Từ lệnh cấm của bí thư Thành uỷ Đà Nẵng

(CTG) Lệnh cấm dùng thời gian dành cho công sở để đi học do bí thư Thành uỷ Đà Nẵng đề ra, thu hút sự quan tâm của dư luận. Có nhiều phản ứng, cả trái chiều và thuận chiều. Song, có một điều ai cũng thừa nhận: đúng là từ nhiều năm, người ta đã quen thấy việc sử dụng ngày, giờ làm việc ở cơ quan nhà nước để học văn hoá, chuyên môn, bồi dưỡng lý luận chính trị, sinh hoạt đoàn thể… Chưa nói đến chuyện tranh thủ thời gian công tác để làm việc riêng tư đã thành chuyện thường ngày!




Chẳng có gì khác biệt giữa khu vực công và khu vực tư: người lao động trong khu vực công được ông chủ là Nhà nước trả lương để làm việc và phải sử dụng toàn bộ thời gian lao động cho công việc được giao (ảnh chỉ có tính chất minh hoạ). Ảnh: Thanh Hảo


Tất nhiên, một khi công chức, viên chức được trả lương để làm việc công nhưng cuối cùng lại đi học, thì tiền bạc của Nhà nước bị tiêu xài không đúng mục đích và không hiệu quả. Trong chừng mực đó, có thể coi lệnh cấm như là một trong những nỗ lực chống tệ nạn lãng phí công quỹ, thậm chí tệ nạn thâm lạm của công.

Ở các chỗ làm của tư nhân, nhân viên phải làm các công việc được chủ phân công trong giờ làm việc, không được làm gì khác. Ngay cả khi họ không có gì để làm trong khoảng thời gian đó, thì cũng không thể rời bỏ vị trí công tác để làm việc khác, nếu chủ không cho phép. Người làm công trong khu vực tư muốn đi học phải tự thu xếp các khoảng thời gian ngoài giờ làm việc, vào buổi tối hoặc cuối tuần. Điều này rất tự nhiên, không ai thắc mắc cả.

Vì thế, hiện tượng nhân viên công sở sử dụng giờ hành chính để đi học chỉ là vấn nạn riêng của khu vực công. Đúng hơn nữa, đó là vấn nạn tương đối đặc thù, xuất hiện ở Việt Nam nhưng không thấy ở các nước tiên tiến. Nó có nguồn gốc sâu xa, gắn với mô hình xã hội hành chính hoá tồn tại trong nhiều năm.

Có một thời, toàn xã hội vận hành như một guồng máy hành chính khổng lồ, do mọi thiết chế, từ doanh nghiệp, trường học, bệnh viện đến nhà hát, sân vận động, công viên, tổ chức hội, đoàn… đều nằm trong tay Nhà nước. Trong điều kiện đó thì đi làm việc, đi học, đi họp, hay sinh hoạt tập thể, thậm chí hội thao, văn nghệ, đều là những hoạt động được cho là vì cái chung và được công chức thực hiện như là một phần của công vụ. Trong chiếc nôi bao cấp mênh mông, người ta không thấy được đâu là bến bờ giới hạn đối với hành vi ứng xử trong giao tiếp xã hội mà vượt qua đó, sẽ bị coi là lạm dụng thời gian, tiền bạc và cả sự dễ dãi của cơ quan chủ quản, để làm những việc mang tính chất phục vụ cho cá nhân.

Việc xoá bỏ bao cấp đồng thời có tác dụng trao cho từng cơ quan nhà nước, từng chủ thể sử dụng ngân sách công trách nhiệm bảo đảm tính hiệu quả của việc chi tiêu bằng công quỹ. Trên nguyên tắc, mỗi cơ quan công được ngân sách đầu tư để thực hiện tốt chức năng chuyên môn được phân giao cho mình trong khuôn khổ tổ chức hệ thống cơ quan nhà nước, thể hiện thành sự vận hành suôn sẻ của từng vị trí và nói chung của cả guồng máy.

Một khi đã thiết lập được chế độ trách nhiệm như thế, suy cho cùng, về phương diện sử dụng thời gian lao động, chẳng có gì khác biệt giữa khu vực công và khu vực tư: người lao động trong khu vực công được ông chủ là Nhà nước trả lương để làm việc và phải sử dụng toàn bộ thời gian lao động cho công việc được giao.

Thực ra, nếu nhân viên thuộc quyền đi học mà không có sự chấp thuận của lãnh đạo cơ quan, thì đã có pháp luật lao động, kỷ luật công tác với đầy đủ biện pháp chế tài, từ khiển trách cho đến buộc thôi việc. Họ không cần đến lệnh cấm đó mới chịu đi vào khuôn khổ.

Rốt cuộc, lệnh cấm chỉ ràng buộc các thủ trưởng đơn vị, không ăn nhập gì đến các cấp thuộc quyền. Đáng lý ra phải nói cho rõ: ai lãnh đạo cơ quan mà cho phép nhân viên đi học trong giờ hành chính thì phải chịu trách nhiệm!


Theo SGTT