![]() Ban Chấp hành Đảng bộ xã Xuân Khê (Lý Nhân, Hà Nam) họp bàn cách tháo gỡ khó khăn trong công tác phát triển đảng viên trẻ. |
Nỗi lo của đảng viên lớn tuổi
Thời tiết đầu Xuân Giáp Ngọ rét đậm cho nên bà con xóm 1, thôn Kim Thượng, xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý (Hà Nam) phải ra đồng sớm. Bác Nguyễn Văn Cảnh, Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bì bõm lội từ dưới ruộng lên tiếp chuyện chúng tôi. Trò chuyện với chúng tôi, bác cho rằng, công việc của một Bí thư chi bộ ở nông thôn như người có con mọn, luôn chân luôn tay không hết việc. Nhất là địa phương đang triển khai xây dựng nông thôn mới, ngoài việc đồng áng còn làm đường, xây dựng hương ước nếp sống văn hóa. Theo bác, chi bộ ở nông thôn lúc này rất cần có sức khỏe của một anh "lực điền", các đảng viên luôn đi tiên phong, lăn lộn sớm khuya thì mới có thể đưa những chủ trương, nghị quyết của Ðảng vào cuộc sống. Thế nhưng bác cũng rất lo lắng cho tình hình hiện nay. Chi bộ xóm 1, thôn Kim Thượng có 43 đảng viên thì 31 đồng chí đã hơn 30 năm tuổi đảng, kinh nghiệm nhiều nhưng để bám ruộng đồng lãnh đạo bà con CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn là việc rất khó.
Nhiều địa phương khác như tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang hay tỉnh thuần nông Thái Bình, tình trạng đảng viên lớn tuổi cũng là nỗi băn khoăn của nhiều chi bộ. Dẫn chúng tôi ra thăm con đường đất ngổn ngang gạch, đá, đồng chí Ðỗ Minh Sơn, Bí thư chi bộ thôn Ðại Ðồng, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư (Thái Bình) không giấu nổi lo lắng. Là thôn được chọn điểm trong xây dựng đường nông thôn mới, thế nhưng, chưa triển khai đã thấy vướng. Khi chi bộ thôn họp bàn, hai giải pháp được nhiều người tán thành là huy động sức người vào việc đắp đất, đổ đường và vận động đóng góp của con em đang sống và làm ăn xa quê. Thế nhưng đến phần phân công nhiệm vụ thì không đảng viên nào dám nhận. Bởi lý do, 80% số đảng viên của chi bộ thuộc diện "thất thập", các đảng viên trong Ban chi ủy tuổi cũng ngoài sáu mươi, nhiều người còn ốm đau. Họp vài ba hôm liền có đảng viên đã đổ bệnh chứ chưa nói gì đến lăn lộn với quần chúng, vận động nhân dân. Do vậy, nghị quyết chi bộ đề ra rồi, nhưng mọi việc thì cứ giậm chân tại chỗ
Thiếu đảng viên trẻ, không chỉ ảnh hưởng đến việc triển khai công việc ở thôn, xóm mà còn ảnh hưởng đến công tác cán bộ, tổ chức ở cơ sở. Nhiều địa phương, có đảng viên hơn 80 tuổi vẫn phải giữ vị trí lãnh đạo. Bác Nguyễn Thị Anh, người có tới ba khóa liên tiếp được các đảng viên tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ thôn An Dương, xã Mỹ Thọ, huyện Bình Lục (Hà Nam) chia sẻ: Lâu nay việc đào tạo đội ngũ kế cận ở chi bộ chưa bao giờ hoàn thành tốt. Chi bộ có 29 đảng viên, chỉ có bốn đồng chí dưới 50 tuổi, nhưng năng lực hạn chế... Ðảng viên dưới 30 tuổi lại càng hiếm cho nên cứ loay hoay tìm nguồn thay thế mà chưa được. Trước năm 2011, tỉnh Bắc Giang có nhiều trưởng thôn, xóm vi phạm kỷ luật trong quản lý đất đai, gây bức xúc trong nhân dân. Tìm hiểu nguyên nhân cho thấy, các chi bộ thôn, xóm này thiếu nguồn đảng viên để giới thiệu bầu chức trưởng thôn cho nên đành "so bó đũa, chọn cột cờ", dẫn tới chất lượng đội ngũ trưởng, phó thôn không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ
Biến động từ đội hậu bị
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thị Mỵ, Bí thư Huyện ủy Thái Thụy (Thái Bình) cho rằng, tình trạng đảng viên nông thôn lớn tuổi có nguyên nhân chính là thiếu nguồn dự bị để kết nạp Ðảng. Nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh ủy, huyện ủy các địa phương cũng chung quan điểm. Khi kinh tế đất nước phát triển thì thanh niên nông thôn cũng có điều kiện phát huy năng lực, trí tuệ và có nhiều cơ hội chọn lựa việc làm. Cộng thêm sự chênh lệch cao về mức sống, thu nhập giữa nông thôn và thành thị, đã tạo ra làn sóng ly nông, ly hương mạnh mẽ. Những thanh niên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng hầu hết "bám trụ" tại các đô thị. Những thanh niên nông thôn có sức khỏe thường tìm đến làm công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc xuất khẩu lao động. Thôn Ðại Ðồng, huyện Vũ Thư (Thái Bình), thống kê trên sổ sách có hơn 100 đoàn viên, thanh niên, nhưng ở lại thôn chỉ còn bốn, năm người. Về nhiều vùng quê, chúng tôi gặp chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, tác động của mặt trái cơ chế thị trường đưa đến thực trạng không ít người nhận thức sai về động cơ phấn đấu vào Ðảng, hoặc không muốn tham gia vào các tổ chức chính trị, xã hội của một bộ phận thanh niên.
Mặt khác, dễ nhận thấy là nhiều cấp ủy, chi bộ ở nông thôn chưa quan tâm đúng mức đến công tác bồi dưỡng phát triển đảng viên mới, thiếu tính chủ động, chưa khắc phục khó khăn để tìm nguồn, để vận động giáo dục rèn luyện quần chúng. Hoạt động của chi bộ ở nhiều vùng nông thôn còn mờ nhạt, thiếu tính chiến đấu và khả năng lãnh đạo, vai trò tiên phong gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao. Ðiển hình là chi bộ thôn Lôi Châu, xã An Thịnh, huyện Lương Tài (Bắc Ninh), qua 34 năm không kết nạp được đảng viên nào. Khi về đây, chúng tôi được nhiều đảng viên phản ánh về sức ỳ của chi bộ có quá nhiều đảng viên lớn tuổi. Nhiều đảng viên không lo bồi dưỡng, giúp đỡ quần chúng mà luôn thể hiện quan niệm bảo thủ, cứng nhắc khiến quần chúng nhụt ý chí phấn đấu.
Những giải pháp từ cơ sở
Giao chỉ tiêu phát triển đảng viên, coi đó là một tiêu chí quan trọng để đánh giá tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh là cách làm có hiệu quả ở nhiều địa phương. Ðể thực hiện tốt, nhiều cấp ủy đảng chủ động nắm bắt vướng mắc cụ thể của địa phương, từ đó có giải pháp tháo gỡ phù hợp. Năm 2010, huyện Lục Nam (Bắc Giang) có 63/316 chi bộ nông thôn năm năm liền không kết nạp được đảng viên. Huyện ủy nhận thấy có một số lượng lớn quần chúng trong các thôn, xóm đủ năng lực, phẩm chất để bồi dưỡng kết nạp nhưng trình độ văn hóa chưa đạt THCS theo quy định Ðiều lệ Ðảng. Từ đó, Huyện ủy Lục Nam chỉ đạo đảng ủy các xã, thị trấn khảo sát thực trạng những quần chúng ưu tú có nguyện vọng vào Ðảng nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THCS, đồng thời phối hợp với Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện tổ chức dạy bổ túc văn hóa cho các đối tượng này. Ðồng chí Thân Văn Dàn, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lục Nam cho biết: Ban đầu việc vận động quần chúng đi học không hề đơn giản vì họ nghỉ học đã lâu; một số xây dựng gia đình và sinh con, đang làm ăn yên ổn cho nên rất ngại ra lớp. Từ thực tế đó, huyện ủy phân công các đồng chí huyện ủy viên theo dõi địa bàn phối hợp các ban, ngành, đoàn thể ở thôn, xóm đến gặp gỡ từng người nhằm khích lệ, động viên. Với giải pháp này, từ năm 2011 đến nay, huyện Lục Nam kết nạp gần 200 đảng viên tuổi từ 23 đến 45, vượt 34% chỉ tiêu đề ra.
Cũng tại tỉnh Bắc Giang, để tạo nguồn phát triển đảng viên trẻ, nhiều cấp ủy đảng đã chú trọng các đối tượng là bộ đội xuất ngũ, quân dự bị động viên, dân quân tự vệ. Trao đổi với phóng viên, đồng chí Ngô Văn Nam, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết: Ðể chủ động hơn trong tạo nguồn là các đối tượng này, trước khi các thanh niên của tỉnh lên đường nhập ngũ đều được các cấp ủy đảng chọn lọc, giới thiệu theo học lớp bồi dưỡng lý luận cảm tình Ðảng. Ðồng thời cấp ủy địa phương phối hợp chặt chẽ các cấp ủy đảng quân đội trong việc tiếp tục theo dõi, bồi dưỡng để có thể kết nạp các đồng chí này ngay trong quân ngũ. Nhờ vậy, hằng năm các chi bộ nông thôn ở tỉnh Bắc Giang được bổ sung lực lượng khá lớn đảng viên trẻ là bộ đội xuất ngũ.
Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội trong tạo nguồn đảng viên trẻ là cách làm hay của Ðảng ủy xã Ðồng Hóa, huyện Kim Bảng (Hà Nam). Thông qua việc giao nhiệm vụ cụ thể cho các đoàn thể, từ đó có các phong trào để đánh giá động cơ phấn đấu của các đoàn viên, hội viên. Mỗi nhiệm vụ được giao đều được cấp ủy nghiên cứu kỹ, phù hợp với phương thức hoạt động đặc thù của các hội, đoàn thể đồng thời gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chi bộ thôn xóm trực tiếp theo dõi chung để kịp thời tháo gỡ khó khăn và phát hiện những nhân tố tích cực làm nguồn bồi dưỡng phát triển đảng viên. Với cách này, năm 2013, Ðảng bộ xã đã kết nạp được năm đảng viên tuổi từ 27 đến 35, trong đó có ba đảng viên nữ. Nhờ được bổ sung lực lượng đảng viên mới thường xuyên cho nên tuổi đời bình quân của đảng viên ở Ðảng bộ xã Ðồng Hóa cũng dần được trẻ hóa, từ 60 xuống còn 51 tuổi. Tuy tốc độ trẻ hóa chưa nhanh nhưng xã Ðồng Hóa là địa phương có độ tuổi bình quân của đảng viên trẻ nhất tỉnh Hà Nam hiện nay.
Tạo hướng cho thanh niên nông thôn lập nghiệp làm giàu là cách làm của Ðảng ủy phường Vạn An, TP Bắc Ninh (Bắc Ninh) nhằm phát triển đảng viên trẻ. Về thôn Thượng Ðồng, chúng tôi đến thăm mô hình trồng rau xanh trái vụ và hoa tươi của đảng viên trẻ Tống Văn Thủy. Sinh năm 1980, học hết lớp 12, đã nhiều lần định theo bạn bè ra tìm việc tại các khu công nghiệp. Nhưng nhìn cánh đồng tươi tốt quê nhà, anh đã nghĩ đến việc tại sao không làm giàu bằng sản xuất nông nghiệp. Biết được tâm sự của Tống Văn Thủy, các đồng chí trong Chi bộ thôn, Ðảng bộ phường đã động viên, tạo điều kiện để anh đấu thầu đất trồng màu và giới thiệu các lớp học chuyển giao ứng dụng công nghệ. Sau khi áp dụng kỹ thuật mới, những ruộng su hào, khoai tây, cà chua của anh đã cho sản lượng, chất lượng cao. Cũng nhận thấy nhu cầu hoa tươi của thành phố rất lớn, anh đã mở rộng sản xuất sang trồng các loài hoa lan, hồng, ly... Giờ đây, trang trại của anh đã trở thành một đầu mối cung cấp rau xanh và hoa tươi với khối lượng lớn cho thành phố. Vừa lao động, vừa có điều kiện tham gia sinh hoạt các phong trào địa phương, Tống Văn Thủy nhanh chóng được bồi dưỡng, kết nạp và trở thành một đảng viên trẻ, cán bộ thôn gương mẫu. Mô hình sản xuất của anh được nhiều bạn trẻ ở nhiều nơi đến tham quan, học tập. Tống Văn Thủy cũng đã quyết định ở lại quê hương làm giàu.
Theo chúng tôi, dù các giải pháp nêu trên đã mang lại hiệu quả khá tốt trong phát triển đảng viên nhưng bên cạnh việc tiếp tục phát huy, cần chú trọng đến các giải pháp lâu dài. Ðó là cần hạn chế làn sóng ly hương, ly nông đang ngày càng gia tăng ở khu vực nông thôn. Muốn vậy, trước hết cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thông qua việc đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới cùng với các mục tiêu quốc gia về nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường thu hút đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ năng lực về khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để sớm xây dựng nông thôn thành khu vực sản xuất hàng hóa quan trọng, có sức hút lớn về kinh tế và việc làm.
Theo Nhân Dân |