Sau một thời gian tích cực thực hiện, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Đồng Văn Quyền - phó viện trưởng Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, và PGS.TS Đinh Duy Kháng đã chế tạo thành công bộ Kit phát hiện SARS-CoV-2.
Sau khi được thử nghiệm tại Viện Công nghệ sinh học, chiều 2-3, bộ Kit cũng được công nhận đạt kết quả ngoại kiểm của Viện Y học dự phòng quân đội, Bộ Quốc phòng. Bộ Kit chẩn đoán SARS-CoV-2 của Viện Công nghệ sinh học được Viện Y học dự phòng quân đội kiểm nghiệm đạt kết quả có độ nhạy và độ đặc hiệu tương đương với bộ Kit realtime RT-PCR của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với độ đặc hiệu 100%, độ nhạy là 5 copies/phản ứng.
Kết quả nghiên cứu này khẳng định Việt Nam đã làm chủ công nghệ hiện đại và hoàn toàn chủ động trong việc sản xuất bộ Kit realtime RT-PCR dùng để chẩn đoán SARS-CoV-2 tại Việt Nam, không phụ thuộc vào việc nhập ngoại cũng đang trong tình trạng khan hiếm.
Bộ Kit được phát triển dựa trên công nghệ realtime RT-PCR - công nghệ "vàng" được WHO khuyến khích trong chế tạo KIT thử - và trên cơ sở các bộ mồi và mẫu dò được thiết kế và chỉnh lý dựa trên các gen, vùng gen quan trọng của SARS-CoV-2 được phân lập tại Việt Nam mà nhóm nghiên cứu đã giải trình.
Vật liệu được sử dụng để phát hiện bộ Kit chẩn đoán là mẫu RNA đã được tác chiết từ SARS-CoV-2 gây cho bệnh nhân Việt Nam do Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cung cấp, các gen cũng như các vùng gen được nhân dòng từ RNA của SARS-CoV-2 để làm mẫu cho việc nghiên cứu và cung cấp các trình tự cho việc thiết kế các bộ mồi và mẫu dò.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng sử dụng các mẫu RNA của một virus gây bệnh đường hô hấp ở người do Bệnh viện Trung ương quân đội 108 và Viện Y học dự phòng quân đội cung cấp.
Theo đại diện Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, thời gian tới viện sẽ phối hợp với Viện Y học dự phòng quân đội sản xuất số lượng nhiều phục vụ xét nghiệm quy mô lớn.
Việc Việt Nam chế tạo thành công bộ Kit phát hiện SARS-CoV-2 có độ nhạy và độ đặc hiệu tương đương với bộ Kit realtime RT-PCR của WHO được các chuyên gia đánh giá là có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp Việt Nam có thể chủ động trong sàng lọc, chẩn đoán bệnh.
Ngoài kết quả vừa được công bố của Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam, một số đơn vị nghiên cứu khác của Việt Nam cũng đang tham gia vào việc nghiên cứu chế tạo bộ Kit phát hiện virus corona. Trong đó, Bộ Khoa học và công nghệ cũng xét giao trực tiếp cho Học viện Quân Y phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real time RT-PCR nhằm phát hiện chủng virus corona mới.
Đồng thời giao cho Công ty TNHH một thành viên sinh hóa Phù Sa - Biochem chủ trì phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM và Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ - Sở Khoa học và công nghệ Cần Thơ thực hiện nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc chủng mới của SARS-CoV-2.
Còn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng công bố chế tạo thành công bộ Kit thử SARS-CoV-2. Tuy nhiên bộ Kit thử của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Bách khoa Hà Nội không phải bằng công nghệ realtime RT-PCR - công nghệ "vàng" được WHO khuyến khích.
Theo TTO
T.LN2