Cậu ta cho biết yêu thích kinh doanh nhưng do gia đình định hướng theo ngành xây dựng nên nghe theo. Trong quá trình học đại học, nhiều lần cậu muốn dừng lại vì nhận ra bản thân không phù hợp nhưng gia đình không đồng ý. Đến năm 3 đại học, cậu đã can đảm giấu gia đình, quyết định nghỉ học vì rớt nhiều môn và không thể tiếp thu thêm kiến thức của ngành xây dựng.
Cậu tên là Lê Văn Hoàng (29 tuổi) quê tỉnh Hà Tĩnh, năm 2016 từng dừng lại việc học ngành xây dựng cầu đường Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM dù đã học đến năm thứ 3.
Sau khi nghỉ học, Hoàng làm nhiều công việc như: công nhân nhà máy sản xuất thiết bị y tế, xuất khẩu lao động tại Macau (Trung Quốc)… Trong quá trình làm nhân viên trong phòng xông hơi tại Macau (Trung Quốc), do tiếng Anh còn hạn chế nên việc giao tiếp của Hoàng gặp khó khăn. Từ đó Hoàng quyết tâm học thêm tiếng Anh. Mỗi ngày, chàng trai này dành hàng giờ để học tiếng Anh.
Năm 2018, Hoàng quyết định về Việt Nam để tìm kiếm cơ hội mới. Thời gian đầu Hoàng làm sale bất động sản. Song song đó Hoàng còn xin làm bán thời gian tại một học viện dạy IB và IGCSE (chứng chỉ giáo dục quốc tế) cho học sinh nước ngoài ở TP.Thủ Đức (TP.HCM). Sau đó Hoàng quyết định dừng công việc sale bất động sản và làm việc toàn thời gian tại học viện này với mức lương 8 triệu đồng/tháng. “Mình vừa làm, vừa nâng cao khả năng tiếng Anh”, Hoàng nói.
Cuối năm 2018, Hoàng tiếp tục nghỉ việc sang làm cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài về sàn thương mại điện tử. Đến cuối năm 2019, Hoàng góp vốn mở một homestay kết hợp dạy tiếng Anh. Đến cuối năm 2020, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, homestay này cũng phải đóng cửa.
Từ đầu năm 2021, Hoàng là đồng sáng lập một công ty hỗ trợ các đơn vị ở Việt Nam bán hàng trên Amazon. Đến đầu năm 2022, Hoàng thành lập công ty riêng là Staspi Solutions chủ yếu làm website và marketing cho người Việt đang sinh sống, kinh doanh ở Mỹ. Thời gian đầu công ty phát triển, có 20 nhân viên. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, công ty kinh doanh đi xuống, Hoàng phải cho nhân viên nghỉ việc, trả văn phòng. “Thời điểm đó mình thấy bản thân còn thiếu quá nhiều thứ để vận hành doanh nghiệp. Cái mình có là trải nghiệm thực tế, mang tính tức thời nhưng thiếu nhiều kiến thức nền tảng”, Hoàng chia sẻ.
Năm 2022, Hoàng quyết tâm một lần nữa trở thành sinh viên ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Mở TP.HCM. “Trong quá trình kinh doanh, mình phát hiện bản thân có rất nhiều lỗ hổng kiến thức mà không thể tìm được bất cứ tài liệu nào trên mạng để bù đắp. Vì vậy, mình đã đưa ra nhiều quyết định cảm tính, mang lại kết quả không tốt cho công ty. Đó cũng là lúc mình nghiêm túc ngồi lại phân tích, từ đó nhận ra cần học đại học để được bổ sung đầy đủ các kiến thức cần thiết cho kinh doanh từ pháp luật, quản trị, kinh tế, marketing, xuất nhập khẩu, kế toán, giao tiếp…”, Hoàng chia sẻ.
Hoàng cho biết gần đây được học môn phân tích định lượng trong quản trị. Hoàng tâm đắc với một đoạn kiến thức trong môn này: “Không phải tất cả các quyết định có cơ sở đều mang lại kết quả tốt. Không phải tất cả các quyết định theo bản năng đều mang lại kết quả xấu. Nhưng khi tần suất trở nên nhiều hơn, các quyết định có cơ sở sẽ mang lại kết quả tốt hơn rất nhiều so với điều ngược lại".
Hoàng cho biết khi làm việc ở những vị trí thấp, các quyết định ít ảnh hưởng đến một tập thể. Sự sai lầm sẽ không mang lại hậu quả quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi làm công việc có độ phức tạp cao, mức độ ảnh hưởng lớn hơn, thì cơ sở dữ liệu cần được xét đoán rất kỹ lưỡng trước khi quyết định. “Mình không cần đến bằng đại học để chứng minh năng lực bản thân hoặc đi xin việc. Nhưng khi điều hành công ty, càng đụng đến những thứ nâng cao thì lại cần kiến thức nền tảng”, chàng trai U.30 học đại học chia sẻ.
Hoàng cho biết cảm ơn bản thân vì đã dũng cảm quay trở lại giảng đường đại học. Vì mọi thắc mắc của Hoàng đều được giải đáp một cách cực kỳ chi tiết qua từng môn học. Với Hoàng các môn như: kinh tế vi mô, vĩ mô, quản trị học, phân tích định lượng, giao tiếp trong kinh doanh… không nhàm chán như mọi người hay nói.
“Đơn cử như môn kinh tế vi mô giúp hiểu chi tiết về quy luật cung cầu, hành động của người tiêu dùng, khách hàng trong từng thực trạng kinh tế khác nhau. Chính môn này đã giúp mình có một quyết định rất táo bạo, giúp công ty vực dậy sau khủng hoảng”, Hoàng chia sẻ. Từ tháng 5.2023 đến nay, công ty của Hoàng đã trở lại hoạt động ổn định.
Hoàng chia sẻ thêm: “Mình từng là một học sinh nổi bật ở bậc THPT, nhưng khi lên đại học vì chọn sai ngành mà không tập trung học hành, rồi trở thành sinh viên cá biệt và phải nghỉ học. Đến bây giờ, khi có đủ trải nghiệm rồi thì quay trở lại ngành mà mình yêu thích thời còn nhỏ và học rất tốt. Con người chúng ta thường sẽ làm rất tốt những thứ mà chúng ta yêu thích. Vì vậy, hãy lựa chọn thứ mình yêu thích để theo đuổi. Hoặc nếu được thì hãy thích thứ mình đang theo đuổi, từ đó làm hành trang cho tương lai”.
Theo TN