Tuổi trẻ Quảng Ngãi phát triển văn hoá đọc trong thời đại số

(CTG) Tối 15/4, tại Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi Diên Hồng (TP.Quảng Ngãi), Sở Thông tin và Truyền thông và Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức chương Tọa đàm Phát triển văn hoá đọc trong thời đại số. Đến dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn.

Các vị khách mời giao lưu tọa đàm với các bạn ĐVTN, HSSV.

 

Sách đem lại tri thức, hiểu biết và kiến thức tổng hợp về mọi mặt của đời sống. Vì vậy, đọc sách luôn là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của loài người. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ thông tin và sự bùng nổ của hệ thống truyền thông nghe - nhìn, đọc sách đã có nhiều thay đổi so với trước đây và đang bị lấn lướt bởi văn hóa nghe - nhìn.

Tại chương trình, các vị khách mời gồm: đồng chí Huỳnh Thị Thu Thuỷ, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; đồng chí Vũ Thị Liên Hương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Trần Thị Hưng, Phó Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh, đại diện Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch đã tiếp thu, giải đáp hơn 250 câu hỏi, đề xuất, đồng thời chia sẻ, gửi gắm nhiều vấn đề liên quan đến các nội dung: Văn hóa đọc và đọc sách; văn hóa đọc của người dân Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng, đặc biệt là người trẻ trong thời gian qua; nguyên nhân cốt lõi của vấn đề tỷ lệ người ít đọc sách, không đọc sách tại Việt Nam thấp; vấn đề phát triển sách giấy truyền thống, thư viện điện tử, sách nói; những hoạt động cụ thể để phát triển văn hóa đọc trong học sinh ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường…

 

Phó Bí thư Tỉnh đoàn Trần Đăng Minh và Phó Giám đốc Sở TT&TT Huỳnh Thị Thu Thủy tặng quà cho ĐVTN tham luận tại chương trình.

 

Cũng tại chương trình, đại diện Huyện đoàn Nghĩa Hành trình bày tham luận chủ đề “Đọc sách - Kết nối tri thức và phát triển”; đại diện Đoàn trường THPT Chuyên Lê Khiết (TP.Quảng Ngãi) trình bày tham luận chủ đề “Văn hoá đọc trong thời đại số”.

Toạ đàm nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp bộ đoàn đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc; lắng nghe, giải đáp ý kiến của đoàn viên, thanh niên trong việc phát triển văn hoá đọc trong thời đại số; hướng tới mục tiêu xây dựng thói quen đọc sách, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, hình thành lối sống lành mạnh và thượng tôn pháp luật trong đoàn viên, thanh niên.

Theo ĐTN