Thầy giáo trẻ với gần 50 sáng chế thiết bị thí nghiệm giúp học sinh hứng thú hơn với môn Vật lý

(CTG) Đó chính là thầy giáo Nguyễn Trường Vũ, hiện giảng dạy bộ môn Vật lý tại trường TH & THCS Phượng Hoàng (TP.Huế). Với mong muốn giờ học Vật lý trở nên trực quan, sinh động hơn, các em học sinh nắm bắt bài tốt hơn, thầy giáo Trường Vũ đã tự mày mò tìm kiếm, sáng chế các thiết bị thí nghiệm chất lượng nhưng giá thành thấp để phục vụ công tác giảng dạy…

 

Bộ khảo sát chuyển động thẳng giá chỉ 200 nghìn đồng, an toàn, sai số thấp.

Sáng tạo, cải tiến không ngừng từ cái tâm nghề giáo

Ngay từ lúc bắt đầu công việc giáo viên, thầy Trường Vũ đã luôn trăn trở làm sao để có các thí nghiệm trực quan giúp học sinh không quá áp lực, hiểu bài tốt và nâng cao chất lượng giảng dạy. Bởi thầy Vũ nhận định rằng “chỉ có phương pháp dạy học thực nghiệm mới đem lại hiệu quả cao, đặc biệt là đối với bộ môn Vật lý.”

Vật lý là một môn học khá “khó nhằn” với những lý thuyết, hiện tượng phức tạp, tính trừu tượng cao khiến nhiều học sinh phải “vò đầu bứt tai”, từ đó dẫn đến tình trạng học “qua loa”, đối phó hoặc mất hứng thú, chán học. Chính vì vậy, làm thế nào để đơn giản hoá những lý thuyết, hiện tượng ấy, giúp các em học sinh nắm bắt được bài giảng, kiến thức dễ dàng hơn là điều đòi hỏi các thầy cô Vật lý như thầy Vũ phải không ngừng nỗ lực, sáng tạo, cải tiến phương pháp dạy học.

Thầy Nguyễn Trường Vũ.

Thầy Vũ chia sẻ: “Trên thị trường Việt Nam hiện nay, thiết bị giáo dục có giá khá cao, khó tiếp cận, một phần chất lượng không ổn định, độ bền cơ học chưa cao, một phần còn thiếu những sản phẩm mong muốn… nên tôi luôn tìm tòi sáng chế, cải tiến các thiết bị thí nghiệm giúp học sinh dễ hiểu hơn, hứng thú hơn với môn Vật lý”.

Trong quá trình nghiên cứu thực hiện các sáng chế của mình, thầy giáo Nguyễn Trường Vũ cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý các vấn đề kỹ thuật vì thiết bị thực hành khác xa với lý thuyết, kèm với đó là các máy móc dụng cụ chế tạo còn hạn chế. Đôi khi, thầy mất đến vài năm để có thể cải tiến, hoàn thiện một sản phẩm ưng ý.

Tuy nhiên, khi nói về các sáng chế này, thầy Vũ vẫn lạc quan chia sẻ: “Tôi có nhiều thuận lợi hơn là khó khăn. Thứ nhất, tôi có đam mê chế tạo, nếu thiếu đam mê này thì tôi không có sáng tạo nào cả. Thứ hai, tôi nhận được sự quan tâm đầu tư của nhà trường, lãnh đạo trường luôn tạo điều kiện và cổ vũ tôi sáng chế. Thứ ba, tôi may mắn được học chương trình đào tạo bằng tiếng Anh nên tôi có thể tham khảo nhiều nguồn tài liệu của thế giới để giải quyết các vấn đề khó khăn kỹ thuật.”

6 năm đi dạy với gần 50 sáng chế thiết bị thí nghiệm vật lý

Tính đến nay, chỉ với gần 6 năm trong nghề giáo, thầy Nguyễn Trường Vũ đã có khoảng 50 sáng chế thiết bị thí nghiệm lớn nhỏ để phục vụ giảng dạy, tiêu biểu như: Đồng hồ đo mili giây, bộ thí nghiệm đo gia tốc rơi tự do, bộ thí nghiệm khảo sát chuyển động thẳng, máy phát tín hiệu dao động âm tần, bộ thí nghiệm đo vận tốc âm thanh, bộ thí nghiệm tạo sóng dừng trên dây, Việt hoá phần mềm vật lý phyphox, bộ thí nghiệm mô hình song, bút thử điện tích âm dương, bộ thí nghiệm tác dụng sinh lý của dòng điện…

Hầu hết các bộ sản phẩm thí nghiệm của thầy Vũ đều có thiết kế nhỏ gọn, dễ sử dụng, chi phí thấp, được làm từ những vật liệu gần gũi, dễ kiếm. Đặc biệt, một số sản phẩm có sự kết hợp với điện thoại thông minh nên giảm hẳn giá thành, đây cũng là hướng đi mới phù hợp với xu thế vận dụng tài nguyên công nghệ 4.0 vào dạy học hiện nay.

Bút thử điện âm dương.

Sau khi hoàn thành các sản phẩm thí nghiệm, thầy làm video đưa lên các trang mạng xã hội để phổ biến cách chế tạo. Những video đó cũng đã nhận được sự quan tâm của các thầy cô giáo trên khắp cả nước, nhiều người đã hỏi cách làm, đề nghị mua sản phẩm để phục vụ giảng dạy.

Trong các sáng chế của mình, thầy Trường Vũ tâm đắc nhất là thiết bị bút thử điện tích âm dương. Thiết bị này được làm từ các transitor, đèn led, điện trở và pin với giá chỉ 50 nghìn đồng. Khi đặt một vật nhiễm điện dương gần bút thì đèn màu xanh sẽ tắt, khi đặt một vật nhiễm điện âm gần bút thì đèn màu đỏ sẽ tắt. Bút có thiết kế gọn, nhẹ, dễ sử dụng, tiêu hao điện rất nhỏ. Thầy đã mất hơn ba năm để thử nghiệm, cải tiến và hoàn thiện nó. Khi nói về sản phẩm này, thầy Vũ tự hào chia sẻ: “Bút thử điện này là sản phẩm mới hoàn toàn và chưa có trên thị trường Việt Nam.”

Với các sáng chế thiết bị thí nghiệm, giờ Vật lý của thầy giáo Nguyễn Trường Vũ trở nên hấp dẫn, sinh động hơn nhiều, các em học sinh rất phấn khởi và vui vẻ, hiểu bài sâu hơn. Không những vậy, từ những sáng chế của mình, thầy Vũ đã truyền cảm hứng đến học sinh, giúp các em yêu thích môn Vật lý, đam mê sáng tạo hơn.

Các sáng chế thiết bị tiêu biểu đã được thầy giáo Nguyễn Trường Vũ tổng hợp trong đề tài “Sáng chế thiết bị thí nghiệm vật lý phổ thông mới” tham gia cuộc “Tri thức trẻ vì giáo dục 2020” do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Thầy Vũ hi vọng, thông qua cuộc thi này các thiết bị thí nghiệm sẽ nhận được sự quan tâm, đầu tư sản xuất của các công ty thiết bị giáo dục. Thầy sẵn sàng chuyển giao miễn phí các thiết kế, cấu tạo của các sản phẩm để sản xuất đại trà phục vụ công cuộc cải cách, đổi mới giáo dục.

 

Theo GDTĐ