Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phản ứng chính sách có lúc chưa kịp thời

()CTG) Sáng 6-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ - Ảnh: VGP
 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ 

Đánh giá về các kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay trong 11 tháng qua, các mục tiêu đã đề ra cơ bản được thực hiện tốt: Giữ vững kinh tế vĩ mô trong điều kiện kinh tế thế giới bấp bênh, lạm phát được kiểm soát.

Tăng trưởng được thúc đẩy trên cả 3 lĩnh vực (nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ), đời sống nhân dân được nâng lên, chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững, đối ngoại tiếp tục là điểm sáng. Đoàn kết, thống nhất, niềm tin của nhân dân được củng cố và tăng cường.

Tiếp cận tín dụng vẫn còn khó khăn

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra kinh tế vĩ mô tháng 11 và 11 tháng có xu hướng phục hồi tích cực hơn. Nền kinh tế dần lấy lại đà tăng trưởng, thích ứng trước bối cảnh mới của thế giới và trong nước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 3,46% so với cùng kỳ, bình quân 11 tháng tăng 3,22%. Xuất siêu 25,83 tỉ USD trong 11 tháng, tăng khoảng 2,5 lần so với cùng kỳ 2022.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 65% kế hoạch, cao hơn gần 123.000 tỉ đồng cùng kỳ năm trước.

Trong 11 tháng, hơn 201.500 doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập thị trường, tăng 3,5% so với tháng trước.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi, với tổng lượng phát hành 214.300 tỉ đồng. Giao dịch trái phiếu riêng lẻ qua sàn đạt hơn 107.440 tỉ đồng, góp phần thúc đẩy thị trường.

 

Mặc dù có những kết quả nhất định, song người đứng đầu Chính phủ chỉ ra tiếp cận tín dụng, thị trường bất động sản vẫn khó khăn. Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng phát triển nhà ở xã hội cần phải thúc đẩy.

Phản ứng chính sách vẫn có lúc chưa kịp thời. Vì vậy cần phấn đấu đạt kết quả cao nhất với các chỉ tiêu khó đạt như đã báo cáo Quốc hội, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng GDP, tăng năng suất lao động, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng thách thức còn rất lớn, tạo sức ép lên thúc đẩy tăng trưởng, điều hành tỉ giá và ổn định vĩ mô. Sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có chuyển biến nhưng vẫn đối mặt thách thức về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính.

Nhìn vào sự thật, bám sát thực tiễn

Những khó khăn của doanh nghiệp, nền kinh tế đã tác động trực tiếp, làm tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô, theo cơ quan ngành kế hoạch. Theo đó, tỉ lệ nợ xấu cao hơn mục tiêu, tới hết tháng 9 là 4,93%, cao hơn 1,93 điểm phần trăm mục tiêu kiểm soát.

Việc xử lý ngân hàng yếu kém, cơ cấu lại các ngân hàng 0 đồng còn nhiều khó khăn. Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chuyển biến tích cực hơn, nhưng vẫn cần theo dõi sát để chủ động ứng phó.

Đặc biệt, một bộ phận cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm; phân cấp, phân quyền một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là với những vấn đề phát sinh mới.

Thủ tướng nhấn mạnh cách tiếp cận là không ngại, không sợ việc quy định vừa ban hành đã sửa đổi. Trong trường hợp văn bản ban hành mà không phù hợp, chưa đi vào cuộc sống hoặc ban hành xong mà tình hình thay đổi thì điều chỉnh ngay.

"Điều quan trọng là nhìn thẳng vào sự thật, bám sát tình hình thực tiễn, cầu thị lắng nghe, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết để hành động" - Thủ tướng nói.

Cùng với đó, phải luôn sẵn sàng ứng phó những cú sốc bên ngoài; do vậy kinh tế vĩ mô phải ổn định, đời sống nhân dân phải được bảo đảm cả về vật chất lẫn tinh thần; phát huy dân chủ, tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị chính sách tiền tệ cần được điều hành chủ động, linh hoạt cùng chính sách tài khóa mở rộng hợp lý. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, khai thác nguồn thu còn dư địa và kiểm soát chi chặt chẽ.

Theo TT