Tri thức trẻ vì giáo dục: Sáng kiến giúp sinh viên nghề học và thực hành trực tuyến

(CTG) Thiết bị dạy học trực tuyến hoạt động tương tác hai chiều giữa người học và giảng viên. Các bài giảng sẽ được chuẩn bị và lên kế hoạch trước. Học viên sẽ sử dụng 2 phần mềm: Phần mềm học trực tuyến lý thuyến thông thường và phần mềm tương tác thực hành. Với ưu điểm thiết bị có thể kết nối với các bạn trong lớp học online. Thông qua việc này các sinh viên sẽ có thể thực hành dò tìm lỗi, chỉnh sửa lỗi và lập trình điều khiển mà không cần đến lớp học.

 

Công trình “Thiết bị dạy học thực hành trực tuyến” của thầy giáo Nguyễn Đức Tài, giảng viên Trường Cao đẳng Nghề An Giang là công trình tham gia cuộc thi Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục do T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long và Báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức.

Thầy Nguyễn Đức Tài đang sử dụng thiết bị để dạy thực hành trực tuyến môn Trang bị điện.

Thực hành trực tuyến thông qua không gian mạng

Thực hành đóng vai trò rất quan trọng trong công tác giảng dạy. Thực hành giúp người học nắm vững được kiến thức, mang đến cơ hội áp dụng kiến thức vào thực tế, rèn luyện các kỹ năng, đặc biệt là trong công tác đào tạo nghề. Thực tế đã cho thấy, trong chương trình giáo dục dạy nghề hiện nay, 70 - 80% chương trình là học thực hành để học viên có điều kiện tiếp xúc với thiết bị, máy móc và vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.

Tuy nhiên, đợt dịch Covid hồi tháng 4 vừa qua, khi Chính phủ thực hiện cách ly xã hội để kiểm soát lây lan, học sinh và sinh viên bắt buộc phải nghỉ học ở nhà, chuyển qua học online đã gây nên một thách thức rất lớn đối với công tác đào tạo nghề. Làm sao để người học có thể thực hành khi không trực tiếp tiếp xúc với thiết bị thật? Làm thế nào để không gián đoạn việc học để các em không quên kiến thức, quên các kỹ năng nghề đã có? Đây là bài toán khó mà các trường đào tạo nghề phải “đau đầu” đi tìm lời giải.

“Trong giai đoạn Covid - 19, các trường dạy nghề phải đối mặt với một thách thức lớn trong việc đào tạo trực tuyến. Bởi với đặc thù là ngành kỹ thuật, việc đào tạo trực tuyến hiện nay chỉ thực hiện được trên các môn lý thuyết, vốn chiếm một lượng nhỏ trong chương trình dạy học. Chính vì thế tôi đã nảy ra ý tưởng thực hiện một thiết bị có thể hỗ trợ học thực hành trực tuyến trong dạy nghề và đã có những bước đầu thành công, giúp người học hứng thú hơn”, đó chính là chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Đức Tài, giảng viên Trường Cao đẳng Nghề An Giang.

Biến điều không thể thành có thể

Nếu như trước đây, sẽ không ai nghĩ rằng có thể thực hành trực tuyến, bởi thực hành là phải quan sát, tiếp xúc , tương tác với sản phẩm thật, thiết bị thật. Nhưng thời đại công nghệ 4.0 đã thay đổi nhiều thứ. Bằng sự tâm huyết với công việc giảng dạy, thầy giáo Nguyễn Đức Tài, giảng viên ngành Cơ điện tử Trường Cao đẳng Nghề An Giang đã vận dụng những cải tiến của khoa học kỹ thuật để “biến điều không thể thành có thể” với sản phẩm “Thiết bị dạy học thực hành trực tuyến”.

“Trong tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp đã yêu cầu các trường cao đẳng trung cấp chuyển qua học online. Tuy nhiên, một vấn đề xuất hiện đó chính là đối với các ngành kỹ thuật không thể dạy online, các môn chuyên ngành cũng cần có các thiết bị thực hành để thực hiện. Dựa vào các kinh nghiệm chế tạo các thiết bị IOT trong nông nghiệp, tôi đã đưa ra ý tưởng chế tạo một thiết bị học thực hành từ xa. Ngay sau đó, tôi đã nhanh chóng triển khai chế tạo để phục vụ thực hành modul trang bị điện của nghề Cơ điện tử”, thầy Tài chia sẻ.

Sơ đồ khối hoạt động của hệ thống.

Cũng theo thầy Tài, hệ thống hoạt động tương tác hai chiều giữa người học và giảng viên. Các bài giảng sẽ được chuẩn bị và lên kế hoạch trước. Giảng viên sẽ kết nối thiết bị thực hành (B) và thiết bị kế nối điền khiển (A). Học viên sẽ sử dụng 2 phần mềm trong quá trình giảng dạy: Phần mềm học trực tuyến lý thuyến thông thường và phần mềm tương tác thực hành.

Thiết bị có thể kết nối với các bạn trong lớp học online. Thông qua việc này các sinh viên sẽ có thể thực hành dò tìm lỗi (một kỹ năng quan trọng của sinh viên trung cấp và cao đẳng) chỉnh sửa lỗi và lập trình điều khiển mà không cần đến lớp học. Ngoài ra, các em có thể học được các kết nối sơ đồ lắp đặt thiết bị điện công nghiệp, thực hành vận hành hệ thống điện… trong các lĩnh vực: Điện, Điện tử, Tự động và Cơ điện tử.

Đã từng có kinh nghiệm chế tạo thiết bị IOT nên thầy Nguyễn Đức Tài chỉ mất khoảng 1 tháng để chế tạo thiết bị, trong đó việc xây dựng chương trình tương thích giữa thiết bị IOT và các trang thiết bị của nhà trường tốn thời gian nhất. “Khó khăn lớn nhất mà tôi gặp phải là xây dựng nội dung giảng dạy. Các thiết bị thực hành của nhà trường được thiết kế để học thực hành tại chỗ. Khi xây dựng tôi phải thiết kế bộ chuyển đổi tính hiệu để các em có thể thực hành từ xa. Các bài tập thực hành cũng phải được thực hiện giúp các em có thể tương tác trực quan với thiết bị thực hành.”, thầy Đức Tài chia sẻ thêm.

Thầy Tài cũng mong muốn thiết bị thực hành trực tuyến sẽ được đầu tư phát triển, mở ra cơ hội học nghề đối với các em vùng sâu vùng xa nơi thiết bị không thể mang đến. Nó cũng sẽ giúp rút ngắn thời gian học tại trường để các bạn có thể “vừa học vừa làm”, tham gia sản xuất tại địa phương để phát triển kinh tế. Bên cạnh việc phục vụ cho quá trình giảng dạy thực hành online, thiết bị sẽ là tiền đề quan trọng để phát triển các sản phẩm về Internet of thing (IOT) đặc biệt là IOT trong nông nghiệp.

*IOT (tiếng Anh: Internet of Things) là Mạng lưới thiết bị kết nối Internet, một liên mạng, trong đó các thiết bị, phương tiện vận tải (được gọi là "thiết bị kết nối" và "thiết bị thông minh"), phòng ốc và các trang thiết bị khác được nhúng với các bộ phận điện tử, phần mềm, cảm biến, cơ cấu chấp hành cùng với khả năng kết nối mạng máy tính giúp cho các thiết bị này có thể thu thập và truyền tải dữ liệu (theo Wikipedia) 

Anh Kiệt