Thực trạng Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Việt Nam dưới tác động của dịch COVID - 19

(CTG) Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid – 19 diễn ra ở nhiều nước trên thế giới và tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể đẩy nền kinh tế thế giới tới bờ vực một cuộc khủng hoảng mới. Nền kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ, từ nền sản xuất, du lịch, dịch vụ… và lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng không phải ngoại lệ.

 

Đại dịch nCoV vẫn đang diễn ra một cách khó kiểm soát ở một số quốc gia là cường quốc kinh tế như Mỹ, Anh, Đức, Nga, Nhật Bản, … và tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể đẩy nền kinh tế thế giới tới bờ vực một cuộc khủng hoảng mới.

Bên cạnh các vấn đề về y tế, giáo dục, thì tỷ lệ nhà máy, doanh nghiệp đóng bang cũng đang làm cho tỉ lệ thất nghiệp ở hầu hết các quốc gia đang gia tăng phi mã, sự đình trệ đã làm nhiều quốc gia trên thế giới phải điều chỉnh lại mục tiêu phát triển và hạ bớt chỉ tiêu về với mức đáng e ngại. Việt Nam dưới sự chỉ đạo sát sao từ Trung ương đến địa phương, đến nay dịch cơ bản đã được đẩy lùi bằng sự chủ động, quyết liệt của Chính phủ với tinh thần đồng nhất “chống dịch như chống giặc” thì sự hưởng ứng của toàn xã hội đã tạo ra một “bức tường thành vững trãi về niềm tin” của toàn dân tộc.

Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Startup Hunt 2019

Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ do những chương trình đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội. Từ nền sản xuất, du lịch, dịch vụ, vận tải hành khách, giải trí, … và lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng không phải ngoại lệ, hầu hết các mô hình khởi nghiệp và giao dịch, gọi vốn, … bị đóng băng trong bốn tháng đầu năm và có thể kéo dài hơn nếu các chính sách hỗ trợ không được triển khai một cách nhanh và hiệu quả. Để nắm bắt một cách toàn diện và đầy đủ, ngay trong đại dịch, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam dã chỉ đạo Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (SYS) triển khai một chương trình khảo sát nhằm mục tiêu quan trọng nhất là kết quả khảo sát làm cơ sở để kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất và triển khai ngay những giải pháp hỗ trợ thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp giúp Startup đứng vững trước dịch và tiếp tục phát triển hậu COVID-19

Khảo sát được thực hiện từ 27- 30/4/2020, thu hút 254 Startup phản hồi trong đó 73% Startup có dưới 10 lao động. Về ngành nghề kinh doanh, trong số 254 Startup tham gia khảo sát có 30% thuộc lĩnh vực nông nghiệp,tiếp sau đó là nhóm Startup thuộc lĩnh vực công nghệ, thông tin và truyền thông chiếm 17%, lĩnh vực bán buôn, bán lẻ và công nghiệp chế biến chế tạo cùng là 13% và 27% lượng doanh nghiệp còn lại dành cho các ngành khác: du lịch (10%), logistics (7%), giáo dục (3%) và các ngành nghề khác (7%).

Dịch COVID-19 thực sự đã gây ra thiệt hại lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp khi có tới 50% Startup xác nhận lâm vào tình trạng hoạt động cầm chừng và phát sinh thu nhập không đáng kể; trong khi đó 23% Startup cho rằng đang mất đi cơ hội gọi vốn và mở rộng thị trường, 20% Startup chọn đóng băng các hoạt động nghĩa là dừng mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh; 4% Startup phải dừng mọi hoạt động quảng cáo trên tất cả các nền tảng kể cả online và offline nhằm tiết kiệm chi phí và chỉ 3% bị ảnh hưởng một cách hạn chế, không đáng kể.

Thiệt hại tổng cộng ước tính trong 4 tháng đầu năm 2020 của tổng số Startup tham gia khảo sát là 152,6 tỷ đồng, với số tiền thiệt hại phổ biến rơi vào khoảng 200- 500 triệu đồng đối với mỗi startup. Do vậy, nhu cầu vay vốn để duy trì, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của Startup hiện đang rất lớn, đáng chú ý là 100% các Startup tham gia khảo sát có nhu cầu vay vốn trung và dài hạn với tổng số tiền 274,8 tỷ đồng. Nhu cầu vay phổ biến của mỗi Startup dao động từ 500 triệu đến 2 tỷ đồng. Cần phải có một giải pháp về tài chính để vực dậy Startup ngay lúc này, nếu không Startup sẽ chết “vì đói” trước khi chết “vì virus”.

Trước những ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19 các Startup đã triển khai những hành động quyết liệt để “tồn tại”, đa phần các Startup đều nhận định giai đoạn hiện tại mục tiêu “sống sót” được đặt lên hàng đầu, mục tiêu tăng trưởng dành cho giai đoạn hậu dịch. Có 04 giải pháp chính được Startup đưa ra:

Thứ nhất, Giải pháp đầu tiên và cũng là phổ biến nhất với 100% Startup chuyển hướng kinh doanh từ offline sang online, đẩy mạnh các hình thức giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử. Thậm chí một số founder cho rằng, khi dịch bệnh qua đi thì kênh online sẽ được ưu tiên hơn kênh bán offline vì đây là xu hướng thương mại toàn cầu không thể đảo ngược, Startup phải thích nghi để tồn tại.

Thứ hai, Giải pháp thứ 2 chính là “chuyển đổi số”. Áp lực xảy đến với Startup do COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ Startup nghiên cứu việc ứng dụng triệt để hơn nữa công nghệ trong các quy trình sản xuất, kinh doanh đến quản quản trị mô hình kinh doanh, định hình lại chiến lược phát triển phù hợp với xu thế và trật tự mới của thị trường.

Thứ ba, Tăng cường áp dụng công nghệ cao, tự động hoá sản xuất nhằm giảm nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm tối đa chi phí sản xuất nhằm đưa sản phẩm ra thị trường với giả cả cạnh nhất và chất lượng cao nhất.

Thứ tư, Cắt giảm mạnh nhân lực ở một số khâu ít quan trọng. Thay đổi từ chiến lược phát triển “nhanh và mạnh” sang “sâu và rộng”, những hình thức giao KIP và làm việc trực tuyến đã trở nên phổ biến và qua kết quả khảo sát cũng thấy tính hiệu quả và liên tục của giải pháp này để doanh nghiệp chế sự mất mát nhất có thể.

Ngoài nhu cầu về vốn, Startup mong muốn nhận được hỗ trợ trong việc: kết nối thị trường và hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm (nông sản, các sản phẩm du lịch…), chuyển giao công nghệ chế biến tiêu chuẩn kỹ thuật cao, miễn giảm, gia hạn nộp thuế trong năm 2020.

Về cơ hội kinh doanh trong nguy cơ, 60% Startup khẳng định không tìm thấy cơ hội kinh doanh mới trong đại dịch.

Sau gần 2 tháng từ khi chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Startup gần như không thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi nhằm ứng phó với đại dịch vì những rào cản về thủ tục pháp lý với tổ chức tín dụng. Cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam thực sự cần một cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ mang tính đặc thù,trong đó vấn đề vốn đầu tư cần được ưu tiên hơn cả, rất cần thiết có một quỹ hỗ trợ đặc thù cho các Startup không chỉ cho giai đoạn hiện nay mà còn cho tương lai.

Nguyễn Đức Tùng
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp