Người tính không bằng...virus tính
“Cuối cùng, cái ngày này cũng đã đến sau bao ngày đợi chờ, sáng nay đúng 7h30 giờ Hà Nội mình đã chính thức đặt chân trở lại quê hương Việt Nam trên chuyến bay SA2986 khởi hành từ Nam Phi. Mình cứ luôn chờ đợi ngày chạy chiếc xe biển số 63H2-6736 yêu quý về lại cửa khẩu Mộc Bài giống hệt như lúc khởi hành ngày 1/6/2017, nhưng người tính không bằng...virut tính”, Khoa chia sẻ.
Theo kế hoạch ban đầu, Khoa sẽ từ châu Phi trở về qua ngả Ấn Độ vào Myanmar, đi tiếp sang Thái Lan, Campuchia và đặt chân tại cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) đúng nơi đã lên đường vào tháng 6/2017. Nhưng dịch bệnh COVID-19 đã khiến kế hoạch đổ bể. Từ Mozambique, Khoa cùng các công dân Việt Nam “mắc kẹt” tại đây lên chuyến bay do Đại sứ quán Việt Nam sắp xếp sang Nam Phi để bay tiếp về Việt Nam.
“Chiếc xe máy cũng không đi cùng mà phải gửi tàu biển về vì nhiều nước châu Phi đóng cửa biên giới. Còn mình lên máy bay xuống Nội Bài và đi thẳng đến... trung tâm cách ly. Nhưng không sao, trở về đã là thành công lớn, mình không quá hối tiếc”. Khoa tự hào đã cùng chiếc xe đã lăn bánh chiếc xe biển số Tiền Giang qua tất cả các châu lục gồm Á, Âu, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Úc và châu Phi. Nam Nam Cực địa điểm duy nhất chiếc xe không thể lăn bánh do chỉ được đi tàu ra. Tổng công, hành trình của Khoa dài hơn 80.000 km, bằng 2 lần chu vi trái đất, qua 65 quốc gia, băng qua lại đường xích đạo 8 lần.
Từ những quốc gia phát triển ở Bắc Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ, đến những nước nghèo khó ở châu Phi, Trung Mỹ, rồi vùng Trung Đông, Nam Mỹ, châu Đại Dương. Qua những nơi xa xôi hẻo lánh như Amazon, Greenland hay đảo Svalbard ở sát Bắc Cực, xuống nơi tận cùng thế giới ở Patagonia rồi xuống luôn cả châu Nam Cực, những hoang mạc rộng lớn giữa lòng nước Úc. Từ những ngôi làng hoang vắng không ai biết, đến những đại đô thị như New York, Paris, Seoul, Sydney, Berlin, Rome, Toronto, Chicago, Los Angeles, San Francisco...
“Ai không bắt đầu sẽ không bao giờ về đích”
1.111 ngày, với Khoa là một trải nghiệm “không đong đếm được”. Cảm giác chung của những người yêu mến và thường xuyên theo dõi hành trình của chàng người Gò Công này qua trang cá nhân là sự ngưỡng mộ. Nhưng với Khoa: “Nhìn hình thấy sướng nhưng thật ra mình vừa đi vừa lo đủ thứ dọc đường, đúng nghĩa sống trên đường chứ không còn là chuyến đi chơi ngắn ngày nữa. Do đi xe qua nhiều quốc gia, châu lục liên tục mà không về Việt Nam nên phải lo đủ thứ từ Visa, giấy tờ nhập cảnh xe, bảo hiểm, bằng lái, các loại giấy khác theo yêu cầu từng nước. Mỗi lần qua đại dương tới châu lục khác lại phải lo đóng thùng, ship xe nên lại kéo theo bao nhiêu chuyện khác phải xử lý".
Đó là chưa kể thời tiết. Có nơi cực lạnh, cực nóng, rồi khô hạn, mưa đá, núi lở, bão lũ, băng tuyết, chưa kể nguy cơ trộm cướp, giang hồ, chính trị bất ổn, nhất là nguy cơ tai nạn luôn rình rập ở dọc đường do điều kiện đường xá, luật giao thông mỗi nước khác nhau. “Có khó nó mới vui và thể hiện được bản lĩnh, mới lớn khôn, thành quả đáng công sức bỏ ra. Ai không bắt đầu sẽ không bao giờ về đích”, Khoa nói.
Hơn 3 năm rong ruổi “cùng trời cuối đất”, những gian khổ đã bù lại bằng những trải nghiệm vô giá, những bài học mới, vô vàn điều mới mẻ mà không đi, không chứng kiến tận mắt khó lòng hiểu được. “Ngay cả con số 1.111 ngày cũng đẹp ngẫu nhiên. Là 1.111 điều kì diệu, đẹp đẽ, hay ho, mà sau này khi nhìn lại, xem lại những dòng nhật ký nhỏ từng ngày chắc sẽ nhớ lắm.Giờ mình ngồi trong khu cách ly thẫn thờ như người mất hồn. Mình thật sự không tin là nó đã kết thúc, và kết thúc đầy bất ngờ như vậy”, Khoa trầm ngâm.
Theo Khoa, điều hài lòng nhất sau chuyến đi là “3 không”, mà chỉ cần dính một thứ là có thể chấm dứt chuyến đi: Không tai nạn – Không bệnh tật – Không vi phạm pháp luật sở tại. “Thật kỳ lạ là suốt chặng đường 80.000 km mình không bị bất kỳ tai nạn nào dù lớn hay nhỏ. Đôi lúc chỉ là những trục trặc về xe cộ, đường xá được giải quyết rất nhanh. Cũng không bị chất thương nghiêm trọng nào, ngoài một lần dẫm phải gai nhím biển ở Mauritius không đáng kể. Chỉ riêng sự tình cờ đó, đủ để cho mình cảm nhận về sự kỳ diệu và niềm tin trong cuộc sống”, Khoa tâm đắc.
Chàng trai người Tiền Giang cũng bày tỏ sự biết ơn với những người đã giúp đỡ mình suốt dọc đường đi. Đó là những đồng hương Việt Nam ở Pakistan, Chile, Úc, Tanzania, Mozambique... cho đến những người dân địa phương tốt bụng ở châu Phi, Nam Mỹ và vô số những lời động viên gửi qua trang cá nhân. Có cả những nhãn hàng, đối tác đã tạo công ăn việc làm cho Khoa có lộ phí đi đường và lo cho gia đình trong 3 năm.
Dự kiến, sau khi hết thời hạn cách ly, Trần Đặng Đăng Khoa sẽ lưu lại Hà Nội vài ngày và trở về Tiền Giang thăm gia đình. Sau đó là bắt tay vào viết sách kể về chuyến đi như dự tính ban đầu. “Mình muốn dành toàn bộ số tiền bán sách để gây quỹ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn hoặc các tổ chức thiện nguyện, mình tặng chuyến đi cho tất cả mọi người và chỉ giữ lại những kỷ niệm đẹp trong tâm trí”. Riêng “tuấn mã” 63H2-6736 dự kiến đến tháng 7 mới cập cảng Cát Lái (TP. HCM). “Có rất nhiều người và đơn vị ngỏ ý mua lại chiếc xe với giá cao. Nhưng mình muốn giữ nó lại, như giữ một người bạn thân thiết đã đồng hành qua mọi gian khổ.