Thế nhưng, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, bất mãn vẫn cố tình phủ nhận những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, nhất là đổi mới trên lĩnh vực chính trị, xã hội. Họ ra sức xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước ta trên tất cả lĩnh vực: Kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...
Thủ đoạn tinh vi, khó lường
Về chính trị: Trước hết, họ tập trung phê phán, xuyên tạc, chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam nắm quyền lãnh đạo đất nước, họ cho rằng, đó là “chế độ đảng trị”, độc tài, mất dân chủ. Họ còn lợi dụng cụm từ “dưới sự lãnh đạo của Đảng” để xuyên tạc rằng, đó là bằng chứng của vấn đề “Đảng đứng trên luật pháp”, “quyền lực xã hội tập trung vào một số ít cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản”, “Đảng bao biện làm thay Nhà nước”... Vấn đề Nhà nước, họ xuyên tạc rằng: “Nói là Nhà nước pháp quyền, nhưng trên thực tế, luật pháp không được tôn trọng...”; “hệ thống tổ chức, bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả”... Đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, họ cho rằng: “Hoạt động chỉ là hình thức, kém hiệu quả”... Vấn đề xã hội, họ cho rằng: "Mất dân chủ, vi phạm nhân quyền...".
Nhận diện những vấn đề trên là một hoạt động khó khăn, phức tạp. Bởi lẽ, các đối tượng thường sử dụng internet, mạng xã hội Facebook, YouTube, Twitter, Zalo... và các phương tiện truyền thông khác như các đài phát thanh, truyền hình VOA, RFA, BBC, RFI... để tuyên truyền xuyên tạc, chống phá bằng những thủ đoạn hết sức tinh vi, thâm độc, khó lường. Một trong những thủ đoạn nguy hiểm nhất mà họ thường sử dụng, đó là mượn các thông tin, sự kiện có thật đã xảy ra, được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng hay được phát tán thông qua mạng xã hội để lồng ghép, biên tập, sửa chữa và thêm thắt các tình tiết ngụy tạo, bóp méo rồi được tung ra như một dạng thông tin chính thống. Sau đó, thông qua các hình thức tán phát, như bình luận theo chuyên đề, kể chuyện lịch sử, hội luận, ý kiến chuyên gia, người trong cuộc, ngoài cuộc... để xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo lịch sử, bóp méo sự thật. Cuối cùng, thông qua sự tương tác, bình luận (comment), ý kiến người đọc, người xem để định hướng dư luận theo ý đồ của họ. Với những thủ đoạn tinh vi, dàn dựng khá bài bản, có thể họ đã lừa phỉnh được một số người còn thiếu thông tin, nhận thức hạn chế, phiến diện. Thậm chí, có cả một bộ phận cán bộ, đảng viên còn mơ hồ, dao động, đã cố tình hoặc vô ý cổ xúy, tiếp sức cho các luận điệu sai trái, phản động, biểu hiện của "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
Ảnh minh họa / Tuyengiao.vn |
Từ việc nhận rõ bản chất âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đối với công cuộc đổi mới đất nước nói chung, đổi mới trên lĩnh vực chính trị-xã hội nói riêng, chúng ta thấy rằng, vấn đề chính trị-xã hội ở Việt Nam luôn là mối quan tâm, chống phá hàng đầu của các đối tượng này. Bởi đây là vấn đề hệ trọng, liên quan đến sự ổn định và phát triển đất nước. Mục tiêu sâu xa của chúng là gây mất ổn định chính trị, xã hội, mất lòng tin của quần chúng đối với Đảng, Nhà nước, tất yếu dẫn tới rối loạn chính trị-xã hội, khủng hoảng và sụp đổ, dẫn tới xóa bỏ chế độ chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội, thành quả cách mạng của đất nước, nhân dân ta.
Thực tế sinh động, minh chứng thuyết phục
Thành tựu sau hơn 36 năm đổi mới toàn diện đất nước đã khẳng định tính đúng đắn, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mô hình phát triển đất nước do Đảng, nhân dân ta lựa chọn. Đó là, minh chứng thuyết phục nhất để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực phản động, thù địch. Nhìn lại lịch sử, những thành tựu đất nước đã đạt được trong công cuộc đổi mới, trong đó có đổi mới chính trị-xã hội với bước đi, hình thức phù hợp “toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(1). Cho đến nay, ở Việt Nam, không có tổ chức chính trị nào có thể thay thế được vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, về năng lực điều hành, quản lý đất nước có nhiều chuyển biến mang tính đột phá. Hoạt động của Nhà nước về thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng với quyết tâm cao, hiệu quả thiết thực. Phát huy được mọi nguồn lực, động lực và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa; tháo gỡ nhanh, hiệu quả các điểm nghẽn, vướng mắc; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu gắn với phát huy sức mạnh đồng bộ của cả hệ thống chính trị; phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ cương; thực hiện tốt sự phối hợp trong lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước; coi trọng chất lượng và hiệu quả thực tế; tạo đột phá để phát triển. Chính phủ và các bộ tập trung hơn vào quản lý, điều hành vĩ mô và năng động giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng. Cải cách hành chính tiếp tục được chú trọng và đạt kết quả tích cực.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, với phương châm “Hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư, thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội”(2) đã phát huy tốt chức năng, vai trò bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, là cầu nối quan trọng giữa Đảng và nhân dân. Củng cố được lòng tin, sự gắn bó của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Những kết quả tích cực đó tạo ra nhiều thay đổi lớn trong đời sống xã hội, dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy, mở rộng hơn, người dân được thông tin, giám sát hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, quyền làm chủ của nhân dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và chính trị được phát huy tốt hơn. Hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách ngày càng thích ứng với thông lệ quốc tế, tính nghiêm minh trong thực hiện cao hơn.
Những kết quả đó khẳng định rằng đổi mới chính trị ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, trực tiếp là cơ sở để đất nước có được bước phát triển to lớn như hiện nay. Mặt khác, những hạn chế, yếu kém, sai lầm, khuyết điểm được Đảng, Nhà nước thẳng thắn chỉ rõ, như: Đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế, năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị chưa ngang tầm nhiệm vụ. Một số hạn chế, vướng mắc chậm được giải quyết, thậm chí kéo dài trong một số nhiệm kỳ, làm cho vận hành của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong một số trường hợp thiếu thống nhất, thông suốt; việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế và quản lý đất nước; chưa chế định rõ, đồng bộ, hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp. Từ đó, nhiều tiềm năng, thế mạnh của đất nước chưa được phát huy đầy đủ... những hạn chế đó không thể ngày một, ngày hai có thể khắc phục triệt để mà phải có một quá trình khắc phục kết hợp với đổi mới lâu dài, khó khăn, phức tạp. Vấn đề là Đảng, Nhà nước đã thẳng thắn nhìn nhận và khắc phục với quyết tâm cao nhất.
Từ thực tiễn thành tựu và những hạn chế về đổi mới chính trị-xã hội ở Việt Nam trong sự phát triển của đất nước cho thấy, những kết quả đạt được là cơ bản, to lớn và có ý nghĩa lịch sử, càng khẳng định con đường, mô hình phát triển đất nước là đúng hướng; những hạn chế, thiếu sót khuyết điểm không làm thay đổi bản chất, tính đúng đắn, ưu việt của chế độ chính trị, nền tảng tư tưởng và vai trò lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, là luận cứ đanh thép nhất phản bác những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị thời gian qua.
Trung tá, nghiên cứu sinh LÊ ĐỨC THẮNG
(Nghiên cứu viên Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Quân sự)
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021, tr.26.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2021, tr.43
Theo QĐND