Tại Việt Nam, chi phí điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện do bảo hiểm y tế chi trả. Miễn chi phí cho người đi cách ly tập trung.
Đối với khu vực bị phong tỏa, kinh phí từ ngân sách nhà nước giúp cung cấp thực phẩm miễn phí (Hà Nội) hoặc cấp tiền (40.000 đồng/người/ngày - Vĩnh Phúc)...
Trong khi đó tại Mỹ, hiện có 27,5 triệu người không có bảo hiểm và hàng chục triệu người chưa có bảo hiểm ở mức cần thiết. Theo báo Denver Post, tuần vừa rồi gần 500 chuyên gia y tế và học giả trong ngành này đã cùng ký thư gửi tới nhà chức trách liên bang, kiến nghị việc chính phủ nên thanh toán chi phí y tế liên quan dịch bệnh COVID-19 để phòng dịch lây lan.
Theo ông John Graves - chuyên gia chính sách y tế tại Đại học Vanderbilt, hệ thống bảo hiểm y tế của Mỹ "được thiết kế theo cách khiến cho mọi người phải cân nhắc mỗi khi nghĩ tới việc tìm chỗ điều trị lúc bị sổ mũi, sốt và ho".
Bất kể những nỗ lực điều chỉnh đang diễn ra, cho tới nay, theo báo New York Times, những người muốn được xét nghiệm và điều trị các bệnh hô hấp như COVID-19 đều có nguy cơ phải trả những hóa đơn "khủng".
Cuối tháng 1-2020, một người dân ở Miami phàn nàn việc anh phải trả hóa đơn 3.270 USD của Bệnh viện Jackson Memorial chỉ vì làm các xét nghiệm virus corona và sau đó biết là mình không mắc bệnh. Ở thành phố Denver, một phụ nữ có những dấu hiệu bị cúm đi xét nghiệm corona và dù không bệnh vẫn phải nhận hóa đơn 4.500 USD.
Tại Singapore, Bộ Y tế nước này ban hành quy định mới, theo đó miễn phí xét nghiệm COVID-19, nhưng người nước ngoài bị bệnh họ phải tự thanh toán mọi chi phí điều trị khoảng 6.000-8.000 SGD (4.300-5.800 USD). Quy định này áp dụng từ ngày 7-3-2020.
Công dân Singapore và những người được thường trú tại đây như những người có visa dài hạn để làm việc, học tập và các visa phụ thuộc khác thì được chữa miễn phí.
Tại Trung Quốc, theo tạp chí Vox, Trung Quốc miễn phí xét nghiệm, điều trị bệnh COVID-19 cho cả những người bệnh không có bảo hiểm y tế hoặc có bảo hiểm.
Nguồn TTO
T.LN3