|
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã thành lập các tổ công tác trực tiếp đến các địa bàn trọng yếu kiểm tra và chỉ đạo lực lượng TNTN sẵn sàng túc trực, ứng cứu và giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả. Anh Nguyễn Xuân Hùng – UVBTV TW Đoàn, Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh và các đồng chí thường trực, thường vụ Tỉnh Đoàn đã dẫn đầu các đoàn công tác đến trực tiếp chỉ đạo hoạt động tình nguyện tại các huyện ven biển: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Nghi Xuân, Thạch Hà.
Theo đó, các huyện, thị, thành Đoàn đã chủ động thành lập các chốt thanh niên tình nguyện dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ để đảm bảo an toàn giao thông, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp xảy ra trong điều kiện bão đổ bộ hoặc ngập lụt; giúp đỡ nhân dân và các trường học thực hiện các phương án ứng phó, di dời người và tài sản đến nơi an toàn, đặc biệt quan tâm các đối tượng người già, trẻ em, đối tượng chính sách, người neo đơn,... Tại các địa phương, cơ sở lực lượng TNTN đã xung kích, tích cực cùng các lực lượng chức năng thực hiện một số nhiệm vụ trước mắt, khẩn thiết nhằm giảm thiểu khả năng thiệt hại do ảnh hưởng bão, lụt.
Tại huyện Vũ Quang: Trong chiều 09 và sáng ngày 10/11, tại các trường học, 250 TNTN đã cùng với các lực lượng khác di chuyển tất cả các đồ dùng, sách vở, tài liệu máy móc, bàn ghế từ tầng 1 lên tầng 2; chằng chống, chặt tỉa tán hệ thống cây xanh để tránh bão xô ngã. Các hộ dân cũng đã cẩn thận neo giằng, chằng chống nhà cửa, vận chuyển vật dụng tài sản lên cao tránh trường hợp bão kèm theo mưa lớn gây ngập lũ, đồng thời chuẩn bị đầy đủ lương thực thực phẩm đảm bảo ăn uống dài ngày.
|
Tại huyện Cẩm Xuyên: Do việc xả tràn hồ Kẻ Gỗ nên sáng ngày 10/11 hều hết các khu dân cư khu vực hạ du Hồ Kẻ Gỗ đã ngập chìm trong nước. Ông Hà Huy Triền – Chủ tịch UBND xã Cẩm Duệ cho biết: “Từ 8h30 phút sáng ngày 9/11, chúng tôi đã cập nhật thông tin: Lưu lượng xả nước sẽ tăng từ 300m3/s lên 350m3/s”. Ở một số nhà dân vùng trũng thuộc thôn Trần Phú, nước đã vào nhà từ tối 9/11. Để giúp người dân dọn dẹp đồ dùng, lực lượng thanh niên tình nguyện, dân quân tự vệ đã túc trực 24/24h với các phương tiện sẵn sàng hỗ trợ, ứng cứu”.
Tại huyện Kỳ Anh: Với phương châm: Chỉ đạo quyết liệt, thông tin cơ sở phải bám, nắm phản ánh đầy đủ kịp thời, chính xác, công tác tuyên truyền phải cập nhật và chuyển tải đến tất cả mọi người dân biết để chủ động phòng tránh; quyết tâm không để ảnh hưởng đến tính mạng của người dân, Đoàn thanh niên huyện đã tích cực cùng với Ban chỉ huy PCBL huyện khẩn trương phối hợp với các ban, ngành và 33 xã, thị trấn chủ động phòng, chống và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão số 14 gây ra. Đến nay, 4.500 hộ dân của 19 xã nằm trong vùng trũng thấp, dễ ngập lụt đã di dời đến nơi an toàn; tất cả các thuyền bè trên địa bàn huyện vào bờ, neo đậu ở nơi quy định.
Tại huyện Nghi Xuân: Lực lượng TNTN tại chỗ đã cùng với các lực lượng chức năng thực hiện di dời 2.611 hộ dân tại các xã ven biển đến nơi an toàn, đồng thời chuẩn bị phương án đối phó với lũ quét ở các xã Xuân Lam, Xuân Lĩnh, Xuân Hồng.
Tại huyện Lộc Hà: 4.000 hộ dân trong vùng nguy hiểm đã được di chuyển đến điểm tránh bão, lũ an toàn. Huyện đoàn Lộc Hà đã huy động 835 ĐVTN tình nguyện giúp đỡ nhân dân di dời tài sản về nơi an toàn, vận động, thuyết phục 515 hộ dân ở vùng không an toàn về nơi trú tránh bão; các Đội TNTN tại 13 điểm của các xã và lực lượng hỗ trợ của huyện sẵn sàng ứng cứu, chống chọi, khắc phục hậu quả do cơn bão số 14 gây ra.
Trên địa bàn Hương Khê: Toàn huyện có 140 hồ đập, trong đó 60 hồ đập trong tình trạng mất an toàn. Hiện nay, huyện đã triển khai các phương án an toàn hồ đập và chuẩn bị di dời dân trong diễn biến cấp thiết. Huyện Đoàn chỉ đạo lực lượng TNTN tại chỗ ở các địa phương, cơ sở thường xuyên túc trực, sẵn sàng ứng cứu, giúp đỡ nhân dân khi có tình huống xấu xảy ra.
Nguyễn Thị Hồng Thủy
Tĩnh Đoàn Hà Tĩnh |