Thầy giáo Jrai ăn cơm độn bắp, nuôi ước mơ thắp sáng tri thức bản nghèo

(CTG) Ăn cơm độn bắp, lội qua sông để đến trường cách nhà 10km… tất cả vẫn không thể cản trở ước mơ đem ánh sáng tri thức về với bản nghèo của thầy giáo dân tộc Jrai Nay A Yôn (SN 1986, Trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai).

Từ thuở ấu thơ ăn cơm độn bắp…

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Jrai làm nghề nông tại làng Pleipa Ama H’Lăk, xã Chứ Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai, thầy giáo Nay A Yôn cũng như nhiều bà con dân bản quanh năm vất vả trồng lúa rẫy xen thêm cây bắp để khi ngô lớn ăn dần, chờ thu hoạch lúa.

Thầy giáo Nay A Yôn tham dự Đại hội Đại biểu Dân tộc thiểu số huyện Mang Yang lần thứ 3 năm 2019

Từ khi ở trong bụng mẹ, bố mẹ đã ly hôn nên thầy Yôn không may mắn có được tình thương của cha. Bù lại, cuộc sống thuở ấu thơ sống với ông bà và họ hàng ngoại của thầy dù cơm không đủ no, áo không đủ mặc, vẫn ấm áp tình cảm gia đình. “Hồi tôi học lớp 1, bà tôi có kể lại một câu chuyện lúc nhỏ của tôi, có lẽ tôi lúc đó 3-4 tuổi gì đó. Vào lúc ăn cơm tối, cả nhà đang ngồi ăn thì cậu út nói với ông bà: “Ba mẹ ơi con ăn cơm trộn gạo với bắp không ngon tí nào’’. Sau đó, tôi ngồi cạnh cậu cũng nói theo: “Ông bà ơi cháu cũng vậy, nhưng cháu cố ăn vì cháu không dám nói sợ ông bà buồn!”. Thế là cả nhà đang ngồi ăn bỗng dưng dừng, lại ai cũng rơi nước mắt và ôm lấy tôi. Sau ngày đó, gạo ở nhà dù ít cỡ nào, ông bà cũng nấu riêng, không trộn với bắp nữa, sợ tôi không ăn được và cậu út cũng nhường hết cho tôi.” – thầy Yôn hồi tưởng lại.

Chính hoàn cảnh khó khăn này lại càng trui rèn ý chí để thầy Yôn quyết tâm, nỗ lực học tốt để mong muốn giúp cuộc sống gia đình và bà con bản nghèo khấm khá hơn trong tương lai. Với sự giúp đỡ của thầy cô, thầy trở thành học sinh giỏi đầu tiên của trường THCS Chứ Mố (nay là trường THCS Nay Der) và trúng tuyển kì thi tốt nghiệp THPT Ayunpa (nay là trường THPT Lê Thánh Tông).

Nhà cách trường Ayunpa 10km, lại phải lội qua sông Ba mới đến được trường, vào mùa mưa lũ phải đi canô vì thời gian đó nước dữ, không có cầu Bến Mộng. Đầu năm lớp 10, cả làng có khoảng 10 – 12 học sinh nhưng đến cuối lớp 10 thì nghỉ gần hết và chỉ còn lại 4 học sinh. Đa phần nghỉ học vì không chịu được cảnh đi đến trường xa hoặc bị bắt ở nhà đi làm rẫy phụ giúp cha mẹ. May mắn thay, mẹ thấu hiểu ý chí quyết tâm và tinh thần hiếu học ở thầy nên đã động viên, chắt bóp tiền của để thầy tiếp tục được đến trường với mong ước về cuộc sống sau này sẽ tốt đẹp hơn.

…đến ước mơ thành nhà giáo đem tri thức thắp sáng bản nghèo

Sau một năm học tại trường Dự bị Đại học Trung ương Nha Trang, thầy được xét tuyển vào trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, chuyên ngành Toán. Gia cảnh khó khăn mà việc học đại học tốn kém không ít chi phí nhưng thầy vẫn quyết tâm hoàn thành khóa học để đến gần hơn ước mơ trở thành người giáo viên nhân dân, để đem ánh sáng tri thức về với bản làng mình, giúp người dân bớt nghèo, bớt khổ, giúp các em nhỏ sẽ không phải gặp quá nhiều khó khăn trên con đường tiếp cận cái chữ như thầy đã từng trải qua.

Thầy Yôn cùng học sinh trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai tham gia Hội thi Tin học trẻ năm 2020

Sau 4 năm học đại học, thầy cầm hồ sơ về Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai để xin xét tuyển theo đúng chuyên ngành đào tạo của mình. May mắn là thầy đã trúng tuyển và được phân về công tác tại Trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Tuy chưa được về với bản làng nghèo, nơi mình sinh ra và lớn lên nhưng được đóng góp một phần cho sự nghiệp “trồng người” ở quê hương Gia Lai cũng là niềm hạnh phúc đối với thầy Nay A Yôn.

Là một thầy giáo trẻ, thầy Yôn rất cần cù, chịu khó học hỏi đồng nghiệp, tích lũy kinh nghiệm, tự tìm tòi, nghiên cứu phương pháp giáo dục để có thể truyền đạt tri thức cho học sinh tốt hơn với mong muốn chắp cánh ước mơ của các em học sinh nghèo để hướng tới tương lai tươi sáng như thầy đã từng làm được.

Ngoài giảng dạy, từ tháng 10/2019 đến nay, thầy còn đảm nhiệm vai trò Phó Bí thư Đoàn thanh niên trường. Với cương vị mới, thầy luôn tích cực xung phong đi đầu trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở trường, luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp của đồng nghiệp để hoàn thiện mình trong công việc: phụ trách phát triển Đoàn viên mới trong Đoàn trường; theo dõi và chỉ đạo hoạt động của Đội Cờ đỏ học sinh, kiểm tra nề nếp, thực hiện nội quy của học sinh các khối 10, 11, 12; chịu trách nhiệm điều hành các hoạt động của Đội thanh niên xung kích, Đội văn nghệ Đoàn trường. Dù đứng trên cương vị nào, thầy cũng luôn cố gắng hoàn thành thật tốt mọi công việc mà cơ quan giao phó.

Thầy Yôn cùng đoàn viên, thanh niên trường THPT Trần Hưng Đạo, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai tham gia các phong trào Đoàn, Hội tại địa phương

Vào tháng 04/2019, nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy để truyền thụ kiến thức cho học sinh tốt hơn nữa, thầy quyết định đăng ký học thạc sĩ chuyên ngành Toán ứng dụng tại trường Đại học Khoa học Huế. Đến nay, tôi đã hoàn thành khóa học và dự kiến bảo vệ luận văn thạc sĩ vào đầu tháng 02/2021.

Trên hành trình đầy chông gai và gian khó, từ điểm xuất phát là con số 0 tròn trĩnh, đi lên từ miền quê nghèo khó, cái ăn chưa no và cái mặc chưa ấm... nhưng ước mơ trở thành người giáo viên nhân dân của thầy đã trở thành hiện thực. Thầy đã trở thành tấm gương sáng về ý chí quyết tâm, nỗ lực học thành tài để con em bản làng Pleipa Ama H’Lăk noi theo, một hình mẫu minh chứng thuyết phục nhất cho câu chuyện muốn thoát nghèo vươn lên, phải học không ngừng học.

“Từ lúc tiếng Việt chưa được phát âm chuẩn đến nay tôi sắp có tấm bằng Thạc sĩ chuyên ngành Toán ứng dụng. Tôi làm được, tất cả các bạn cũng làm được” - thầy Yôn nói, trong mắt ánh lên niềm tin và ý chí kiên định.

Với những đóng góp cho ngành giáo dục và công tác Đoàn tại địa phương, thầy Nay A Yôn vinh dự nhận Giấy khen của Liên đoàn Lao động, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Gia Lai, UBND huyện Mang Yang, Huyện đoàn Mang Yang...

Dịp này, thầy Yôn là 1 trong 63 gương giáo viên được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Đây là chương trình nhằm tôn vinh và tri ân những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ của các giáo viên người dân tộc thiểu số, đặc biệt là những dân tộc có quy mô dân số dưới 10.000 người, đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên được khởi xướng và tổ chức bởi Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long nhằm cổ vũ, động viên, tri ân các thầy cô giáo có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác giảng dạy tại các địa bàn huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Cá nhân được tuyên dương là những thầy cô có đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật; có trình độ chuyên môn, có khả năng truyền cảm hứng trong công tác dạy học được phụ huynh, nhà trường, các cơ sở giáo dục và xã hội ghi nhận; thời gian tham gia công tác dạy học trực tiếp tối thiểu là 3 năm.

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2020 ưu tiên tôn vinh các thầy giáo, cô giáo là người dân tộc thiểu số có quy mô dân số dưới 10.000 người; giáo viên có hoàn cảnh khó khăn; giáo viên có thời gian giảng dạy lâu năm; giáo viên trẻ tình nguyện lên vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn dạy học.

Chương trình sẽ được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (8 Huỳnh Thúc Kháng, Q. Đống Đa, Hà Nội) vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.