Tư bản nhà nước: Bàn tay hữu hình

(CTG) Cuộc khủng hoảng của kinh tế tư bản tự do phương Tây tạo cơ hội cho xu hướng tư bản nhà nước phát triển mạnh mẽ hơn tại các thị trường mới nổi.


Ngày tận của thị trường tự do?

TQ có những công ty quốc doanh khổng lồ như China Mobile, Huawei
Thập niên 70 của thế kỷ trước, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher khởi xướng khắp phương Tây trào lưu tư nhân hóa các ngành công nghiệp và cắt giảm phúc lợi nhà nước.

Sau gần bốn thập kỷ, hoàng kim của thị trường tự do đã tắt ngấm với cuộc khủng hoảng dây chuyền từ sự sụp đổ của Lehman Brothers trong năm 2008, nhấn chìm nhiều nền kinh tế giàu có.

Các nền kinh tế từ Hy Lạp, Tây Ban Nha đến Ý, Pháp đều rơi vào hỗn loạn. Ngay cả Hoa Kỳ hùng mạnh cũng chao đảo trong sự sụp đổ domino này.

Khi Âu - Mỹ rơi vào cuộc Đại khủng hoảng 2007-2009 thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc (TQ), Venezuela... kết luận rằng thị trường tự do đã thất bại, và chính sách nhà nước kiểm soát và thúc đẩy kinh tế mới thành công. Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản tự do đã tạo điều kiện cho một mô hình mới: chủ nghĩa tư bản nhà nước.

Các yếu tố của tư bản nhà nước đã được nhìn thấy trong quá khứ, ví dụ như sự nổi lên của Nhật Bản vào những năm 1950 và thậm chí của Đức trong thập niên 1870. Tuy nhiên, chưa bao giờ tư bản nhà nước lại hoạt động trên quy mô lớn như hiện nay.

Đặc biệt, trong 30 năm qua, GDP của TQ đã phát triển với một tốc độ trung bình 9,5% mỗi năm và chiếm 18% kim ngạch thương mại quốc tế.

Trong 10 năm qua, GDP của TQ tăng gấp ba lần, lên 11 ngàn tỷ USD. TQ đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và vượt qua Mỹ để trở thành thị trường lớn nhất của thế giới.

Nhà nước TQ là cổ đông lớn nhất của 150 công ty lớn nhất đại lục và hướng dẫn hàng ngàn công ty khác chưa thống kê được. Nhà nước định hình tổng thể thị trường bằng công cụ quản lý tiền tệ, chỉ đạo phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên và kiểm soát chặt chẽ các công ty TQ ở nước ngoài.

Hình thức tư bản nhà nước cũng nằm trong các công ty mạnh nhất thế giới hiện nay. 13 công ty dầu mỏ lớn nhất nắm trong tay hơn ba phần tư trữ lượng dầu mỏ của thế giới. Điều đáng nói là tất cả các công ty này đều có sự hậu thuẫn của chính phủ.

Điển hình là công ty dầu khí lớn nhất thế giới Gazprom của Nga. Nhưng các công ty nhà nước thành công có thể được tìm thấy trong hầu như bất kỳ ngành công nghiệp nào. Chẳng hạn, China Mobile với 600 triệu khách hàng.

Saudi Basic Industries Corporation là một trong những công ty hóa chất có lợi nhuận cao nhất thế giới. Sberbank của Nga là ngân hàng lớn thứ ba của châu Âu vốn hóa thị trường. Dubai Ports là của nhà điều hành cảng lớn thứ ba thế giới. Emirates, hãng hàng không đang tăng trưởng 20% một năm...

Tư bản nhà nước hiện nay cũng là một bước tiến đáng kể trong một số khía cạnh. Đầu tiên, nó được phát triển trên một quy mô rộng lớn hơn nhiều. Thứ hai, các nền kinh tế có mức độ tập trung tư bản quốc doanh lớn như TQ và Nga đã phát triển công thức cho tư bản nhà nước linh hoạt hơn: Thay vì bàn giao các ngành công nghiệp cho các quan chức, các công ty nhà nước được điều hành bởi các nhà quản lý chuyên nghiệp.

Viện Fraser, một cơ quan tư vấn của Canada, đã đo lường sự tiến bộ của tự do kinh tế trong bốn thập kỷ qua, cho thấy “Chỉ số tự do” của kinh tế thế giới tăng lên không ngừng từ 5,5 (thang số 10) năm 1980 lên 6,7 trong năm 2007. Nhưng sau đó chỉ số này bắt đầu di chuyển ngược trở lại.

Nhà nước tiến lên, tư nhân thụt lùi

Nhiều nhà kinh tế phương Tây cho rằng, tư bản nhà nước là kẻ thù ghê gớm nhất mà tư bản tự do phải đối mặt. Bà Charlene Barshefsky, đại diện Thương mại Mỹ thời Tổng thống Bill Clinton và là người đàm phán việc TQ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, nhận định: sự trỗi dậy của những nền kinh tế quốc doanh mạnh như TQ và Nga đang làm xói mòn hệ thống thương mại được thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ II.

Theo bà Barshefsky, khi các nền kinh tế này quyết định “chính phủ gây dựng những ngành công nghiệp mới” thì sân chơi nghiêng về phía bất lợi cho khu vực kinh tế tư nhân.

Điều đó đặt ra một số câu hỏi khó khăn về hệ thống kinh tế toàn cầu. Làm thế nào có thể đảm bảo một hệ thống thương mại công bằng nếu một số công ty được hưởng hỗ trợ công khai hay bí mật từ một quốc gia?

Làm thế nào có thể ngăn chặn chính phủ sử dụng các công ty như công cụ của sức mạnh quân sự? Và làm thế nào có thể ngăn chặn những lo lắng chính đáng về chủ nghĩa bài ngoại và chủ nghĩa bảo hộ?

Chính phủ TQ sở hữu hầu hết các ngân hàng lớn, ba công ty dầu khí lớn, ba tập đoàn viễn thông và tất cả các công ty truyền thông quan trọng. Bộ Tài chính TQ cho biết, tổng tài sản của khối doanh nghiệp nhà nước năm 2008 là 6.000 tỷ USD, bằng 133% GDP của năm đó; trong khi ở Pháp - nước có bộ phận kinh tế quốc doanh lớn nhất phương Tây, doanh nghiệp nhà nước có tài sản 686 tỷ USD, bằng 28% quy mô kinh tế Pháp.

Sự can thiệp ngày càng tăng của chính phủ vào mọi lĩnh vực, từ mỏ than cho đến internet, đã đẻ ra cụm từ “quốc tiến, dân thoái”, nghĩa là “nhà nước tiến lên, doanh nghiệp tư nhân thụt lùi”.

Ian Bremmer, Chủ tịch của Eurasia Group, một công ty tư vấn rủi ro chính trị, tuyên bố đã “Kết thúc của thị trường tự do” trong cuốn sách cùng tiêu đề.

Tổ chức thị trường nào cũng cần có nhà nước can thiệp ít để bảo đảm luật pháp, tính cạnh tranh và mức độ an sinh tổi thiểu của người dân. Nhưng sự khác biệt ở chỗ thay vì nhà nước chỉ giám sát vừa đủ để bảo đảm thị trường được vận hành tự do, thì mô hình tư bản nhà nước tạo nên những nhóm lợi ích, tiến gần đến độc quyền.

Tiêu biểu cho các tập đoàn quốc doanh khổng lồ gồm: Saudi Aramco (Saudi Arabia), Gazprom (Nga); NIOC (Iran); PDVSA (Venezuela). Riêng tại TQ, nhà nước nắm quyền kiểm soát các đại công ty như: CPNC (dầu hỏa); SGCoC và CSPG (điện lực); CDB và ABC (ngân hàng); FGC, DMC và SAIC (công nghệ); CT, CMCC, Huawei (truyền thông).

Các tập đoàn tư nhân phương Tây hiện nay đã bị các “tập đoàn nhà nước” này dễ dàng qua mặt. Tiêu biểu như hãng dầu danh tiếng ExxonMobil sau nhiều thập kỷ đứng ở vị trí công ty lớn nhất thế giới nay đã rơi xuống vị trí thứ 15.
 
 
Theo DNSG