Thu lợi nhuận cao nhờ trồng atisô theo phương pháp hữu cơ

(CTG) Đam mê làm nông nghiệp, Phạm Hữu Giàu (26 tuổi, ngụ H.Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã trồng atisô theo phương pháp hữu cơ và thu được lợi nhuận cao.

Tốt nghiệp ngành khoa học môi trường của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, Hữu Giàu trở về TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) làm việc cho công ty sản xuất rau hữu cơ.

Thu lợi nhuận cao nhờ trồng atisô theo phương pháp hữu cơ - Ảnh 1.
 Phạm Hữu Giàu thành công với atisô trồng hữu cơ

 

Sau khoảng thời gian làm việc ở công ty, anh Giàu xin nghỉ việc về quê ở H.Lạc Dương để trồng và tạo ra các sản phẩm từ atisô theo phương pháp hữu cơ.

Nhờ chịu khó, cần cù, nắm bắt nhanh những kỹ thuật trồng cây, anh Giàu đã gặt hái được nhiều thành công. Năm 2021, anh Giàu bỏ ra 350 triệu đồng mở trang trại trồng atisô theo hướng hữu cơ. Đến nay, chàng trai ấy đã có 6.000 m2 atisô phát triển xanh tốt và đang cho thu hoạch. Ngoài ra, anh Giàu liên kết nông dân trong vùng mở rộng canh tác và bao tiêu sản phẩm theo quy trình kỹ thuật với diện tích khoảng 1,5 ha.

Theo anh Giàu, atisô có thể trồng ngoài trời, không cần trồng trong nhà kính. Người trồng chăm sóc tốt và đúng quy trình thì cây phát triển tốt.

"Trồng atisô phải có cách thoát nước tốt thì cây không thối rễ. Mình tạo mương rãnh, chảy theo một chiều, đất không bị lõm ở giữa, trồng cây trên đồi cao, hạn chế trồng nơi thấp trũng", anh Giàu nói.

Với mong muốn tạo ra sản phẩm từ atisô mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng mà không gây tổn hại đến môi trường, anh Giàu sử dụng thuốc sinh học và các loại thiên địch tự nhiên hoặc bán tự nhiên để hạn chế sâu bệnh cho cây. Bên cạnh đó, tại nông trại không sử dụng phân bón hóa học, thay vào đó là các loại có chứng nhận hữu cơ. Trang trại cũng trồng loại cỏ Vetiver được sử dụng như là hàng rào sinh học để ngăn chặn các xâm nhập có hại từ bên ngoài...

Theo anh Giàu, sau 3 tháng trồng sẽ thu hoạch được đợt lá atisô đầu tiên. Các lần tiếp theo cách nhau từ 15 - 20 ngày. Mỗi tháng thu được 150 - 200 kg lá atisô. Lá atisô là nguồn nguyên liệu có quanh năm tại trang trại và dùng nấu cao. Các bộ phận thân, rễ, hoa và nhụy hoa của atisô thì được sử dụng để làm trà. Các bộ phận này thì một năm chỉ thu hoạch được một lần. Mùa thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 5. Mỗi đợt thu khoảng 1 - 1,5 tấn hoa atisô. Dự kiến trong năm 2023, trang trại sẽ đạt doanh thu khoảng 1,5 tỉ đồng từ trà và cao atisô. Sản phẩm hiện đang được phân phối ở 26 cửa hàng trên các tỉnh, thành và 8 sàn thương mại điện tử.

Theo TN