà máy sữa TH, họ luôn đảm bảo chất lượng nước thải ra môi trường. Bồn xử lý nước thải cuối cùng có thể nuôi được cá.”

"Từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch"

Trang trại TH và Công ty CP Sản Xuất và Cung Ứng Rau Quả Sạch Quốc Tế (FVF) là những điểm nhấn không thể thiếu của chuyến trải nghiệm mô hình PTBV. Các bạn thanh niên phải trầm trồ và choáng ngợp với hệ thống trang trại nhà kính, cánh đồng mở trồng rau sạch quy mô công nghiệp và quy trình chăm sóc, quản lý nghiêm ngặt, rau quả sạch FVF được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và Organic USDA-EU. Áp dụng công nghệ cao hiện đại vào sản xuất, Dự án Trồng và xuất khẩu rau quả tươi sạch của Tập đoàn TH là dự án sinh thái bền vững, không chỉ đóng góp tích cực vào việc gìn giữ, bảo vệ môi trường tự nhiên mà còn tiên phong áp dụng đồng bộ mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Không chỉ vậy, những cánh đồng rộng lớn hàng trăm hecta trồng cây nguyên liệu gồm cỏ, ngô, hướng dương, tiếp đó là trang trại bò sữa organic, nhà máy sản xuất thức ăn cho bò sữa, khu vắt sữa cũng gây ấn tượng mạnh với đoàn tham quan.

Ông Lê Xuân Phong - Giám sát hành chính tại FVF giới thiệu những công nghệ thân thiện môi trường được áp dụng tại cánh đồng rau, củ sạch.

“Chuyến tham quan đã giúp cho Mắt Xanh có thêm rất nhiều kiến thức, cũng như câu chuyện về các mô hình phát triển bền vững tại các đơn vị của tập đoàn TH. Đây sẽ là kiến thức quý báu giúp Mắt Xanh có cái nhìn tổng quát hơn về việc thực hành bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp. Trân trọng cảm ơn Ban điều phối dự án PTBV và các đơn vị trong tập đoàn TH như Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU); Công ty CP Thực phẩm sữa TH (Trang trại TH); Công ty CP Sữa TH (Nhà máy sữa tươi sạch TH) và Công ty CP Sản Xuất và Cung Ứng Rau Quả Sạch Quốc Tế (FVF) đã đón tiếp và giới thiệu, lan tỏa những hành động thiết thực liên quan tới Phát triển Bền vững.” - Bạn Phạm Thị Thanh Hồng chia sẻ sau chuyến đi.

Dự án “Thanh niên vì Môi trường - Youth for Environment” được Quỹ VTVV triển khai với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Earth Journalism Network và Ngân hàng TMCP Bắc Á, nhằm tăng cường tiếng nói và hành động của thanh niên trong các vấn đề môi trường.

Tập đoàn TH là doanh nghiệp thực hiện Báo cáo phát triển bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế, đánh giá trên 6 trụ cột: Dinh dưỡng và sức khỏe; Môi trường; Giáo dục; Con người; Cộng đồng; Phúc lợi động vật. Thông qua các hoạt động phát triển bền vững, Tập đoàn có thể phân bố và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, giúp bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đóng góp trở lại cho xã hội trên nhiều mặt.

Theo TP