Góp sức trẻ vì cộng đồng
Trong những ngày hè, tại bản Lè (xã Châu Hội, H.Quỳ Châu), thanh niên ra đồng nạo vét kênh mương, be bờ đắp đập, dẫn nước về ruộng cho bà con nông dân chuẩn bị vụ mùa. Trên đoạn mương dài khoảng 100 m với những bờ kè bị sạt lở, các thanh niên đã chuyền tay nhau từng bao đất để kè lại. Những nơi bị đất đá bồi lấp, các bạn trẻ cùng nhau nạo vét để khơi thông dòng chảy, đưa nước về những mảnh ruộng khô cằn.
Chia sẻ về hoạt động này, anh Lim Minh Sáng, Bí thư Đoàn xã Châu Hội, cho biết bản Lè có 100% bà con người dân tộc Thái. Bà con chủ yếu sống bằng nghề nông, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhiều gia đình có người thân đi làm ăn xa nên công việc làm ruộng nương cũng bị hạn chế.
"Đã vào vụ mùa nhưng để làm đất, gieo mạ cần phải khơi thông khoảng 100 m kênh mương mới dẫn nước về ruộng được. Trước nhu cầu của người dân, Đoàn xã đã phát động chiến dịch xuống ruộng giúp dân. Khoảng 35 thanh niên trong toàn xã và các thanh niên đi xa về nghỉ dịp hè đã đến bản Lè, giúp dân khơi thông kênh mương dẫn nước về ruộng. Nhờ thế, mà bà con đã sớm làm đất, kịp gieo cấy vụ mùa", anh Sáng chia sẻ.
Nhờ có sự giúp sức của đoàn viên, thanh niên mà chỉ trong một buổi sáng, công việc đã hoàn thành, rút ngắn thời gian làm ruộng 3 - 4 ngày cho bà con nông dân. "Bà con xúc động cảm ơn anh em thanh niên đã về bản giúp đỡ để họ có thể cấy lúa, đảm bảo có hạt gạo trong nhà", anh Sáng kể.
Là một trong những thanh niên tham gia hoạt động này, anh Vi Văn Châu (22 tuổi, xã Châu Hội) chia sẻ được giúp bà con, anh rất vui vì qua đó đã gắn kết cộng đồng. "Đoàn viên, thanh niên trong xã không có nguồn lực bằng vật chất. Chúng tôi chỉ đóng góp bằng sức người để làm những công việc thiết thực, giúp dân", anh Châu bộc bạch.
Gìn giữ văn hóa bản địa
Cũng tại H.Quỳ Châu, trong dịp hè năm nay, Huyện đoàn đã tiếp tục triển khai mô hình "Lớp học văn hóa Thái miễn phí cho đoàn viên, thanh niên" tại xã Châu Tiến. Tại đây, có 4 lớp học miễn phí về văn hóa bản địa gồm: lớp dạy chữ Thái; lớp dạy hát các làn điệu dân ca, điệu múa truyền thống; lớp dạy cách chơi các nhạc cụ dân tộc Thái và dạy thêu thùa các hoa văn đặc trưng của người Thái. Lớp học nhằm giúp bảo tồn các văn hóa bản địa và cũng là nơi giao lưu, chia sẻ của những học viên đam mê tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc Thái.
Lớp học được tổ chức tại nhà văn hóa cộng đồng bản Hoa Tiến (xã Châu Tiến) với gần 100 học viên tham gia hoàn toàn miễn phí. Anh Lãnh Văn Mùi, Bí thư Đoàn xã Châu Tiến, cho biết đây là năm thứ 2 lớp học được triển khai trên địa bàn, đã thu hút được rất đông học sinh và cả người dân trong xã tham gia.
Anh Mùi cũng cho biết với mong muốn thế hệ trẻ là lớp kế cận gìn giữ văn hóa của dân tộc mình, Đoàn thanh niên xã đã mở các lớp dạy miễn phí về các bản sắc văn hóa Thái. Từ đó, phát huy tinh thần tình nguyện của tuổi trẻ, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, đây cũng là chương trình ý nghĩa ngày hè, giúp cho các thanh thiếu nhi trên địa bàn rời xa các thiết bị điện tử để giao lưu với cộng đồng.
"Lúc đầu mới mở lớp, số thanh thiếu nhi tham gia không nhiều. Chúng tôi đã đến từng gia đình tuyên truyền, vận động, nhờ các giáo viên, già làng, trưởng bản cùng vận động. Bây giờ thì lớp học đông rồi, chỉ vừa thông báo mở lớp đã có rất nhiều người đăng ký tham gia", anh Mùi phấn khởi chia sẻ.
Đặc biệt, những nghệ nhân tham gia dạy văn hóa cho học viên không chỉ có nghệ nhân cao tuổi của bản, làng mà có cả những thanh niên am hiểu văn hóa Thái đã sẵn sàng bỏ công việc cá nhân, đến lớp học truyền dạy cho các em. Hiện nay, lớp học được dạy cả ngày, từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần.
Là một người Thái yêu thích văn hóa dân tộc mình, Lữ Văn Nghĩa (20 tuổi, sinh viên Học viện Hành chính quốc gia) đã hăng hái tham gia dạy chữ Thái tại những lớp học này. Nghĩa cho biết đã nghiên cứu và học hỏi về chữ viết của người Thái từ khi còn học THCS. "Khi đã có vốn kiến thức và am hiểu về chữ viết của đồng bào dân tộc mình, em muốn chia sẻ, lan tỏa văn hóa Thái đến tất cả mọi người, nhất là lớp trẻ", Nghĩa nói.
Năm nay, ngay sau khi nghỉ hè, thay vì đi làm thêm để có thu nhập, Nghĩa đã rời Hà Nội về quê nhà, tham gia dạy miễn phí về bản sắc văn hóa Thái cho các em thiếu nhi và bà con.
Chia sẻ về các mô hình hoạt động tình nguyện hè ý nghĩa trên địa bàn, chị Phan Thị Quỳnh Châu, Bí thư Huyện đoàn Quỳ Châu, cho biết Quỳ Châu là huyện miền núi, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn. Chính vì thế, trong mùa hè tình nguyện, Đoàn thanh niên luôn khảo sát nhu cầu của người dân để thực hiện những công trình, phần việc có giá trị thiết thực nhất. "Chúng tôi không có những công trình lớn hay những hỗ trợ lớn bằng vật chất, mà luôn vận động thanh niên phát huy tinh thần của tuổi trẻ, hướng tới những công việc hiệu quả, thiết thực, hỗ trợ cho người dân", chị Châu cho biết.
Theo TN