Thừa Thiên - Huế: Hiệu quả công tác cán bộ trẻ ở A Lưới

(CTG) Ngày 26-1-2011, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã tại 62 huyện nghèo nhất nước. Huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế) là địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước làm việc này từ bảy năm trước.


NGƯỜI “CẦM ĐÈN CHẠY TRƯỚC Ô TÔ”

Ở huyện biên giới A Lưới, cả 21 xã, thị trấn và UBND huyện đều có cán bộ trẻ. 

Lên A Lưới bây giờ, chúng tôi làm việc, liên hệ với cán bộ xã, huyện rất nhanh. Xã nào cũng có máy tính và mạng internet tốc độ cao, hoạt động gần như hết công suất. Nhiều khi bận công việc, cán bộ còn chủ động xin địa chỉ email của chúng tôi rồi hứa sẽ trả lời qua email. Họ trả lời trong thời gian rất nhanh và đầy đủ, cặn kẽ những câu hỏi của phóng viên. Điều này là sự đột phá kỳ diệu so với năm 2004, khi việc sử dụng máy tính, internet đối với cán bộ A Lưới là quá xa xỉ.  



Một cán bộ trẻ ở UBND xã Hồng Kim, huyện A Lưới đang sử dụng máy tính

Khi hỏi về cán bộ trẻ, ai cũng nhắc đến ông Võ Văn Dự, Phó ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đầu năm 2004, về làm Chủ tịch UBND huyện A Lưới, ông Dự bỏ ra gần nửa năm trời lặn lội vào các bản làng tìm hiểu xem người dân sống ra sao, cán bộ làm việc thế nào, vì sao A Lưới có 2.453/7.000 hộ nghèo (hơn 24%), thu nhập bình quân đầu người chưa tới 2,2 triệu đồng/năm, hơn 50% trẻ em bị suy dinh dưỡng... Ông nhận ra rằng nghèo là do bộ máy vận hành không đúng chiến lược, phương hướng nào; người dân làm ăn không có kế hoạch cụ thể. Sau đó ông cấp sổ đỏ đất ở, đất sản xuất cho tất cả để bà con làm chủ trên mảnh đất của mình; ông yêu cầu các hợp tác xã, nông trường hỗ trợ vốn, kỹ thuật để bà con tự sản xuất rồi đi thu mua sản phẩm.

Ông Dự cho rằng, phải có đội ngũ cán bộ có năng lực và tâm huyết. Đúng lúc đó có chủ trương tăng cường cán bộ cho các xã biên giới và có tám bạn trẻ người A Lưới tốt nghiệp đại học về đang loay hoay tìm việc làm. Ông mời họ đến họp với huyện và cho trình bày tâm tư nguyện vọng. Tám thanh niên trẻ đã thuyết phục được các lãnh đạo huyện. Ông Dự đề xuất với Thường vụ Huyện ủy đưa họ về làm phó chủ tịch ở các xã. Lúc đầu, một số lãnh đạo “già” ở các xã phản đối. Nhưng ông Dự bảo: “Bây giờ mỗi xã phải có một cán bộ có trình độ đại học”. Vậy là bước đầu thành công. Hai năm sau, bốn sinh viên đại học nữa được đưa về làm phó chủ tịch các xã.

Những cán bộ trẻ ngày ấy và bây giờ thành công đến quá nửa. Nguyễn Văn Đời, Phó chủ tịch lên làm Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng, được dân tin, dân tín nhiệm. Chị Hồ Thị Hiền là Phó chủ tịch UBND thị trấn A Lưới, nay làm Chủ tịch Hội nông dân huyện; Hồ Thị Muôn, Phó chủ tịch UBND xã Hồng Trung vừa được bầu làm Chủ tịch UBND xã và đây là nữ chủ tịch xã đầu tiên ở A Lưới. Anh Nguyễn Văn Đời tâm sự: “Làm cán bộ ở xã miền núi biên giới này không chỉ đòi hỏi năng lực mà phải gần gũi, am hiểu dân. Trong mọi việc, mình phải là người đi đầu làm gương để bà con noi theo. Lối sống, kinh nghiệm, phong tục tập quán thì mình phải học hỏi trong dân... Thời gian qua, tôi may mắn được cấp trên tin tưởng và được bà con quý mến nên hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

THÀNH CÔNG NHƯ MONG ĐỢI

Khi ông Dự làm Bí thư huyện rồi về công tác ở tỉnh, ông Lê Văn Trừ - Bí thư Huyện ủy huyện A Lưới hiện nay - tiếp nối công việc bồi dưỡng cán bộ trẻ. Công tác kiểm tra, giám sát cán bộ trẻ thường xuyên được thực hiện cả bằng lý luận và thực tiễn. Ông Trừ cho biết: “A Lưới bây giờ thay đổi chóng mặt về cơ sở hạ tầng, số hộ nghèo giảm nhiều, thu nhập đầu người tăng, trẻ em suy dinh dưỡng ít hơn... Bộ máy cán bộ đã vận hành đồng bộ, thông suốt hơn. Đồng bào dân tộc thiểu số đã có chuyển biến lớn về nhận thức đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bà con bây giờ không chỉ chăm lo xóa đói giảm nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Đa số người dân không còn trông chờ, ỷ lại sự trợ cấp của Nhà nước nữa. Có được kết quả này là do nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất vẫn là con người - đội ngũ cán bộ có trình độ, có tâm huyết từ cấp huyện đến xã, thôn bản”.

 

   Theo CATP.HCM