Vắt rừng không ngăn được sức trẻ
Những ngày cuối tháng 6, chuyến xe chở 70 tình nguyện viên Chiến dịch Tình nguyện hè của CLB Khởi nghiệp Kinh tế vượt hơn 60 km, từ trung tâm Đà Nẵng đến với xã miền núi Jơ Ngây. Ngoài bánh kẹo, các phần quà, nhu yếu phẩm tặng bà con, các tình nguyện viên còn mang theo gần 1.000 cây giống dược liệu để chuyển giao cây giống và kỹ thuật cho bà con Cơ Tu.
Cây dược liệu quý được các tình nguyện viên của CLB Khởi nghiệp Kinh tế trồng tặng đồng bào Cơ Tu |
Vừa đặt chân đến Jơ Ngây, CLB bắt tay ngay vào công việc. Ba nhóm tình nguyện viên rục rịch chuẩn bị dụng cụ, cho cây giống vào từng sọt nhựa lớn, sẵn sàng vận chuyển vào các thôn. “Sau khi tiền trạm để tìm hiểu thổ nhưỡng, khí hậu ở đây, CLB đã nhờ sự tư vấn của Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng và lựa chọn 2 giống cây dược liệu là ba kích và nghệ đen để trao tặng bà con. Đây là 2 giống dược liệu quý, tốt cho sức khoẻ và có nguồn cầu khá ổn định trên thị trường”, bạn Hà Thị Diệu Hiền, Chủ nhiệm CLB cho biết.
Các tình nguyện viên chiến dịch Tình nguyện hè của CLB Khởi nghiệp Kinh tế hỗ trợ các hộ đồng bào Cơ Tu trồng cây dược liệu ở vườn rừng của gia đình |
Gần 1.000 cây giống được các thành viên trong CLB hỗ trợ bà con Cơ Tu có hoàn cảnh khó khăn ở 3 thôn (Ra Nuối, Ra Đung và Ra Lang) trồng trong những mảnh vườn rừng của gia đình. Các tình nguyện viên đã hướng dẫn chi tiết bà con về kỹ thuật trồng, cách chăm sóc…“Khó khăn lớn nhất của chúng em là vận chuyển cây giống từ dưới xuôi lên đây và chuyển từ trung tâm xã vào các thôn. Đoạn đường di chuyển khá xa, cây giống lại là cây con nên cần sự chăm sóc kỹ càng”, bạn Trần Minh Toàn, thành viên CLB, nói.
Trước chiến dịch, các tình nguyện viên đều được các chuyên gia của Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng tập huấn về cách thức trồng, chăm sóc, các vấn đề liên quan đến cây trồng. Để trồng những vườn ba kích, nghệ đen xen canh dưới tán rừng, các tình nguyện viên phải làm việc từ khi mặt trời còn đứng bóng đến lúc nhập nhoạng tối, vừa di chuyển cung đường đèo dốc, vừa gieo những mầm xanh. Kiến rừng, vắt rừng cắn cũng không ngăn được sức trẻ.
“Sau tất cả, mong muốn giúp đỡ, hỗ trợ người dân đã giúp chúng em vượt qua những khó khăn trước mắt. Bà con cũng rất nhiệt tình xắn tay hỗ trợ để CLB hoàn thành công việc sớm hơn”, Hiền nói.
Trao sinh kế bền vững
Theo Chủ nhiệm CLB, ý tưởng tặng các vườn dược liệu cho bà con xuất phát từ giá trị lâu dài của việc “trao cần câu chứ đừng cho cá”. Jơ Ngây là xã khó khăn với diện tích đất rừng tương đối lớn, song người dân chỉ trồng keo và trồng lúa.
“Trồng keo khó và đòi hỏi nhiều sức lao động, đất trồng keo cũng sẽ dần bị xói mòn và “nghèo” chất dinh dưỡng. Sau mỗi vụ, người dân phải đốt rẫy để chuẩn bị cho một mùa vụ mới, gây ô nhiễm. Vì vậy, chúng em nghĩ đến cây dược liệu, lợi ích kinh tế chắc chắn sẽ cao hơn, vừa có thể giữ đất, giữ rừng, vừa duy trì và phát triển nguồn gen dược liệu bản địa”, Hiền chia sẻ.
“Đoàn xã phối hợp với cán bộ chuyên môn và bà con tiếp tục chăm sóc mô hình vườn cây dược liệu. Chúng tôi kì vọng mô hình này sẽ góp phần cải thiện và thay đổi đời sống của người dân địa phương”. Anh Ating Bi, Bí thư Đoàn xã Jơ Ngây |
Sau quá trình làm việc với chính quyền xã, CLB đã quyết định hỗ trợ công trình thanh niên này cho 12 hộ đồng bào Cơ Tu có hoàn cảnh khó khăn thụ hưởng và tiếp nối. “Gieo một mầm cây vào lòng đất, nảy mầm hạnh phúc nơi lòng người. Với hai giống dược liệu ba kích và nghệ đen, hy vọng trong tương lai, bà con sẽ có được sinh kế bền vững, cuộc sống khấm khá, đủ đầy hơn từ những vườn dược liệu”, Hiền bày tỏ.
Tại địa bàn tình nguyện, CLB Khởi nghiệp còn tổ chức hoạt động hướng nghiệp cho 60 em học sinh, thanh niên, các hộ gia đình được trao tặng cây dược liệu tại xã Jơ Ngây. Đích thân Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng - TS. Phạm Châu Huỳnh đã chia sẻ về cách phát triển kinh tế từ cây dược liệu.
Ngoài ra, chuyên gia gợi mở việc chế biến dược liệu ở dạng bán thành phẩm sẽ thu lợi nhuận cao hơn so với việc bán nguyên liệu thô; cách phát triển kinh tế từ nông nghiệp, đặc biệt là cây dược liệu bản địa… CLB cũng định hướng nghề nghiệp cho học sinh để có thể trở về phát triển quê hương, phát huy tinh hoa văn hóa đồng bào Cơ Tu, phát triển nông nghiệp mới tại địa phương.
Theo TP