Tuổi trẻ tham gia bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc

CTG - Theo T.Ư Đoàn, phát huy giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam trong thời gian qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp và tổ chức nhiều mô hình sáng tạo để bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc.

Tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển" tổ chức tại Hà Nội sáng nay 27.2, T.Ư Đoàn đã có bài tham luận "Thế hệ trẻ tham gia bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc dựa trên giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam". 

Theo đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có nhiều giải pháp và tổ chức nhiều mô hình sáng tạo để bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc.

Tuổi trẻ tham gia bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự hội thảo "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển"

NAM NGUYỄN

Giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc

T.Ư Đoàn cho biết, để phát huy giá trị của Đề cương về văn hóa Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tăng cường giáo dục thanh niên ý thức trân trọng các giá trị văn hóa dân tộc.

Trong đó, nổi bật là việc tổ chức để thanh niên tham gia bảo tồn các di sản văn hóa, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc thông qua các hoạt động tham gia tu sửa, tôn tạo, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tại địa phương; chỉnh trang khuôn viên các tượng đài, nghĩa trang, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản thiên nhiên được UNESCO vinh danh là di sản thế giới, các công trình, sản phẩm… được xếp hạng di tích lịch sử, di tích văn hóa các cấp đều được tổ chức Đoàn, Hội, Đội tham gia bảo tồn, gìn giữ và phát huy một cách tích cực thông qua các đội, nhóm, câu lạc bộ văn hóa dân gian, nghệ thuật cổ truyền, võ cổ truyền… trong và ngoài nhà trường; huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào hoạt động bảo tồn, giữ gìn cảnh quan môi trường các di tích lịch sử, cách mạng, di sản văn hóa…

Tuổi trẻ tham gia bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc - Ảnh 2.

Mô hình "Giờ ra chơi với các làn điệu dân tộc, điệu nhảy tập thể tại các trường học" tỉnh Yên Bái

TỈNH ĐOÀN YÊN BÁI

Bên cạnh đó, tuổi trẻ đã đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các di sản văn hóa, di tích lịch sử, cách mạng của quê hương, đất nước thông qua các hoạt động về nguồn, hành trình đến với địa chỉ đỏ; vận động thanh thiếu nhi hát Quốc ca tại các địa chỉ đỏ; đăng tải các video clip giới thiệu về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, cách mạng, di sản văn hóa … của địa phương bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Các bạn trẻ đã thành lập nhiều câu lạc bộ, đội hình tình nguyện hướng dẫn du lịch, giới thiệu danh lam, danh thắng, di sản văn hóa truyền thống của địa phương. Các bạn trẻ cũng nỗ lực đưa âm nhạc dân gian dân tộc đến gần với thanh thiếu nhi qua các MV ca nhạc; hay số hóa các địa điểm di tích giúp thanh niên được tiếp cận dễ dàng hơn về nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử của các địa danh, địa chỉ đỏ.

Tiêu biểu có các mô hình: "Giờ ra chơi với các làn điệu dân tộc, điệu nhảy tập thể trong trường học" tại các trường học tỉnh Yên Bái; gần 90% liên đội Trường tiểu học ở TP.Việt Trì  (Phú Thọ) đưa hát xoan vào giảng dạy và một buổi ngoại khóa giao lưu với các nghệ nhân hát xoan. Tại Bắc Ninh đã dạy hát dân ca quan họ trong các liên đội và cấp THPT.

Tuổi trẻ tham gia bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc - Ảnh 3.

Mô hình CLB Đàn tính hát then của thanh niên ở Tuyên Quang

QUAN HIỀN

Tại Thừa Thiên - Huế, đã đưa bộ môn múa cung đình để học sinh khối 4 và khối 5 học tập. Tại Hà Nội, thành lập câu lạc bộ Văn hóa trẻ, Nét đẹp Tràng An, Tôi yêu Hà Nội, đội tình nguyện Hỗ trợ Du lịch Thăng Long - Hà Nội gồm 300 thành viên…

Thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa

Theo T.Ư đoàn, tiếp thu tinh thần Đề cương văn hóa trong thời kỳ mới, để văn hóa thực sự là động lực của sự phát triển, những người trẻ với thế mạnh về ngoại ngữ, khả năng nắm bắt thông tin nhanh nhạy, đã chọn cách lập các kênh truyền thông trên YouTube, Tiktok, Facebook, Instagram… nhằm xây dựng nội dung quảng bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Thông qua đó, không chỉ góp phần quảng bá những giá trị văn hóa của Việt Nam trên trường thế giới, mà còn tạo nên những giá trị kinh tế to lớn từ những sản phẩm văn hóa.

Ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên Việt Nam dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ để cải tiến đặc sản địa phương, cũng như khởi nghiệp từ văn hóa, du lịch trên chính quê hương mình…

Tuổi trẻ tham gia bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc - Ảnh 4.

Các bạn trẻ trong câu lạc bộ Chèo 48 - Tôi chèo về quê hương nỗ lực đưa chèo từ sân đình vào sân trường

NVCC

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức nhiều hoạt động tạo môi trường cho thanh niên tham gia quá trình chuyển đổi giá trị văn hóa thành sức mạnh nội sinh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa, như tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo thanh niên khởi nghiệp; thúc đẩy và tạo môi trường để thanh niên khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực văn hoá.

THEO TNO