Tình nguyện là môi trường để thanh niên cống hiến và trưởng thành

(CTG) Tình nguyện là phẩm chất, giá trị tốt đẹp được trao truyền từ thế hệ thanh niên này đến thế hệ thanh niên khác.




Sức trẻ trong lao động.


Tình nguyện là phẩm chất, giá trị tốt đẹp của con người được thể hiện và chia sẻ trên cả thế giới. Phong trào tình nguyện đã và đang phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia. Tình nguyện ở Việt Nam đã trở thành một phẩm chất đặc trưng, nổi bật của tuổi trẻ nói chung, của thanh niên nói riêng. Trong những thời điểm lịch sử đặc biệt, vai trò xung kích, tình nguyện của thanh niên luôn thể hiện rõ nét. Nếu hiểu tình nguyện là những suy nghĩ, những việc làm quên mình vì người khác, mà cao hơn cả là vì cộng đồng, vì dân tộc thì ở Việt Nam từ thuở bình minh của đất nước đã có những con người, những nhóm người hoạt động tình nguyện. Nếu xét tình nguyện là một phong trào quần chúng, có ý thức, có tổ chức mang lại hiệu quả rõ ràng, có tác động đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của cả cộng đồng thì phong trào tình nguyện chỉ mới hình thành từ sau Cách mạng Tháng Tám, phát triển mạnh mẽ qua hai cuộc kháng chiến gian khổ và mở ra một diện mạo mới sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, một phong trào mang tính tình nguyện toàn dân đã xuất hiện, phong trào “Chống giặc đói, chống giặc dốt và chống giặc ngoại xâm”. Hầu hết các gia đình Việt Nam lúc đó đều có “hũ gạo tiết kiệm”, mỗi bữa ăn bớt một nắm gạo trong khẩu phần ít ỏi của mình để cứu giúp những người bị đói. Làng xóm nào cũng mở lớp bình dân học vụ. Ai biết chữ đều có thể trở thành giáo viên. Già trẻ gái trai đều đi học. Chỉ qua một thời gian ngắn, nhờ phong trào tình nguyện mà hàng triệu người đã thoát nạn mù chữ. Các “Tuần lễ Vàng” đã rầm rộ diễn ra ở nhiều nơi. Hưởng ứng phong trào, có gia đình tư sản ở Hà Nội đã hiến 2000 lạng vàng vào quỹ “Kháng chiến kiến quốc”.

Trong hai cuộc kháng chiến đã xuất hiện một số hình thức tổ chức tình nguyện mới. Năm 1950 đội thanh niên xung phong đầu tiên gồm 215 người được thành lập tại Chiến khu Việt Bắc. Đây là tổ chức những người tình nguyện trẻ tuổi, thoát ly gia đình, sinh hoạt tập trung và chủ yếu phục vụ chiến đấu. Tới cuối năm 1954 thanh niên xung phong đã có tới hàng ngàn đội viên và tới tháng 4 năm 1975 đã có đến hàng vạn thanh niên tham gia. Chỉ riêng trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong năm năm cuối của cuộc chiến đã có tới 150.000 thanh niên xung phong tham gia công tác.

Với tinh thần “đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà chỉ hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc”, hàng triệu lớp thanh niên ưu tú của dân tộc đã xung phong đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần đến, không ngại hy sinh, gian khổ làm nên những thành tích cách mạng to lớn trong chiến tranh cách mạng bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong hoà bình xây dựng và phát triển đất nước. Trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh, lớp lớp thanh niên với khao khát tự do, được thức tỉnh bởi lý tưởng cách mạng của Đảng, đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Với khí thế của phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, hàng triệu thanh niên đã tình nguyện lên đường giết giặc, lập nên những kỳ tích vẻ vang, cùng với toàn quân, toàn dân ta giành thắng lợi vĩ đại, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 

Từ khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975, đặc biệt là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế nhiều thành phần, thực hiện chính sách mở cửa, phong trào tình nguyện đã phát triển sâu rộng cả về nội dung và hình thức đa dạng. Kết quả là phong trào ngày càng thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Nội dung phong trào được mở rộng ra mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội và hướng trọng tâm vào những nhiệm vụ cấp bách, nóng bỏng như: Rà phá bom mìn, khai hoang phục hóa, xây dựng các vùng kinh tế mới, trồng rừng bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh, tế văn hóa vùng sâu, vùng xa, xóa nạn mù chữ, giúp đỡ người tàn tật, trẻ em mồ côi...

Phong trào thanh niên tình nguyện là sự kế thừa và phát triển các phong trào hành động cách mạng của các thế hệ thanh niên Việt Nam trong những năm trước đây. Nó vừa phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của tuổi trẻ, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Lớp lớp thanh niên, với trái tim cháy bỏng nhiệt huyết, với bàn tay, khối óc và tinh thần tình nguyện đã hăng hái đến với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đến với các công trình lớn của đất nước, cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, thanh niên Việt Nam luôn luôn có mặt ở những nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc với tinh thần của những người tình nguyện. Năm 2000, Trung ương Đoàn đã chính thức phát động trong thanh niên cả nước phong trào “Thanh niên tình nguyện”. Phong trào đã có bước phát triển mới được thực hiện xuyên suốt trong cả năm với những cao điểm như: Tháng Thanh niên, Chiến dịch tình nguyện hè, Chương trình tình nguyện mùa đông, Xuân tình nguyện, …. Nội dung hoạt động có nhiều đổi mới theo hướng cụ thể, rõ việc, sát với nhu cầu, thực tiễn của địa phương. Các đội hình, lực lượng thanh niên tình nguyện chuyên sâu gắn với chuyên môn, nghiệp vụ của thanh niên, sinh viên được phát triển ngày càng nhiều đã tham gia tích cực vào việc giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc của cộng đồng, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. 15 năm qua, phong trào thanh niên tình nguyện đã lan tỏa rộng rãi, mạnh mẽ và sâu sắc trong tuổi trẻ Việt Nam, để lại dấu ấn tốt đẹp trong dư luận xã hội, góp phần xây dựng hình ảnh người thanh niên Việt Nam trong thời kỳ mới biết sống, làm việc và cống hiến vì cộng đồng. Một trong những thành công của phong trào là làm lan tỏa tinh thần xung kích, chủ động, "lá lành đùm lá rách", cống hiến tri thức và sức trẻ trong tuổi trẻ khắp mọi miền đất nước. Từ phong trào này đã xuất hiện hàng trăm nghìn tấm gương có lối sống đẹp, sống có ích, biết hy sinh quyền lợi riêng tư vì lợi ích chung. Các hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ ngày càng bám sát những vấn đề nóng của đất nước: Bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng; tham gia giúp người dân xóa đói, giảm nghèo; xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở đoàn ở những vùng khó khăn; động viên, khơi dậy tinh thần lao động, hoạt động của thanh niên vùng sâu, vùng xa... 

Ðáng chú ý, ngày càng có nhiều nhóm tình nguyện do các bạn trẻ tự thành lập, liên kết với nhau và tổ chức nhiều hoạt động xã hội, từ thiện thiết thực, cụ thể, thu hút nhiều bạn trẻ nhiệt tình tham gia, đóng góp và tạo nên những hiệu ứng tốt trong lối sống của thanh niên. Các bạn trẻ tìm đến hoạt động tình nguyện ngày càng đa dạng nhưng tựu chung lại đều mong muốn góp một phần sức lực nhỏ bé của mình để giúp những cảnh đời khó khăn, bất hạnh vượt qua gian nan. Môi trường tình nguyện đã đem đến cho mỗi người trẻ một cách nhìn toàn diện, cụ thể về giá trị của cuộc sống, của sức lao động và tinh thần đoàn kết, thương yêu nhau.

Có thể nói, tình nguyện đã trở thành một phẩm chất tốt đẹp, được trao truyền từ thế hệ thanh niên này đến thế hệ thanh niên khác; là điểm tựa vững chắc cho tuổi trẻ hôm nay vững bước cùng dân tộc thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hiệu quả của phong trào thanh niên tình nguyện

Về hiệu quả giáo dục, Phong trào thanh niên tình nguyện mang lại giá trị cao đẹp vì nó khơi dậy lòng nhân ái, tính tình nguyện, tích cực xã hội của thanh niên; đồng thời, gieo mầm những ước mơ, hoài bão cho thế hệ trẻ vươn lên lập thân, lập nghiệp, tham gia xây dựng đất nước phồn vinh. Chính ý thức và hoạt động tình nguyện đã tạo nên quá trình tự giáo dục và giáo dục có hiệu quả, nhằm góp phần hình thành thế hệ trẻ biết đoàn kết, tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau, biết sống và làm việc vì sự phát triển của cộng đồng. Hơn nữa, nó góp phần đẩy lùi những biểu hiện lệch lạc trong nhận thức, thái độ, hành vi của một bộ phận thanh niên chưa tích cực (tính ỷ lại, lười lao động, sức ỳ trong tư duy, thờ ơ trước các diễn biến xã hội, bàng quan đối với thực trạng khó khăn, đói nghèo, bệnh dịch, thiên tai,…). 

Phong trào thanh niên tình nguyện đã thật sự trở thành nơi để thanh niên chủ động tìm đến, thể hiện bản lĩnh, sức trẻ, trí tuệ, kiến thức chuyên môn, nhiệt huyết, trách nhiệm với cộng đồng, đây là môi trường để trải nghiệm, học hỏi, rèn luyện, hoàn thiện bản thân và trưởng thành. Thông qua phong trào thanh niên tình nguyện, tuổi trẻ học hỏi được rất nhiều, được trải nghiệm góp phần tạo ra những bước ngoặt trong suy nghĩ, nhận thức và hành động. Đó là những bài học vô giá về trách nhiệm và đạo đức đối với cộng đồng, ý chí và khát vọng sống, tình thương yêu con người, tình bạn, tình đồng đội. Phong trào thanh niên tình nguyện đã tạo cơ hội cho thanh niên học tập, rèn luyện và cống hiến; tạo môi trường tiên tiến để thanh niên rèn luyện phấn đấu và trưởng thành. 

Hầu hết các hoạt động tình nguyện được triển khai tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của đất nước. Phong trào thanh niên tình nguyện đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức và tinh thần trách nhiệm cho nhân dân, thanh niên nhiều địa phương vượt khó vươn lên, quyết tâm xóa đói, giảm nghèo. Bản thân mỗi người trẻ khi đến với Phong trào thanh niên tình nguyện cũng tự học hỏi và tiếp thu được những bài học thực tế bổ ích, thiết thực về lối sống đẹp, sống có ích, sự sẻ chia khó khăn trong cuộc sống với cộng đồng. Hầu hết thanh niên qua phong trào thanh niên tình nguyện đã trưởng thành, chín chắn và sâu sắc hơn sau những ngày hoạt động tình nguyện. 

Về hiệu quả kinh tế- xã hội, Phong trào thanh niên tình nguyện ngày càng lôi cuốn được đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia; đồng thời, tạo được sự quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ của nhân dân và cộng đồng xã hội. Thông qua hoạt động tình nguyện khẳng định vai trò của tuổi trẻ trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề bức xúc của cộng đồng; từ đó lan tỏa, lôi cuốn các lực lượng xã hội khác cùng tham gia. Phong trào thanh niên tình nguyện đã để lại những dấu ấn đẹp, củng cố niềm tin của nhân dân đối với thanh niên. Các hoạt động hướng đến các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, góp phần cải thiện bộ mặt đời sống xã hội.

Thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện không chỉ đóng góp bằng sức lực, không chỉ sử dụng các nguồn lực tài chính để tạo ra các sản phẩm tình nguyện đơn thuần, mà phong trào tình nguyện ngày càng phát huy và tận dụng mạnh mẽ kiến thức khoa học, trí tuệ, sự sáng tạo, nghiệp vụ chuyên môn của người tham gia hoạt động tình nguyện, góp phần tạo nên hiệu quả kinh tế-xã hội rất cao. Phong trào thanh niên tình nguyện khai thác được nội lực trong thanh niên để tham gia thực hiện những công trình, phần việc khó khăn ở địa phương (việc nhỏ, thường xuyên); các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đất nước (việc lớn, có tính dài hạn). Qua đó, góp phần nâng cao đời sống văn hoá, dân trí, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hầu hết các chương trình tình nguyện đều góp phần tham gia xoá đói, giảm nghèo, chăm lo gia đình chính sách, hỗ trợ người già, neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư,...

Phong trào thanh niên tình nguyện đã thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia với nhiều đội hình tình nguyện tại chỗ, đội hình tình nguyện tập trung hướng về vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn góp phần giải quyết một số vấn đề cụ thể của từng địa phương, từng ngành. Với nhiều hoạt động có ý nghĩa như: Tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức khám, cấp phát thuốc miễn phí cho những đối tượng là người già, người nghèo, trẻ em; mở lớp ôn tập hè phổ cập kiến thức cho các em thiếu nhi… làm mới đường giao thông nông thôn, khơi thông dòng chảy, nội đồng; phát hoang bụi rậm; thu gom và tiêu hủy rác thải, trồng cây xanh; hiến máu tình nguyện... Nhiều hoạt động tình nguyện, đòi hỏi tình nguyện viên cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nhân dân các địa phương, qua đó để thấy được nỗi nhọc nhằn, khó khăn của những người dân, để cùng chia sẻ với họ bằng những việc làm cụ thể, nhiều ý nghĩa, để lại ấn tượng sâu đậm với mọi người, mọi nhà nhất là người dân vùng xâu, vùng xa, những vùng khó khăn. 

Về hiệu quả xây dựng tổ chức Đoàn, Hội, Phong trào thanh niên tình nguyện tạo môi trường tổ chức và hoạt động đoàn kết tập hợp thanh niên, thu hút thanh niên, hình thành các đội, nhóm thanh niên khá ổn định. Qua phong trào, phát hiện và chọn lựa được nhân tố điển hình, nòng cốt tạo nguồn cán bộ Đoàn, Hội các cấp. Đồng thời, phát huy vai trò, chức năng của tổ chức Đoàn, Hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới.

Phong trào thanh niên tình nguyện mang lại hiệu quả và ý nghĩa xã hội cao, có sức sống bền bỉ, thể hiện uy tín và vai trò của tổ chức Đoàn, Hội, vị trí, vai trò của đoàn viên, thanh niên đối với xã hội, đối với các cấp lãnh đạo và nhân dân, thật sự là môi trường rèn luyện, giáo dục đạo đức, bản lĩnh, chuyên môn, kiến thức, kỹ năng và cả tình cảm, cách ứng xử cho đoàn viên, thanh niên. Nhiều thanh niên đã trưởng thành từ phong trào tình nguyện trở thành những đoàn viên ưu tú, cán bộ xuất sắc của Đoàn, Hội. Phong trào thanh niên tình nguyện đã góp phần khẳng định vai trò của Đoàn, Hội của đoàn viên, thanh niên trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - với tư cách là đội dự bị tin cậy của Đảng, kết tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng.

Các đội hình thanh niên tình nguyện chuyên ngành được thành lập đã mở ra một bước mới trong phương thức và nội dung hành động của Đoàn, Hội. Nhiều đội thanh niên, sinh viên tình nguyện đã được thành lập theo chủ trương của Đoàn, Hội với các hoạt động phong phú, thiết thực gắn với Ngày Thứ bảy tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh, Tháng Hành động vì trẻ em, Tháng An toàn giao thông, Tháng Thanh niên, Chiến dịch mùa hè xanh, các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, từ thiện… Những hoạt động đó đã góp phần làm phong phú thêm phương thức hoạt động của Đoàn, Hội, góp phần mở rộng mặt trận đoàn kết tập hợp thanh niên, xây dựng củng cố tổ chức cơ sở Đoàn.

Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm.

Các hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ cần cụ thể, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, đồng thời phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương, đơn vị, tránh xu hướng đề ra nhiều nội dung hoạt động với những chủ đề lớn, dàn trải, lĩnh vực nào cũng tham gia nhưng kết quả hạn chế, không thiết thực. Nhiều hoạt động tình nguyện chủ yếu là giao lưu văn hóa - văn nghệ, tặng quà, chưa phát huy được tính sáng tạo, khả năng chuyên môn của thanh niên tình nguyện, thậm chí còn biểu hiện hình thức. 

Cần xác định nhu cầu của địa phương, đơn vị, của đoàn viên, thanh niên để xây dựng chương trình hoạt động tình nguyện cho phù hợp. Mời gọi và phối hợp với các đơn vị khác về tổ chức hoạt động tình nguyện tại địa phương, đơn vị. Cần có sự chuẩn bị chu đáo nội dung công việc, kỹ năng tổ chức hoạt động tình nguyện, xác định động cơ đúng đắn, tinh thần, trách nhiệm cho các tình nguyện viên. Kỹ năng hoạt động tình nguyện của thanh niên còn hạn chế cũng phần nào ảnh hưởng đến kết quả, hiệu quả hoạt động tình nguyện.

Vẫn còn sự chồng chéo trong hoạt động tình nguyện, thiếu sự chia sẻ thông tin, thiếu sự phối hợp hoạt động của các tổ chức tình nguyện, làm hạn chế việc phát huy tốt các nguồn lực cũng như sức mạnh tổng hợp trong hoạt động tình nguyện. 

Các chính sách đối với thanh niên tình nguyện và các hoạt động tình nguyện vẫn còn thiếu nhất quán, đồng bộ. Cần có chính sách để thu hút, tập hợp những người có khả năng tham gia hoạt động tình nguyện nhưng chưa có điều kiện hoặc ngược lại có điều kiện nhưng chưa có khả năng tham gia. Lực lượng thanh niên nước ngoài, thanh niên Việt kiều, doanh nhân trẻ, thanh niên trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh…tham gia phong trào thanh niên tình nguyện vẫn còn ít.  

Tính bền vững của kết quả hoạt động tình nguyện chưa cao, nhất là trong hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường (thanh niên tình nguyện ra quân rầm rộ để cải tạo các tuyền đường, sông, kênh rạch bị ô nhiễm, nhưng sau đó một thời gian thì tình trạng ô nhiễm tiếp tục tái diễn do không được giữ gìn cũng như duy trì thường xuyên hoạt động bảo vệ, cải tạo).

Giải pháp tiếp tục phát triển phong trào thanh niên tình nguyện.

Một là, Xác định nội dung đúng đắn, phù hợp với yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương trong từng giai đoạn và khả năng hoạt động đa dạng của các đối tượng thanh niên là nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của phong trào thanh niên tình nguyện. Lựa chọn nội dung, xác định được trọng tâm ưu tiên và loại hình hoạt động tình nguyện phù hợp với đặc thù địa phương, cơ sở để xây dựng các đội hình tình nguyện phù hợp về hoạt động dựa trên cơ sở tiến hành khảo sát, điều tra cơ bản, tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội và các phong tục tập quán của địa phương; trình độ văn hóa, nhận thức, các kỹ năng, kinh nghiệm, nhu cầu của thanh thiếu nhi tại địa bàn. 

Cần bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhiệm vụ chính trị của đơn vị để tổ chức triển khai phong trào, hoạt động phù hợp. Đồng thời, cần nhận thức rõ mục tiêu của phong trào phải nhằm tạo môi trường thực tiễn sinh động để tuổi trẻ rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành. Thông qua tổ chức phong trào để đoàn kết, tập hợp rộng rãi thanh niên, từ đó phát triển và nâng cao chất lượng tổ chức Đoàn, Hội. Các nội dung cần tập trung giảo quyết: Tham gia xây dựng nông thôn mới; tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và hiến máu tình nguyện; hoạt động “Tiếp sức đến trường”, hỗ trợ khởi nghiệp, lập nghiệp; các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”; chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng… Tổ chức phong trào thanh niên tình nguyện thực hiện các nội dung trên cũng chính là tham gia tích cực thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội của địa phương. Thể hiện rõ nét vai trò xung kích của Đoàn, của thanh niên trong tham gia phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Với nội dung như trên, có thể thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện chuyên môn theo từng lĩnh vực tập hợp các thanh niên có trình độ chuyên môn phù hợp đồng thời thành lập các đội hình thanh niên tình nguyện tổng hợp, tập hợp mọi đối tượng thanh niên có thể thực hiện nhiều nội dung cùng lúc.

Hai là, Đa dạng hóa phương thức tổ chức thực hiện là nhân tố đảm bảo để phong trào thanh niên tình nguyện phát triển đồng bộ, liên tục và có đỉnh cao. Đa dạng hóa các loại hình và phương thức tổ chức hoạt động tình nguyện để phù hợp với nhu cầu đa dạng tham gia tình nguyện của thanh niên. Các hoạt động tình nguyện nên có cả các hoạt động dài hạn, trung hạn và ngắn hạn và nên sớm hoạch định các kế hoạch tổ chức để thanh niên có thể tự do chọn lựa cho bản thân hình thức hoạt động tình nguyện phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và khả năng của mình. Cụ thể:

Chiến dịch tình nguyện: Chiến dịch “Ánh sáng văn hóa hè”, “Chiến dịch Hè Tình nguyện”, “Chiến dịch Tình nguyện mùa Đông”…, nhằm giải quyết những vấn đề mang tính chất cơ bản (xóa mù chữ, xây dựng đường nông thôn, truyền thông, dân số kế hoạch hóa gia đình…). Lực lượng tham gia chủ yếu là học sinh,  sinh viên trong các tháng hè và thanh niên tại địa bàn.

Ngày tình nguyện: Ngày thứ bảy tình nguyện, Ngày chủ nhật xanh, Ngày cùng hành động…tổ chức trong 01 ngày nhằm giải quyết những nội dung công việc có tính cụ thể ngắn hạn (như dọn vệ sinh, trồng cây, xóa bỏ các biển quảng cáo không đúng qui định, thăm tặng quà trẻ em...). Lực lượng tham gia rất đa dạng, thời gian tham gia ngắn.

Công trình thanh niên tình nguyện: Xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, tủ sách cho thiếu nhi, xây tụ điểm sinh hoạt văn hóa... nhằm giải quyết những nội dung cụ thể tại một đơn vị, địa phương, kêu gọi sự tham gia góp sức của đông đảo thanh niên.

Đội hình trí thức trẻ tình nguyện: Vận động trí thức trẻ tham gia xây dựng miền núi, Bác sĩ trẻ về làng… huy động đội ngũ trí thức trẻ tham gia xây dựng nông thôn theo yêu cầu nhân lực của từng đơn vị. Đây chính là hình thức cao của phong trào thanh niên tình nguyện đòi hỏi phải có cơ chế và sự phối hợp của nhiều ngành.

Tình nguyện khẩn cấp: Thành lập các đội tình nguyện trong các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh...

Ba là, Khai thác có hiệu quả các nguồn lực trong thanh niên và xã hội tạo sức mạnh tổng hợp phát triển phong trào thanh niên tình nguyện. Chủ động khai thác tiềm năng, nguồn lực cơ sở vật chất để đáp ứng với nhu cầu của phong trào thanh niên tình nguyện; tăng cường sự phối hợp, liên kết với các ban, ngành có liên quan, đặc biệt là các ngành chuyên môn. Đồng thời  khai thác tiềm năng, thế mạnh chuyên môn của đoàn viên, thanh niên; có biện pháp thích hợp thu hút số đông đoàn viên, thanh niên tham gia, phát huy tốt tiềm năng dồi dào trong các đối tượng đoàn viên, thanh niên khác nhau.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, đoàn viên là nguồn nội lực quan trọng cho phong trào thanh niên tình nguyện. Thực tế cho thấy, các nội dung hoạt động của phong trào thanh niên tình nguyện rất đa dạng và không hề có tính khuôn mẫu. Vì vậy từng cấp bộ Đoàn phải chủ động trong đề xuất nội dung, giải pháp thời gian thực hiện, phù hợp với khả năng chuyên môn của từng đối tượng thanh niên và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của địa phương đơn vị để tập hợp thanh niên tham gia.

Tạo sự đồng tình, ủng hộ của dư luận xã hội: Thông qua khai thác tốt sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông đại chúng mà cụ thể là đội ngũ phóng viên theo dõi tuyên truyền về phong trào thanh niên tình nguyện. Đội ngũ này không chỉ giới thiệu tuyên truyền làm tăng hiệu quả xã hội các hoạt động tình nguyện mà còn phát hiện góp ý để phát huy, nhân rộng các mô hình tốt, chỉ ra những yếu kém cần phải khắc phục. 

Xác lập cơ chế phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị và chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện các chương trình, công trình của phong trào thanh niên tình nguyện. Nếu làm tốt công tác này sẽ có sự hỗ trợ về nguồn vật lực, nhân lực quan trọng để tổ chức thực hiện vì mọi hoạt động của phong trào tình nguyện đều liên quan chặt chẽ với lĩnh vực quản lý của các ngành liên quan. Mặt khác, các hoạt động tình nguyện chỉ mang lại kết quả thiết thực khi nó có sự cộng hưởng tích cực giữa thanh niên tình nguyện với cán bộ địa phương trong tổ chức thực hiện.

Bốn là, Phát triển hoạt động tình nguyện tại chỗ, đồng thời, tăng cường tính chuyên nghiệp của các hoạt động tình nguyện. Đoàn cơ sở cần chủ động xây dựng các mô hình câu lạc bộ tình nguyện tại chỗ cho thanh niên và học sinh, sinh viên nơi cư trú, để khai thác và phát huy thanh niên ngay tại cơ sở, đơn vị mình, đồng thời là nguồn để phối hợp với các đội hình chuyên. Cần xác định cụ thể nội dung hoạt động tình nguyện cho thanh niên địa bàn, nâng cao hiệu quả hoạt động tình nguyện tại địa bàn, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, vừa giải quyết và hỗ trợ nhu cầu của thanh niên địa phương. 

Tăng cường tính chuyên nghiệp của các hoạt động tình nguyện từ việc phát huy tối đa kiến thức chuyên môn và trang bị kỹ năng hoạt động tình nguyện cho thanh niên. Đây là nội dung quan trọng, đưa phong trào thanh niên tình nguyện và các hoạt động tình nguyện đi vào chiều sâu. Là cơ hội để thanh niên chủ động vận dụng những kiến thức, hiểu biết của mình vào cuộc sống thực tiễn, qua đó kích thích, tạo động lực để thanh niên tìm tòi, sáng tạo và say mê hơn trong cuộc sống, lao động và học tập, nhất là với đối tượng thanh niên sinh viên tình nguyện để họ thực hành và giảm khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn, đưa sinh viên về gần với thực tiễn nghề nghiệp của mình hơn.

TS. Lê Văn Cầu
Tổng Biên tập Tạp chí Thanh niên