Khởi nghiệp với 30 triệu đồng
Vườn đu đủ của anh Vi Văn Quang, 28 tuổi, khu phố Tén Tằn, thị trấn Mường Lát, huyện vùng biên Mường Lát (Thanh Hóa) cách cửa khẩu Tén Tằn 100m, trở thành điểm "hút" khách dịp đầu năm mới.
Khách đổ về khu vườn của anh Quang săn ảnh với đu đủ, tham quan cửa khẩu, ngắm sông Mã, thưởng thức các món ăn đặc trưng của miền Tây xứ Thanh và nước bạn Lào. Món ăn du khách yêu thích là thịt trâu gác bếp, măng luộc, canh đắng, bia Lào,…
"Có những ngày ô tô, xe máy đậu kín cả đường dẫn vào vườn đu đủ. Hôm bùng nổ, quán tôi bán hơn 40 mẹt cỗ. Nhiều lúc phải "đuổi" khéo khách vì không còn chòi, chiếu, nhân công để phục vụ", anh Quang nói.
Vốn là người dân tộc Thái, sau khi học hết cấp 2, năm 2012, anh Quang đi học nghề sửa chữa xe máy rồi về mở quán sửa xe. Giữa năm 2023, thấy vườn đu đủ rộng gần 1ha của Chi hội phụ nữ khu phố nhìn xanh mướt, có "view đẹp" mà bị bỏ hoang, anh tiếc nuối.
Không muốn công sức của các bà, các mẹ dày công chăm sóc "đổ sông, đổ bể", anh Quang xin phép chính quyền và bàn bạc với Chi hội trưởng hội phụ nữ khu phố được tiếp quản khu vườn. Mục đích ban đầu của anh thu hết lứa quả sẽ cải tạo đất, trồng giống đu đủ đực lấy hoa.
Trong thời gian chờ thu hoạch đu đủ, anh Quang lên mạng tìm hiểu các mô hình làm giàu từ "cây nhà, lá vườn". Chàng thanh niên nhận ra, giới trẻ thích khám phá, tìm các điểm check-in và thưởng thức đồ ăn nên có ý tưởng phát triển vườn đu đủ thành điểm đón khách, vui chơi, giải trí.
Bên cạnh đó, theo anh Quang, huyện vùng biên Mường Lát có nhiều tiềm năng du lịch, đặc biệt phát triển du lịch theo hướng gắn kết cộng đồng và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo. Chỉ riêng vị trí của vườn đu đủ tiếp giáp với cửa khẩu Tén Tằn đã là lợi thế khi có rất đông du khách qua lại. Vì vậy, anh mạnh dạn bắt tay vào làm du lịch.
Nghĩ là làm, những lúc quán sửa xe vắng khách, chàng trai lên đồi đốn tre, luồng, thu gom cỏ làm mái tranh. Anh Quang đầu tư 30 triệu đồng vào việc mua vật dụng phục vụ quán ăn, thuê người phụ trách, làm chòi, hàng rào, các công trình phụ… để khởi nghiệp.
Vốn là thợ sửa xe máy, anh chưa một ngày được học qua trường lớp về du lịch, bởi thế, khi dấn thân vào "ngành công nghiệp không khói" còn nhiều bỡ ngỡ. Bố mẹ lo lắng, khuyên ngăn không nên "ném" tiền vào vườn đu đủ, bởi trên địa bàn huyện Mường Lát chưa thấy ai mạo hiểm kiểu này. Song chàng trai vẫn quyết tâm thực hiện.
"Ban ngày tôi tập trung công việc ở quán sửa xe. Tối đến tôi lại lên mạng học làm, bài trí món ăn; nghiên cứu cách tạo view "sống ảo" cho giới trẻ... Càng tìm hiểu tôi càng thấy mình có khiếu, duyên làm du lịch", anh Quang chia sẻ.
Thu 30 triệu đồng mỗi tháng
Ban đầu quán chưa có nhiều khách, ông chủ nỗ lực lên mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok để quảng bá. Anh cũng học cách gắn địa chỉ quán vào Google Maps để thuận tiện cho khách du lịch tìm đến. Nhờ đó, lượng khách đến khu vườn mỗi ngày một đông.
"Trung bình quán của tôi đón 100 lượt khách/ngày. Tháng đỉnh điểm tôi thu 30 triệu đồng từ việc bán đồ ăn cho khách. Việc chụp ảnh hoàn toàn miễn phí. Khách của quán chủ yếu là các đoàn đi tham quan, các bạn trẻ đi phượt,…" anh Quang chia sẻ.
Theo anh Quang, vườn đu đủ là để "hút view", gây sự tò mò, thu hút khách đến với quán. Còn việc giữ được chân khách hay không còn phụ thuộc vào chất lượng các món ăn, phong cách phục vụ. Khách nhận thấy quán làm có tâm, bền vững thì sẽ quay lại hoặc giới thiệu cho người thân, bạn bè.
Lượng khách đến check-in, ăn uống ngày càng đông, thường xuyên "cháy" chòi, cuối năm 2023, anh vay thêm vốn của ngân hàng chính sách xã hội huyện Mường Lát để làm thêm chòi, thuê nhân công trồng thêm đu đủ và hoa.
Theo anh Quang, từ khi mở thêm quán, làm du lịch, anh vất vả, tất bật hơn khi phải chạy đi, chạy lại giữa cửa hàng sửa xe và quán ăn nhưng anh vui vì có 2 nguồn thu nhập, đồng thời tạo được việc làm cho 3 lao động trong khu phố.
"Sắp tới tôi sẽ tìm hiểu, học hỏi thêm về cách làm du lịch cộng đồng. Hy vọng, mô hình du lịch của tôi phù hợp với hướng phát triển của địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều người", anh Quang ấp ủ dự định.
Ông Ngân Trọng Hiệp, Chủ tịch UBND thị trấn Mường Lát, cho biết, sau khi được đơn vị quốc phòng cho mượn đất, UBND thị trấn khuyến khích bà con địa phương phát triển kinh tế. Chi hội phụ nữ khu phố nhận quản lý khu đất gần cửa khẩu Tén Tằn. Các chị em lên mạng mua giống đu đủ đực về trồng với mục đích thu hoa. Tuy nhiên, thật không may, giống cây đu đủ mà hội chị em trồng lại cho toàn... quả.
Việc trồng cây không như kỳ vọng, các chị em không biết xoay xở thế nào đành để cây tự sinh trưởng, phát triển. Anh Quang thấy tiếc nên đã xin phép Chi hội phụ nữ khu phố đầu tư thành điểm đón khách đến vui chơi, giải trí, thưởng thức các món ăn của vùng cao và nước bạn Lào.
"Anh Quang là thanh niên ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, có tư duy làm kinh tế. Từ vườn đu đủ bỏ hoang, anh Quang không chỉ kiếm tiền triệu mỗi ngày mà còn tạo việc làm cho nhiều người. Chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động cho thanh niên trên địa bàn học tập, mạnh dạn khởi nghiệp", ông Hiệp nói.
Theo Dân Trí |