Với chị Việt Anh, cái khó nhất của tiếng Việt chính là tầng sâu văn hóa mà người ta buộc phải làm quen với nó ngay từ buổi học đầu tiên.
Học văn hóa Việt từ chữ đầu tiên
“Cô Việt Anh ơi, tôi không vui vì ở Việt Nam tôi nhường chỗ trên xe nhưng người ta không cảm ơn”, một học viên lớp tiếng Việt phàn nàn với cô giáo.
“Từ từ đã nào, vậy khi anh giúp họ, ngoài việc không nói đầy đủ hai chữ “cảm ơn”, anh còn thấy họ có biểu hiện nào khác như mỉm cười hay nói “dạ, em/cháu/con xin” và còn gì khác nữa không?”, cô Việt Anh hỏi lại.
Khi học viên ngẩn ra và hồi tưởng lại những điều chị hỏi, rốt cuộc thì anh cũng đã hiểu “ra thế, ở Việt Nam không phải lúc nào người ta cũng chỉ có một cách nói “cảm ơn” để bày tỏ lòng biết ơn với sự giúp đỡ của người khác”.
“Với tiếng Anh hay tiếng Pháp, bạn có thể học lên các trình độ trung cấp, cao cấp mà không nhất thiết phải học nhiều về văn hóa của đất nước nói ngôn ngữ ấy.
Nhưng với tiếng Việt, ngay khi bạn học nói câu chào hay tiếng cảm ơn, bạn đã phải học về văn hóa của người Việt để biết rằng chào không phải chỉ là “xin chào”, và cảm ơn không phải lúc nào cũng chỉ là một câu nói với rành rọt hai tiếng “cảm ơn”” - TS Nguyễn Việt Anh chia sẻ về hành trình bắt đầu dạy tiếng Việt của chị tại Pháp nhiều năm qua.
Học trò cũ, giáo án mới
Trong những người đến với lớp học tiếng Việt của TS Việt Anh, có ba nhóm chính.
Nhóm thứ nhất đông nhất là thế hệ thứ hai của người Việt đến Pháp từ sau năm 1975.
Họ có bố hoặc mẹ là người Pháp và hiện ở tuổi 60 - 70 nên muốn học tiếng Việt để tìm lại sự kết nối với văn hóa cội nguồn.
Nhóm thứ hai là những người trẻ mang dòng máu Việt thuộc thế hệ thứ ba, thứ tư sinh tại Pháp, độ tuổi từ 25 - 30.
Và nhóm thứ ba là người nước ngoài nhưng yêu và muốn tìm hiểu văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam. Trong đó, nhóm thứ nhất và thứ ba gắn bó với chị nhiều hơn cả.
Có học viên mẹ là người Việt, lúc nhỏ ở nhà nói chuyện với mẹ bằng tiếng Việt, nhưng khi đi làm không còn được thế. Rồi mẹ mất, anh quyết học tiếng Việt để tìm lại sự kết nối tinh thần với mẹ, với quê hương của mẹ và cũng là nguồn cội của mình.
Lại có những gia đình bố đi học rồi về rủ con đi học. Vì khác nhau về cấp độ nên mỗi bố con theo học một lớp tiếng Việt của cô Việt Anh.
Cũng có học viên đặc biệt là ông Jean-Claude Labbe, cựu nhà báo Pháp năm xưa là phóng viên ảnh chiến trường.
Ông từng có mặt ở miền Nam Việt Nam từ những ngày trước giải phóng, một người “nghiện Việt Nam”.
Ngay những ngày đại dịch COVID-19, không hiểu sao ông cũng tới được Việt Nam cho đỡ nhớ.
Trong nhiều năm qua, ông Jean-Claude Labbe vẫn miệt mài học tiếng Việt với chị và còn học thêm cả ở Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.
Tại lớp học tiếng Việt buổi tối do Tòa thị chính Paris mở, bất kể việc chia lớp các năm theo trình độ học nhưng chuyện có những người nhiều năm do không đủ người mở lớp trình độ cao hơn vẫn tiếp tục học lại lớp cũ dường như không còn lạ.
“Chính vì những người như vậy mà dù dạy ở cùng một trình độ nhưng năm nào mình cũng phải soạn lại giáo án, bởi mình muốn họ được học thêm cái mới”.
Những câu ca dao, tục ngữ không dấu
Sự gắn bó tự nhiên và tình yêu của họ với tiếng Việt đã khiến chị dù cho có mệt mỏi thế nào nhưng lúc lên lớp lại thấy mình như “lên đồng” khi chia sẻ kiến thức văn hóa Việt tiềm ẩn tầng tầng lớp lớp trong những câu, những từ, và trong cả những cái mà chị gọi là “tiểu từ tình thái” như “à, ơi, nhỉ, nhé...” của người Việt.
Thường trong lớp học của chị, có một hoạt động mà sinh viên rất thích có tên là “Dictée de tons” (chính tả thanh điệu).
Ở đó, chị thường chọn một số câu ca dao, tục ngữ hay, dễ học, dễ nhớ, bỏ hết dấu đi, rồi cho sinh viên nghe và điền các thanh điệu (dấu) vào.
Sau bài tập đó thì ngoài học về nghe, về dấu, họ cũng sẽ học thêm được một câu ca dao, thành ngữ hay tục ngữ của Việt Nam.
Chú trọng các khía cạnh văn hóa trong khi dạy tiếng Việt, các bài giảng của chị luôn mang đầy hơi thở của cuộc sống và lời ăn tiếng nói hằng ngày của người Việt, bởi vậy mà trở nên hấp dẫn, sinh động.
Cũng bởi thế mà cứ sau mỗi buổi lên lớp, khi các học viên của chị thêm tự tin hơn khi dùng ngôn ngữ mới, họ cũng tiệm cận thêm chút nữa với văn hóa của một đất nước ở xa về địa lý: Việt Nam.
Chị Nguyễn Việt Anh là tiến sĩ ngôn ngữ, chuyên ngành phương pháp giảng dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội và thạc sĩ quản lý du lịch tại Đại học tự do Bruxelles, Bỉ. Chị từng giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Nghiên cứu ngôn ngữ và văn minh Đông Phương (INALCO) và Đại học Paris Diderot. Hiện chị là giảng viên tại Đại học Paris Saclay. |
Học nữa, học mãi với tiếng ViệtChia sẻ của những học viên đã mê và muốn đeo đuổi học tiếng Việt. Có dịp sẽ sống ở Việt Nam vài tháng “Tôi sống trong gia đình gốc Việt, từng ở Sài Gòn, đã qua Pháp từ năm 1980. Khi gặp chồng tôi, tôi không biết tiếng Việt cũng như văn hóa Việt Nam. Nhưng càng nghe nói tiếng Việt, tôi càng muốn học ngôn ngữ tuyệt đẹp này. Gia đình tôi nói với tôi rằng học tiếng Việt rất khó! Không sao, tôi bắt đầu tự học, đăng ký học lớp buổi tối tại Đại học Paris Diderot số 7 và gặp cô Việt Anh”. Anh Nicolas, 52 tuổi, học viên của TS Việt Anh ở ĐH Paris Diderot (Paris 7) từ 2015 - 2016. Khoảng 2018 - 2019, anh lại tiếp tục học lớp tiếng Việt buổi tối do Tòa thị chính Paris mở. Tôi đã đưa người yêu về Việt Nam, đi từ Nam ra Bắc “Mỗi giáo viên có phương pháp dạy riêng của mình, nhưng tôi đánh giá cao cấu trúc của bài học của cô. Vì thế, một số bạn học cùng với tôi gần sáu năm trước giờ vẫn còn tiếp tục học với cô. Với tôi, học tiếng Việt vẫn còn một con đường dài nữa như học thêm về cấu trúc tiếng Việt, phát triển và cải thiện vốn từ của mình. Một ngày nào đó tôi sẽ nói được tiếng Việt như tiếng Anh và tiếng Pháp”. Anh Nguyen Charles, 32 tuổi, kỹ sư công nghệ thông tin, đã học tiếng Việt sang năm thứ 6. |
Theo Tuổi Trẻ |