Toả sáng nghị lực Việt 2023: Hoàng Thị Dịu người gieo mầm tương lai

(CTG) Từ một người nhút nhát, tự ti, sống khép mình, giờ đây chị Hoàng Thị Dịu đã là một người phụ nữ mạnh mẽ, tự tin, năng động. Chị nhận ra rằng, hạnh phúc là những gì thật nhỏ bé xung quanh ta, chỉ cần biết cách nhìn nhận ra nó và với chị mỗi ngày đều là một sự trải nghiệm thúc đẩy bản thân phải biết tự đứng vững trên chính đôi chân của mình.

Là con út trong một gia đình có 5 anh chị em, bố mẹ quanh năm gắn với ruộng đồng, những tưởng sẽ được sống một cuộc sống bình yên thì biến cố lần lượt ập đến với Hoàng Thị Dịu. Năm 18 tuổi, ở cái tuổi đẹp nhất của người con gái, Dịu thấy cơ thể mình không giống như những cô gái khác. Chị đi khám thì phát hiện bị mắc hội chứng Kallman, đây là một căn bệnh hiếm gặp trên thế giới khiến phụ nữ bẩm sinh không có tử cung, không có buồng trứng, mất đi thiên chức làm mẹ.

“Là phụ nữ ai cũng mong muốn được yêu, được thương, được có một gia đình hạnh phúc với những đứa con thơ. Mọi hy vọng về một tương lai tươi sáng đã bị dập tắt. Tôi đã từng có suy nghĩ hay là trẫm mình xuống dòng sông Gạch gần nhà để chấm dứt sự chịu đựng này”, chị Dịu tâm sự.

Nỗi đau với người con gái năm 18 tuổi là vậy, gạt nước mắt, chị Dịu xin vào làm lao công tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hưng. Có đồng nghiệp, có những người thầy thuốc hết lòng vì người bệnh, chị tìm lại niềm vui trong cuộc sống. Cũng ở môi trường ấy, chị thấy những người tật nguyền không tay, không chân thiệt thòi hơn mình nhưng họ vẫn lạc quan, vui vẻ và sống có ích, chị tự nhủ “mình có đủ tay, chân là hạnh phúc rồi”.

Chị chăm chỉ làm việc, tiết kiệm được một khoản nhỏ với mong muốn gom góp, vay mượn xây một căn nhà cấp 4 cho mình và bố mẹ cùng ở. Vậy mà hạnh phúc lại một lần nữa không mỉm cười với chị. Năm chị 30 tuổi, thấy cơ thể đau nhức khắp nơi, đặc biệt hai đầu gối ngày càng sưng to. Sau nhiều lần thăm khám tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), chị được phát hiện mắc bệnh xương thủy tinh. Chị sụp đổ hoàn toàn.

Chị bộc bạch: Sau khi hội chẩn, các bác sĩ chỉ định tôi phải thực hiện 8 cuộc phẫu thuật nhưng chính họ cũng không dám chắc sau phẫu thuật sẽ khỏi bệnh nên tôi quyết định không phẫu thuật nữa. Điều gì đến rồi cũng đến. Tháng 9/2020, khi tôi đang đứng ở hiên nhà, cơ thể bỗng nhiên đổ về phía trước, cổ xương đùi bị gãy, từ đó tôi phải nằm liệt giường, mọi sinh hoạt đều phải phụ thuộc vào mẹ.

Có động lực, cùng với sự giúp đỡ của mẹ, sau hơn 5 tháng nằm liệt giường, chị Hoàng Thị Dịu đã ngồi được xe lăn và tự vệ sinh cá nhân, giúp mẹ một số công việc nhỏ ở nhà. Tiếng lành đồn xa, từ chỗ chỉ kèm cặp cho cháu của mình, chị được người dân địa phương tin tưởng, gửi con nhờ chỉ dạy. Một lớp học đặc biệt từ đấy cũng ra đời.

Gọi là đặc biệt bởi lớp học ấy không bảng đen, không phấn trắng, không bục giảng và không học phí. Một lớp học chỉ rộng vẻn vẹn 10m2 với 2 chiếc bàn nhỏ. Dịu đặt tên cho “đứa con tinh thần” của mình là “lớp học Gieo mầm” bởi chị muốn truyền đi thông điệp đến thế hệ măng non đó là dù số phận có khắt nghiệt như thế nào nhưng mình vẫn phải cười, thậm chí là cười thật tươi để vượt qua nó, làm nhiều việc ý nghĩa trong cuộc sống. Giờ đây, lớp học của chị đã có gần 10 cháu ở các lớp 1, 2, 3 theo học. Đây hầu hết là những cháu bố mẹ đi làm ăn xa, ở với ông bà. Bằng kiến thức tích lũy được trong 9 năm đi học, cùng với việc học hỏi từ các cô giáo ở địa phương và tự học qua các video trên mạng Internet, Dịu dành cả tâm huyết cho từng buổi dạy, uốn nắn các cháu từ cách cầm bút, để vở sao cho ngay ngắn, rồi cả tư thế ngồi phải chuẩn để không bị vẹo cột sống.

Chị Dịu chia sẻ: Ban đầu tôi chỉ nghĩ là kèm cặp, bổ trợ kiến thức cho cháu mình và con của một người hàng xóm, nào ngờ chỉ một thời gian ngắn, nhiều bố mẹ, ông bà ở địa phương tìm đến tôi và xin cho con, cháu vào học. Lúc đấy tôi mới thấy dù mắc bệnh hiểm nghèo nhưng tôi vẫn còn giá trị, vì thế, tôi phải nỗ lực hơn nữa để không phụ sự mong mỏi của mọi người.

Đối với chị Hoàng Thị Dịu, giờ đây khuyết tật chỉ là bất tiện chứ không phải là bất hạnh. Vì vậy, từ khi mở lớp học miễn phí, chị trân trọng cuộc sống này hơn. Trước mỗi buổi học, chị đều ngồi trên xe lăn, chờ ở đầu hiên nhà để đón các cháu đến học. Vắng một cháu hoặc thấy các cháu đi học muộn, chị đều sốt ruột gọi điện cho ông bà, bố mẹ để hỏi thăm tình hình. Lớp học đơn sơ, giản dị thế thôi vậy mà những tháng ngày qua, chị đã chắp cánh ước mơ cho gần 20 cháu nhỏ. Đó là điều khiến chị hạnh phúc nhất.

Chị Dịu tâm sự: Nhìn các cháu chăm ngoan, tiến bộ, rồi cùng nhau nô đùa tôi thích lắm, tôi cảm thấy sức sống của tôi đang lớn dần, lớn dần. Có lẽ đây là liều thuốc tốt nhất xoa dịu căn bệnh hiểm nghèo của tôi. Tôi mong sao bản thân không còn bệnh gì xuất hiện thêm nữa, có đủ sức khỏe để có thể kèm cặp thêm cho nhiều cháu, nhất là những cháu có hoàn cảnh khó khăn.

Không dừng lại ở việc mở lớp học, được sự giúp đỡ từ một người bạn khuyết tật, chị Hoàng Thị Dịu tự mở cho mình một tủ sách có tên gọi “Tủ sách yêu thương” với hơn 1.500 đầu sách các loại, không chỉ trẻ nhỏ mà cả người lớn, người già cũng có thể đến đọc sách, trau dồi kiến thức.

Chị chia sẻ: Hàng ngày, nhìn mọi người đến nhà chơi, đọc sách, tôi càng có khát vọng sống, khát vọng vượt lên chính mình. “Cho đi là còn mãi”. Tôi muốn cống hiến quãng đời còn lại để làm những điều ý nghĩa cho quê hương mình, cho gia đình mình. Giờ đây tôi chẳng mong ước gì cao xa, tôi chỉ mong sao sức khỏe ổn định để mẹ tôi đỡ khổ.

Điều đặc biệt là chị Hoàng Thị Duỵ là một trong số 35 đại biểu được tuyên dương trong Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Công ty TNHH TCP Việt Nam tổ chức. Chương trình Gala “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 24/11/2023 tại Thủ đô Hà Nội.