Đó là Nguyễn Thị Thúy Quỳnh - sinh viên ngành Kiến trúc, Trường Đại học Kiến trúc TPHCM, một trong 2 nữ sinh đoạt giải Nhất Giải thưởng Loa Thành năm 2024 với đồ án “Bảo tàng chứng tích chiến tranh Đông Nam Bộ”.
Tỉnh thức từ nỗi đau
Nữ sinh Nguyễn Thị Thuý Quỳnh cùng nhóm hỗ trợ đồ án. |
Đối mặt với cú sốc lớn nhất của cuộc đời khi mất đi người cha thân yêu, cô gái ấy như rơi vào vực thẳm của nỗi đau không thể gọi thành lời. Khoảng thời gian sau đó là chuỗi ngày cô đắm chìm trong sự trống rỗng, với những ký ức đứt đoạn và cảm giác tê liệt, như thể dòng chảy thời gian xung quanh đã ngừng lại.
“Bối cảnh rừng và chính những không gian kiến trúc thấu cảm sẽ khơi gợi được những giá trị về tình yêu thương trong lòng khách tham quan, giúp ta tin yêu và thêm trân trọng những giây phút hòa bình”.
Nguyễn Thị Thúy Quỳnh
Để xoa dịu cảm xúc cho chính mình, Quỳnh tìm đến cuốn sách “Sang chấn tâm lý - Hiểu để chữa lành” của TS. Y khoa Bessel Van Der Kolk, tìm một góc lạc quan hơn về cái chết và sự sống luân hồi.
Ở cuốn sách, tình cờ, câu chuyện về người cựu binh Mỹ trở về từ chiến trường Việt Nam như đã khởi tâm cho cô gái một sự thấu cảm. Thế rồi, cô gái trẻ tự hỏi: “Chiến tranh là gì?”. Thời chiến những người lính đánh nhau bằng bom đạn, thời bình phải “đánh nhau” với bóng ma quá khứ.
“Tôi không quên được hình ảnh đặc tả những cựu binh Mỹ không thể ôm đứa con của mình, bởi ám ảnh từ những đứa trẻ họ đã giết hại ở chiến trường Việt Nam. Chính bóng ma quá khứ ấy đã giày vò, gặm nhấm họ trong từng giấc mơ đến suốt cuộc đời. Họ đã giấu dưới vỏ bọc bình thường ấy là những nỗi đau, là tâm hồn đã chết”, nữ sinh đồng cảm.
|
Nữ sinh Nguyễn Thị Thúy Quỳnh (bên phải ảnh) đoạt giải Nhất Giải thưởng Loa Thành năm 2024. |
Đặc biệt, khi được nghe kể về những hố chôn tập thể trong chiến tranh ở Việt Nam, những gia đình khắc khoải đến nay vẫn chưa xác định được danh tính người thân… đã hé mở trong Quỳnh ý tưởng về đồ án “Bảo tàng chứng tích chiến tranh Đông Nam bộ”.
Quỳnh nhận ra, nỗi đau sẽ không bao giờ biến mất, nó chỉ vơi đi theo thời gian và trong cách con người chấp nhận và thích nghi với nỗi đau ấy để bước tiếp. Với sự tò mò và niềm tin kiến trúc có khả năng chữa lành, ảnh hưởng tích cực đến đời sống tinh thần của con người, nữ sinh kiến trúc muốn đem đến sự suy nghiệm giữa chiến tranh - hoà bình cho các bạn trẻ hiện nay, cũng như để hàn gắn những trái tim vẫn tổn thương vì chiến tranh.
Đó là không gian đặt giữa bối cảnh rừng Chàng Riệc (nay thuộc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, tỉnh Tây Ninh) mang giá trị về lịch sử quan trọng đối với Đông Nam bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng. Đây được coi là vùng đất anh hùng, từng là nơi che chở cho quân đội ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Quỳnh đã tận dụng khai thác các yếu tố bản địa ấy và bối cảnh khu đất nằm sâu trong rừng Chàng Riệc - nơi vẫn còn lưu giữ những hố bom như những vết sẹo của rừng do bom đạn từ những trận “Tìm và Diệt” gây ra. Hơn 10 tháng đau đáu, bảo tàng chứng tích được phác họa bằng một chuỗi công trình kết hợp giữa không gian âm và bán âm như “căn hầm trú ẩn” giữa rừng xanh.
Việc định hình không gian bán âm, kết hợp giải phóng mặt bằng giúp công trình tương tác đa hướng, ít ảnh hưởng đến rừng, cũng như hạn chế tác động của con người đối với tự nhiên. Công trình cũng được thiết kế các khoảng không gian đóng - mở, các khe sáng, giúp người xem có thể trải nghiệm nhiều cảm xúc giữa bóng tối và ánh sáng.
Đầu tiên là không gian máy bay Mỹ bị bắn rơi, nơi người xem có thể quan sát từ nhiều hướng, thấy trực diện một khoảng không cao ba tầng. Khi xuống tầng đáy, người xem có thể thấy những mô hình máy bay phía trên tái hiện lại cảnh máy bay Mỹ oanh tạc trong chiến dịch “Tìm và Diệt” trong chiến tranh vùng Đông Nam bộ.
Tiếp đó là không gian tưởng niệm với ý tưởng về những hố chôn tập thể, sử dụng thủ thuật đa góc nhìn. Những chữ cái được khắc tên lên mặt trong của hố tưởng niệm ẩn dụ cho danh tính của những người đã mất. Ở đó, có những cái tên trọn vẹn, nhưng cũng có những cái tên trên viên gạch cứ dần tan ra, như những người ra đi không xác định được danh tính.
Mô tả “Bảo tàng chứng tích chiến tranh Đông Nam bộ” |
Khép quá khứ, mở tương lai
“Biên giới một màu xanh, như dấu nối không lời/ Dải đất ba mươi năm, bao lối mòn trùng điệp/Đầu não chiến khu, khiến kẻ thù kinh khiếp/Nơi khai sinh lá cờ Mặt trận đính vàng sao…” - lời thơ của Bằng Việt trong tác phẩm Tây Ninh như lời thì thầm dẫn lối người đi vào không gian xanh ngắt của rừng Chàng Riệc.Những câu thơ ấy, cùng lời kể của ngoại như tiếp thêm sức cảm cho nữ sinh Kiến trúc về một vùng đất có lịch sử hào hùng.
Rồi những cảnh người tật nguyền do chất độc da cam, đến những hình ảnh thây người chết chất đống, hội chứng sang chấn tâm lý hậu chiến, hay di chứng chiến tranh và những đứa con lai…. được tái hiện qua phim tài liệu hay sách, báo đã làm Quỳnh bừng thức mong muốn đưa họ thoát khỏi “bóng ma” quá khứ.
“Gần một năm tìm hiểu, đó là quãng thời gian khó khăn nhất bởi tôi cũng phải đối diện với nhiều hình ảnh rất ám ảnh. Nhưng tôi biết, mình phải vượt qua vì bản thân phải là trải nghiệm đầu tiên trong công trình của mình”, nữ sinh nói.
Ở mỗi không gian trưng bày, Quỳnh đã áp dụng phương pháp chữa trị sang chấn tâm lý, để chuỗi không gian trải nghiệm tập trung khai thác cảm xúc đa chiều, tái hiện ký ức chiến tranh, thay vì xoáy sâu vào khai thác tuyến tính các giai đoạn lịch sử như thông thường. Đó là ý niệm về không gian: Hiểu về (chiến tranh, quá khứ, bóng tối) - Để trân trọng (hoà bình, hiện tại, ánh sáng).
Nhờ vậy, người xem ở hiện tại có thể đối mặt và nhận thức rõ ràng hơn về chiến tranh tàn khốc trong quá khứ, nhưng hướng đến thông điệp về sự bảo tồn, lưu trữ, giáo dục, chữa lành và tưởng niệm.
“Bối cảnh rừng và chính những không gian kiến trúc thấu cảm sẽ khơi gợi được những giá trị về tình yêu thương trong lòng khách tham quan, giúp ta tin yêu và thêm trân trọng những giây phút hòa bình”, Quỳnh nói.
Quỳnh nhận ra, nỗi đau sẽ không bao giờ biến mất, nó chỉ vơi đi theo thời gian và trong cách con người chấp nhận và thích nghi với nỗi đau ấy để bước tiếp. Với sự tò mò và niềm tin kiến trúc có khả năng chữa lành, ảnh hưởng tích cực đến đời sống tinh thần của con người, nữ sinh kiến trúc muốn đem đến sự suy nghiệm giữa chiến tranh - hoà bình cho các bạn trẻ hiện nay, cũng như để hàn gắn những trái tim vẫn tổn thương vì chiến tranh.
Đây chính là giá trị to lớn mà công trình mang lại, một biểu tượng của sự hàn gắn và hy vọng, không chỉ cho những người đã sống qua chiến tranh mà còn cho các thế hệ tương lai. Cái kết của đồ án không chỉ dừng lại ở thành công trong học thuật, mà còn mở ra một hành trình dài hơn - hành trình gieo mầm hòa bình trong trái tim con người.
Theo TP