“Thắp lửa” cho những cây bút trẻ

(CTG) Giai đoạn đầu của dự án “Nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho sinh viên báo chí trong điều tra phòng, chống tham nhũng” đã kết thúc tốt đẹp với sự trưởng thành của các thành viên tham gia.


Sân chơi thực tế cho sinh viên

CLB Báo chí điều tra IJC được thành lập trong khuôn khổ Đề án “Nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho sinh viên báo chí trong điều tra phòng, chống tham nhũng” (P34), do khoa Báo chí, Học viện Báo chí – Tuyên truyền thực hiện. Đây cũng là đề án của Học viện tham gia dự thi Chương trình Sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam (VACI) 2013 do Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tổ chức.



Lễ ra mắt CLB Báo chí điều tra IJC, tháng 3/2014.


Ngay từ khi thông tin về CLB Báo chí điều tra IJC đăng tuyển rộng rãi, đã có gần 500 hồ sơ dự thi của sinh viên các trường trên địa bàn Hà Nội. Sau nhiều vòng loại và thi, 35 thành viên của IJC đã được lựa chọn. IJC đã có những hoạt động hữu ích, tạo cơ hội tiếp cận gần hơn, chuyên nghiệp hơn cho những sinh viên Báo chí đam mê lĩnh vực này. Trong 3 tháng, các bạn trẻ đã được cung cấp những kiến thức cơ bản về báo chí điều tra nói chung và điều tra phòng, chống tham nhũng nói riêng. Bên cạnh đó, các bạn có cơ hội gặp gỡ với các nhà báo đi trước, các chuyên gia liên quan đến báo chí điều tra. Điều thú vị trong quá trình thực hiện dự án, các thành viên sẽ cùng các nhà báo đi thực tế, vận dụng những kiến thức và kỹ năng đã được học trước đó.

Đây là cơ hội hiếm có cho những thành viên của IJC, khi các bạn được những nhà báo nhiều kinh nghiệm chia sẻ, hướng dẫn. Nguyễn Đình Thành (lớp Chính sách công K33) cho biết: “Nhờ những buổi tiếp xúc như vậy, các thành viên đã có những bài học sâu sắc về cách xử lý tình huống một cách hợp lý, cách thu thập và kiểm chứng tài liệu hiệu quả trong một bài điều tra”.

Qua những chuyến đi thực tế, nhiều bạn đã tích lũy được những bài học quý giá. Cao Nữ Phương Trà (khoa Báo chí) khẳng định: “Mình đã trưởng thành hơn, biết khai thác, xử lý thông tin một cách linh hoạt, chủ động và sử dụng thành thạo các thiết bị hỗ trợ, như: Máy ảnh, máy ghi âm, máy quay…”.

Vì nhà báo là phải dấn thân

Mục đích của IJC là tạo môi trường giúp các bạn trẻ tiếp cận, học tập và thực hành báo chí điều tra phòng, chống tham nhũng, đồng thời, phát huy tối đa lòng nhiệt huyết, sự sáng tạo, dám dấn thân của sinh viên. Lê Phương Nam (năm thứ tư, khoa Tuyên truyền), thành viên năng nổ bậc nhất của câu lạc bộ, cho biết: “Mình yêu thích viết báo. Mình hiểu rằng, nếu chỉ có đam mê thôi chưa đủ và khi IJC tuyển thành viên, mình đã không ngần ngại nộp hồ sơ. Đây là cơ hội để mình tiếp cận với ngành nghề yêu thích, tiếp xúc với các bạn cùng đam mê và học hỏi thêm từ các nhà báo đi trước”.

Đề án “Nâng cao kiến thức và kỹ năng tác nghiệp cho sinh viên báo chí trong điều tra phòng chống tham nhũng” P34 đã hoàn thành, với những thành công đáng ghi nhận. Sau gần một năm triển khai, IJC đã tạo môi trường giúp các bạn trẻ tiếp cận, học tập và thực hành báo chí điều tra phòng, chống tham nhũng, đồng thời, phát huy tối đa lòng nhiệt huyết, sự sáng tạo, dám dấn thân của các phóng viên tương lai. Phương Nam cho biết thêm: “Sau khi tham gia câu lạc bộ, điều mình nhận lại không hẳn chỉ là những bài báo điều tra chất lượng mà còn là tinh thần dám dấn thân và kinh nghiệm thực tế. Không phải chỉ là đấu tranh với những vấn đề xã hội to tát mà các sinh viên có thể đấu tranh ngay trên ghế giảng đường”.

 
Theo SVVN