Sau khi tốt nghiệp khoa Văn hệ Đại học đầu tiên của Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng (khóa 2000-2004), Hồng không về quê xin việc hay bươn chải đi Tây Nguyên, miền Nam... như hàng chục người bạn khác. Khóa đó, 2 lớp Văn có 96 “văn sĩ” mơ mộng, nhưng sau ngày tốt nghiệp, chỉ có vẻn vẹn khoảng hơn chục người bám trụ lại Đà thành, chạy vạy mệt nhoài kiếm việc mà mỗi khi gặp nhau đều lắc đầu ngao ngán. Bẵng đi gần 4 năm, tôi gặp lại Hồng với đứa con trai kháu khỉnh 19 tháng tuổi. Hỏi chuyện thì biết, anh chàng khiếm thị là giáo viên của Trường Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu ngày nào vẫn hay vào ký túc xá chơi nay đã là người chồng mà Hồng hết mực thương yêu. Nghe Hồng kể về tình yêu và cuộc hôn nhân của mình, tôi thầm thán phục. Tôi chưa hiểu, đối với họ, chữ “tình” hay chữ “nghĩa” nặng hơn nhưng chắc chắn là một câu chuyện có hậu.
Trước năm 2000, anh Hoàng Văn Khương là giáo viên THCS ở Đắc Lắc. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đắc Lắc (1997), anh trở thành một giáo viên nam mẫu mực, đạt nhiều thành tích trong lĩnh vực giáo dục ở một vùng mà chuyện học tập của con em chỉ là... chuyện phụ. Do vùng thiếu giáo viên nên thầy Khương phải “chạy sô” rất nhiều môn, nhiều lớp. Cặp kính cận càng ngày càng dày lên khiến mọi người gọi thầy bằng cái biệt danh “thầy giáo nhìn đời qua thấu kính”. Thầy biết bệnh cận thị của mình sẽ càng ngày càng nặng nhưng không thể ngờ được là sẽ vĩnh viễn không bao giờ nhìn thấy ánh sáng.
Đó là một đêm đầu năm 2000, khi căng sức soạn giáo án và chấm bài thì chuyện khủng khiếp đã xảy ra. “Mắt tôi mờ dần, đau đớn... mọi thứ đều là một màu tối. Nước mắt tôi chảy nhòe nhưng không phải là khóc, tôi không thấy gì nữa. Võng mạc bị bong hoàn toàn” - thầy Khương nhớ lại. Mấy tháng điều trị ở Bệnh viện Mắt Trung ương nhưng mọi nỗ lực của các y bác sĩ đều tuyệt vọng, Khương biết rằng từ nay mình phải làm quen với thế giới của bóng tối! Ai cũng nghĩ, thực tế phũ phàng ấy sẽ quật ngã Khương, nhưng trong anh vẫn ấp ủ khát khao cháy bỏng được tiếp tục công việc dạy học cho trẻ thơ.
Sự quyết tâm, lòng nhiệt tình và yêu nghề của Khương đã được đền đáp khi ngày 11-9-2001, anh được nhận về công tác tại Trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP Đà Nẵng và đó cũng là thời điểm mà câu chuyện tình yêu cảm động với cô sinh viên khoa Văn Nguyễn Thị Hồng được viết lên những trang đầu tiên. Hồng hồi tưởng lại: “Hồi đó cậu cũng biết rồi đấy, bạn bè góp ý với mình trong chuyện tình cảm. Nhiều lúc mình cũng suy nghĩ, đắn đo nhiều lắm, nhưng rồi mình đã rất hạnh phúc với những tình cảm của anh ấy. Khiếm khuyết đôi mắt nhưng anh có trái tim nhân hậu và sống rất trách nhiệm. Mình rất hạnh phúc”. Sau khi Hồng tốt nghiệp, một lễ cưới nhỏ, đầm ấm được tổ chức: cô cử nhân Đại học Sư phạm hạnh phúc bên người chồng khiếm thị.
Vợ chồng bình thường mới cưới nhau đã gặp khó khăn, còn cuộc sống của Khương và Hồng là một núi những gian nan. Khi chưa có việc làm ổn định, người vợ phải cố sức “cày” để đủ sống. Ở nhà thuê, sáng dậy Hồng chở chồng lên trường bằng chiếc xe đạp cọc cạch rồi sau đó đi dạy kèm. Trưa về tạt qua trường chở anh về, chiều lại tiếp tục vòng xoay đó. Sau một năm thì Hồng được nhận vào dạy ở Trường THPT Phan Thành Tài (Hòa Vang, Đà Nẵng).
Câu chuyện cổ tích tiếp tục được viết bằng một màu sắc tươi sáng hơn, nhưng gia đình sư phạm ấy còn phải đánh vật với cuộc sống khắc nghiệt. Thầy Đức, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu nói về gia đình Khương – Hồng bằng một niềm cảm phục: “Một gia đình hiếm có. Sáng sớm, người vợ chở con ngồi trước, chồng ngồi sau. Gửi con xong là chở chồng tới đây, dắt lên tận nơi rồi chạy lên Trường Phan Thành Tài cách cả chục cây số dạy học. Nhà trường đang hết sức tạo điều kiện cho thầy Khương, nhưng trước hết chính họ đã đứng lên bằng bản lĩnh và nghị lực của mình. 5 năm qua, thầy đều là giáo viên giỏi cấp trường, giữ chức vụ Chi hội trưởng Chi hội Người mù của trường và là một trong 5 người của Trung ương Hội Người mù Việt Nam tham dự cuộc thi “Chữ Braille làm thay đổi cuộc đời tôi” do Hiệp hội Người mù Châu Á – Thái Bình Dương phát động”.
Năm sau, thầy Khương sẽ tốt nghiệp đại học tại chức chuyên ngành giáo dục đặc biệt. “Hiện tại tôi đã hoàn thành 2/3 chương trình do giảng viên Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội dạy. Khó lắm, nhưng phải học để xứng đáng với mình, với vợ và con mình”. Thầy Khương nói vậy vì nếu một mình học thì không thể học nổi. Các Giáo trình đại học đều được viết bằng tiếng Việt nên ngoài việc nghe giảng ở lớp còn phải qua một quá trình “biên dịch” để học ở nhà. Vậy là Hồng phải đọc các giáo trình đó để anh gõ qua chữ Braille, sau đó mới có tài liệu để học.
Một căn nhà nhỏ, vừa được cất lên từ đồng tiền tích lũy và vay mượn đồng nghiệp, bi bô tiếng nói cười của cậu nhóc 19 tháng tuổi Hoàng Văn Lộc, lạch cạch tiếng máy gõ chữ Braille. Anh Khương không mong đôi mắt có ngày sáng lại, chỉ mong được tiếp tục cuộc sống tuyệt vời này, bên vợ con và những học trò khiếm thị. Còn Hồng, không hề mặc cảm với bạn bè cùng trang lứa, rất trân trọng mái ấm của mình. Hỏi ước ao điều gì, cô bạn thật thà: “Chỉ muốn được chuyển về một ngôi trường gần nhà để sau khi gửi con đi nhà trẻ, chở chồng đến trường khỏi bị trễ các tiết dạy. Vì chắc chắn, đây sẽ là công việc suốt đời của vợ chồng mình”.
Theo Vietnamnet |