Tuổi đôi mươi cũng cần học chấp nhận sai

CTG - Giáo viên góp ý và sửa bài làm cho học trò vốn hết sức bình thường. Chỉ đáng lo khi bài không đạt mà giáo viên phớt lờ cho qua với những điểm huề cả làng.

Nói một cách công tâm, câu chuyện giữa cậu học viên và cô giáo ở ngôi trường nọ lùm xùm có phần góp mặt của mạng xã hội. Có chút ảo tưởng trong cách ứng xử và đối diện vấn đề nếu không muốn nói rằng dựa hơi vào "sức mạnh của mạng xã hội".

Bởi trong mọi câu chuyện, việc giải quyết không chỉ dựa vào cái lý, mà ông bà mình dạy còn là cái tình. Huống chi sự việc này chưa phải là vấn đề gì quá ghê gớm đến mức không thể trao đổi được với nhau.

Sự việc ấy còn cho bài học khác mà những bạn sinh viên, học sinh tuổi mười tám, đôi mươi càng phải nhìn một cách nghiêm túc để trau mình. Biết chấp nhận sai cũng là một kỹ năng không phải bạn trẻ nào cũng có, nên càng cần luyện tập.

Học từ chính cái sai của bản thân, học luôn cách người khác giúp mình sửa sai sẽ chỉ có lợi, trở thành hành trang quý giá cho bạn vào đời chứ chẳng đi đâu mà thiệt.
 

Có một bạn từng là thủ khoa trúng tuyển, đồng thời là thủ khoa tốt nghiệp một trường đại học tại TP.HCM từng chia sẻ kinh nghiệm của bản thân. Bạn chưa bao giờ sợ sai trong suốt những năm học đại học. Cô ấy luôn tranh thủ chia sẻ ý kiến cá nhân, phát biểu trong lớp và hỏi bất cứ điều gì bạn thắc mắc với thầy cô mà không sợ bị cười vì hỏi sai hay ngớ ngẩn.

Quan điểm của bạn ấy là chỉ có ở trường đại học ta mới được phép sai, cũng như không được sợ sai. Vì nếu sai, chắc chắn sẽ có thầy cô giúp mình sửa để nhận ra cái đúng. Mà chỉ có như thế mới giúp mình nhớ và hạn chế sai sót, bởi ra trường đi làm sẽ không được phép sai nữa. Chưa kể có những cái sai không bao giờ có cơ hội để sửa.

Dĩ nhiên không phải bạn trẻ nào cũng nghĩ như thế. Tâm lý chung thường rơi vào trạng thái sợ bị cười, sợ bị chọc quê nếu mình lỡ hỏi câu nào đó hơi lơ ngơ. Hơn một xíu là tâm lý giấu dốt. Tệ hơn nữa là không chấp nhận mình sai, thậm chí khi được chỉ ra cái sai lại đổ thành "người khác không hiểu ý mình".

Trở lại câu chuyện bạn học viên ở trên, nếu tiếp nhận với tâm thế khiêm cung và chịu học hỏi, hẳn bạn đã được nhiều hơn chứ không chỉ là con điểm 5 đủ qua môn sau khi thành lập hội đồng chấm lại. Nhưng cái mất thì rõ ràng ai cũng thấy. Và chắc hẳn sẽ còn hệ lụy cả về tâm lý lẫn việc học của bạn ở chặng đường tiếp theo.

Giáo dục ở góc độ nào đó là cung cấp dịch vụ, nhưng là dịch vụ đặc biệt, không đơn thuần như trả tiền mua hàng. Ở đó còn có bài học làm người, hoàn thiện nhân cách.

Đi học là lúc tranh thủ lĩnh hội cái mới, điều hay chứ không phải thời khắc để chứng tỏ mình là ai, gia thế mình ra sao, trừ khi bạn thật sự xuất sắc và nổi bật.