“Sóng” xanh tình nguyện
Với chủ đề “Ngọn lửa xanh”, cuộc thi sáng tạo sản phẩm số thuộc chiến dịch truyền thông của Đoàn Thanh niên Đại học Bách khoa Hà Nội thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên trong và ngoài trường.
Kim Khánh - Quốc Anh - Xuân Hưng - Minh Châu (Đại học Bách khoa Hà Nội) và Thùy Châm (Trường Mỹ thuật Công nghiệp) là một ekip đại diện cho Đội sinh viên tình nguyện Viện Toán ứng dụng và Tin học (VSAMI) sản xuất podcast theo từ khóa “Lửa trong tôi”.
Giữa các hình thức như làm podcast audio với ấn phẩm thiết kế hay video phỏng vấn... Minh Châu cùng ekip đã sử dụng hình thức ghi âm kịch bản gắn với một tấm ảnh đã được thiết kế tỉ mỉ để thể hiện được nội dung podcast.
Một trong những sản phẩm dự thi của sinh viên Bách Khoa |
"Lửa trong tôi" - chủ đề cuộc thi thu hút sự sáng tạo của bạn trẻ Bách Khoa |
Trong podcast, trên nền nhạc nhẹ, nhóm sinh viên đã khiến người nghe dừng lại trang sau 5s đầu tiên bằng lời dẫn nhập như sau: "Có phải lúc nào con người cũng yêu mãnh liệt, nồng cháy như vậy được hay sao? Bất giác tôi chợt nghĩ đến giá trị cốt lõi mà VSAMI theo đuổi, nơi mà mỗi thành viên - bằng một cách nào đấy - luôn “yêu như lửa”. Mỗi chúng tôi không nhận mình là những ngọn lửa, mỗi chúng tôi thích được gọi là ánh lửa hơn. Dẫu vậy, chỉ một ánh lửa có thể làm rực sáng cả khu rừng được không?"...
Xen lẫn những câu lời lắng đọng, tò mò… nhóm sinh viên đã sử dụng hình ảnh ngọn lửa ở đêm giao lưu văn nghệ trong Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh, ghép thêm hiệu ứng ánh lửa bé chuyển động tượng trưng cho những thành viên trong đội.
Dưới podcast của nhóm sinh viên VSAMI cũng đã tạo nên hiệu ứng “rực lửa” qua những lượt chia sẻ đầy hào hứng của sinh viên. Trong dòng cảm xúc đó, các bạn đoàn viên cũng lưu bút, để lại câu chuyện của bản thân khi làm “ánh lửa” trong mỗi chiến dịch tình nguyện đã tham gia.
Ở một màu sắc khác, podcast của sinh viên Ngoại ngữ lại thể hiện nét cá tính, tự tin thông qua hoạt cảnh phỏng vấn "1:1", nhập vai vào những MC, BTV chuyên nghiệp. Podcast của nhóm sinh viên ngoại ngữ đã lọt vào top những sản phẩm có lượt tương tác cao nhất trên fanpage Tình nguyện Bách Khoa.
Trước đó, để kích thích sự sáng tạo của cả nhóm, bạn Hà Phương Anh (ngành Tiếng Anh Khoa học kỹ thuật và Công nghệ) đã đưa ra yêu cầu cho mỗi thành viên phải nghĩ ra ý tưởng độc đáo và thể hiện được tinh thần sôi nổi của sinh viên. Sau đó, Phương Anh cho các bạn bốc thăm ngẫu nhiên để phát biểu ý tưởng rồi mới tiến hành thực hiện sản phẩm số.
Theo Phương Anh, khi mọi người nhìn vào một ấn phẩm số như video hay ảnh của Đội nào đó, đầu tiên cũng sẽ phần nào đánh giá hình ảnh của Đội như thế nào. Đội đó có các hoạt động gì? Đặc biệt với Đội SVTN, mọi người có nhu cầu được biết các thành viên đi tình nguyện ở đâu, làm được những việc tốt gì.
"Vì vậy, thông qua lượt tương tác từ sản phẩm số, việc quảng bá hình ảnh sinh viên tình nguyện giúp chúng em tiếp cận đa dạng các đối tượng không chỉ sinh viên trong trường, mà còn các Đội SVTN và các tổ chức thiện nguyện khác. Điều này thực sự hữu ích giúp chúng em có cơ hội hợp tác với nhiều tổ chức khác nhau để tạo nên một chương trình tình nguyện có quy mô lớn hơn và đem lại nhiều giá trị hơn cả về vật chất và tinh thần”, Phương Anh cho biết.
Lan tỏa “Ngọn lửa xanh”
Cuộc thi truyền thông sáng tạo sản phẩm số “Ngọn lửa xanh” nằm trong chuỗi sự kiện của Ngày hội Sinh viên Tình nguyện Bách Khoa đã thu hút 17 đội tham gia với sản phẩm ở vòng 1 là video podcast và 5 đội lọt vào vòng 2 với sản phẩm là MV ca nhạc. Chủ đề của cuộc thi là ngọn lửa, biểu trưng cho sức trẻ, sự nhiệt huyết, tinh thần tình nguyện của các bạn tình nguyện viên.
Những nhà sáng tạo nội dung số của Đại học Bách Khoa Hà Nội |
Khi đăng tải lên fanpage của Tình nguyện Bách Khoa, mỗi đội tình nguyện sẽ được cộng điểm khi nhận được nhiều tương tác, lượt thích và chia sẻ.
Trao đổi với PV Tiền Phong, TS. Nguyễn Chính Nghĩa, Trưởng Ban Thanh niên tình nguyện, Ủy viên thường vụ Đoàn Thanh niên Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, các sản phẩm số đã góp phần giúp các bạn sinh viên không phải là tình nguyện viên hiểu rõ hơn công việc của một tình nguyện viên, phá vỡ những định kiến về các bạn tình nguyện viên từ lâu.
“Đặc biệt, việc thể hiện tình cảm của bản thân với đội tình nguyện trong podcast khiến tất cả mọi người hiểu thêm về sự gắn kết của các đội sinh viên tình nguyện, giúp ngọn lửa tình nguyện được lan tỏa, truyền đi và nhen nhóm trong lòng các bạn sinh viên, trong lòng mọi người rằng tình nguyện thật sự rất vui và cũng giúp bạn phát triển bản thân”, anh nói.
Còn Bí thư Đoàn Thanh niên Đại học Bách khoa Hà Nội - TS. Trương Công Tuấn vừa bất ngờ, vừa hãnh diện bởi sinh viên của trường ngày càng năng động, nhiều màu sắc mỗi khi hưởng ứng, tham gia các cuộc thi.
“Tinh thần chuyển đổi số đã dần lan tỏa trong các bạn sinh viên từ những hành động, sản phẩm tuyên truyền nhỏ nhất như chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ bằng những đoạn podcast ngắn để kích hoạt thêm nhiều lượt tương tác và theo dõi của cộng đồng với tuổi trẻ Bách Khoa. Trong thời gian tới, Đoàn trường sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều cuộc thi về sản phẩm số cho sinh viên để tạo nên không gian số, môi trường số lành mạnh, đầy sáng tạo, mang đậm màu sắc của sinh viên”, anh Trương Công Tuấn cho biết.
Theo TPO