Xóa quảng cáo, rao vặt trái phép từ thông tin trên mạng xã hội
Trang Facebook “Vì quận Cầu Giấy xanh - sạch - đẹp” được lập vào trung tuần tháng 1-2019. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà, nếu ban đầu chủ yếu là cán bộ, công chức của quận và các phường trên địa bàn tham gia, thì nay đã có thêm nhiều thành viên là những người dân sở tại. Khi người dân phát hiện vụ việc, dù chỉ là một hố ga bị mất nắp, một điểm tồn đọng rác thải…, chụp hình ảnh gửi đến thì ngay lập tức được các đơn vị liên quan nắm bắt thông tin, phân công xử lý.
7 tháng năm 2019, các lực lượng chức năng của quận đã kiểm tra, xử lý 7.960 vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm lòng đường, hè phố, các điểm trông giữ phương tiện sai quy định… Trong đó, nhiều trường hợp bị xử lý từ nguồn tin của người dân cung cấp thông qua mạng xã hội. Với sự lan tỏa mạnh mẽ của mạng xã hội, lượng người tham gia nhóm tăng dần. Tính đến trưa 14-9, trang Facebook này có 1.648 thành viên. Các vụ việc được phản ánh cũng ngày càng mở rộng, từ quản lý trật tự đô thị đến chiếu sáng, thoát nước, cấp nước, phòng, chống dịch bệnh…
Chị Nguyễn Ngọc Trang (ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) chia sẻ, biết quận tiếp nhận thông tin phản ánh của nhân dân qua mạng xã hội, chị và các thành viên khác trong gia đình đăng ký tham gia. Chị còn chia sẻ với nhiều người dân cùng tổ dân phố và cung cấp những hình ảnh chưa đẹp ngay gần nhà, hay bắt gặp trên đường. Thông tin chị và bạn bè cung cấp về điểm đen rác thải, dán quảng cáo trái phép, lấn chiếm đất công đã được các phường Dịch Vọng Hậu, Trung Hòa, Quan Hoa xử lý nhanh chóng.
Bà Nguyễn Thị Thoa (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) cũng cho biết: “Gần đây nhất, ngày 3-9, đèn chiếu sáng ngõ 155 phố Cầu Giấy bị cháy, khi người dân báo lên nhóm, phường Quan Hoa đã phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết ngay”. Theo bà Nguyễn Thị Thoa, thông qua trang Facebook này, người dân còn có thể giám sát hoạt động quản lý đô thị của chính quyền quận và các phường. Nhiều vấn đề phát sinh được xử lý kịp thời.
Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Thanh Sơn (Tổ trưởng tổ dân phố 37, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) - người tích cực đóng góp thông tin, được bà con khu phố tin tưởng gọi là “Chuyên gia kể chuyện qua hình ảnh” chia sẻ: “Với những thông tin đủ bằng chứng, phản ánh trung thực được xử lý ngay sau 2 giờ đến 1 ngày. Hơn 90% các phản ánh của tôi đã được giải quyết”.
Bên cạnh những kết quả tích cực, theo ông Sơn, các phản ánh về xe ô tô đỗ sai quy định trên địa bàn phường Yên Hòa chưa được giải quyết hoặc xử lý rất chậm; có ý kiến phản ánh lên trang Facebook không được thông báo kết quả giải quyết. Để kiểm chứng, phóng viên Báo Hànộimới gửi thông tin về tình trạng đỗ xe bát nháo tại Khu đô thị Yên Hòa đến trang Facebook của quận và gửi trực tiếp thông tin bằng hình ảnh cho ông Phan Anh Tuấn, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông vận tải quận Cầu Giấy.
Sau khi thông tin đăng, Công an phường Yên Hòa đến khu vực xe đỗ sai quy định, nhưng hầu như không nhắc nhở, xử lý với 2 xe ô tô đỗ song song, xe ô tô đỗ tại góc cua... Quán nước tự phát và quán cà phê gần đó bày bàn ghế, ô, cây cảnh chiếm lối đi nhưng lực lượng chức năng cũng chỉ thu ít đồ đạc, khiến không ít người chứng kiến băn khoăn về cách xử lý. Còn ông Phan Anh Tuấn đến ngày hôm sau mới trả lời tin nhắn, cho biết, đã báo Công an phường Yên Hòa, Công an quận xử lý, tuy nhiên tình trạng này không có chuyển biến...
Thực tế cho thấy, mặt tích cực của mạng xã hội đã được quận Cầu Giấy phát huy, đạt hiệu quả bước đầu trong công tác quản lý đô thị, tăng cường công khai, minh bạch, huy động sự tham gia của nhân dân. Song, để đạt kết quả cao hơn, UBND quận cần chú trọng nâng cao hiệu quả xử lý, cập nhật thông tin kịp thời hơn nữa. Các phản ánh của người dân cần được trả lời đầy đủ, từ đó sẽ có sức lan tỏa lớn, thu hút ngày càng đông người tham gia, góp phần xây dựng quận Cầu Giấy xanh - sạch - đẹp hơn.
Theo HNM