Sáng sớm, vợ chồng Thành An, Mỹ Thuận (cùng 26 tuổi) thường bị đánh thức bởi đủ thứ tiếng động quanh nhà: tiếng chim chóc, gió xào xạc, tiếng chó chơi đùa hay những âm thanh không tên nhưng nghe dễ chịu, yên bình.
Thong thả vệ sinh cá nhân, ăn sáng, khoảng 8h, cặp vợ chồng trẻ vác cuốc, đội mũ đi làm. Có thể là ra ngay mảnh vườn trồng đủ thứ rau gần nhà nhặt đám cỏ dại. Có khi là phóng xe ra rẫy cà phê, mắc ca.
"Miệt mài làm việc đến tối, khi nào mặt trời khuất bóng, muỗi vo ve chực đốt thì về", hai vợ chồng hài hước kể.
Mỹ Thuận, Thành An cùng quyết định rời TP.HCM về Đắk Nông sinh sống. |
Nhịp sống này gắn liền với An và Thuận hơn 2 năm nay. Rời bỏ Sài thành náo nhiệt về miền rừng núi ở Đắk Nông, đôi trẻ vẫn đang từng ngày vun đắp cho “miền đất hứa” của mình.
Rời Sài Gòn
Thành An và Mỹ Thuận quen nhau từ năm nhất đại học, khi cả hai đều là sinh viên trường Đại học Tài chính - Marketing. Tuy nhiên, hai người nhanh chóng mất liên lạc. Phải tới 3 năm sau, khi tình cờ gặp lại ở sân trường, cả hai mới giữ liên lạc rồi nhanh chóng thân thiết.
“Có lần An rủ leo núi Bà Đen ở Tây Ninh, mình tính vốn thích trải nghiệm nên đồng ý và 2 đứa cùng leo được đến đỉnh luôn. Sau lần đó, bọn mình hay cùng đi cà phê, làm bài tập rồi bắt đầu yêu nhau”, Mỹ Thuận.
Trong mắt cô gái quê Lâm Đồng, chàng trai sinh ra và lớn lên ở TP.HCM là người sống rất tình cảm, ân cần nhưng quyết tâm, thẳng thắn và chính trực.
Khi ra trường, Thuận và An đều có công việc ổn định với mức lương khá. Ngoài công việc chính, đôi trẻ hợp tác cùng một người bạn bán hạt mắc ca, việc kinh doanh khá thuận lợi.
Thấy mọi thứ ổn, Thuận tính với An sẽ tìm đất làm nông trại, tự chủ luôn nguồn nguyên liệu và kiểm soát chất lượng. Cuộc sống giản dị với ngôi nhà gỗ, mảnh vườn nhỏ cũng là mong muốn ấp ủ từ lâu của cô gái quê Lâm Đồng.
Nghĩ là làm, đôi trẻ bắt đầu những buổi rong ruổi tìm địa điểm gieo trồng. Khi gặp mảnh đất rộng 10 ha cách trung tâm xã Quảng Sơn khoảng 10 km, xung quanh chủ yếu là rừng núi, cả hai đều ưng ý.
“Cái ngày lên xem đất, nhìn thấy có căn nhà bên hồ nước, bọn mình không nói ra nhưng đều thầm nghĩ bản thân thuộc về nơi này”.
Ban đầu, Thuận và An chỉ nghĩ về làm nông trại chứ chưa định ở luôn. Tuy nhiên từ khi gắn bó, hai người ngày càng yêu thích căn nhà này, vùng đất này, nên quyết định sống ở đây luôn.
“Lúc đầu mới cọc đất xong thì lo lắng nhiều, dần dần mình lên kế hoạch thiết kế vườn, dấn thân vào làm, thế là không còn sợ hay lo gì nữa".
Thử thách
Tất nhiên, quyết định bỏ phố về vườn, nhất là khi đang có việc làm ổn định của đôi trẻ khiến nhiều người khó hiểu, thậm chí từng vấp phải sự phản đối từ gia đình.
“Lần đầu mình trình bày với ba mẹ việc đầu tư trồng mắc ca, cả gia đình đều ngăn cản. Mình cũng thấy buồn một chút nhưng thôi, kêu gọi đầu tư chưa được thì mình chứng minh bằng thành quả.
Sau đó, mình tiếp tục bán mắc ca. Lúc nào cũng cháy hàng. Trong các khách mua cũng có bạn của mẹ nên bà mới thấy có chút hy vọng. Mình thấy có cơ hội nên tìm hiểu kĩ về kỹ thuật canh tác cây mắc ca rồi về gọi vốn lại với ba mẹ. Lần này ba mẹ không phản đối nữa”, Thuận kể.
Sau 3 tháng hai con lên rẫy, mẹ An đến thăm hai vợ chồng. Thấy con trai sụt tận 7 kg, bà xót, muốn hai con về lại thành phố. Hai người lại từ từ thuyết phục, rồi mẹ cũng yên tâm về lại Sài Gòn. Những lần sau lên thăm, thấy cuộc sống của Thuận, An ổn định hơn, bà còn bày cho trồng cây nọ, cây kia để tăng thu nhập.
Cặp vợ chồng trẻ rời thành phố về quê đã được hơn 2 năm. |
Cứ như vậy, khu dân cư thưa người ở xã Quảng Sơn bắt đầu làm quen với sự có mặt của hai người trẻ từ phố thị.
“Nhiều người ở đây nói không hiểu sao bọn mình học hành tử tế, lương bổng có mà vào rừng làm gì. Tụi mình không để tâm mà cứ dành thời gian tập trung làm và tận hưởng cuộc sống, thành quả sẽ thuyết phục mọi người”, Thuận tâm sự.
Hơn 2 năm “về vườn”, cặp vợ chồng trẻ dần trở thành những nông dân chính hiệu. Không còn những bộ đồ công sở, giày cao gót hay vest lịch lãm, Thuận, An ngày ngày đi ủng, đội nón, áo phông lúc nào cũng lấm lem bùn đất.
Có sức trẻ, sự quyết tâm song điều đó chưa phải là tất cả để giúp hai vợ chồng đương đầu với những khó khăn của cuộc sống ở núi rừng.
Có lần, An đang cưa củi thì bị cưa trúng chân, chảy nhiều máu. Thuận không rành chạy xe côn tay, đành gọi người anh quen biết qua chở An đi giúp, khâu 3 mũi ở trạm y tế rồi về.
Có lần Thuận bị sốt, chạy ra trạm xá khám rồi bác sĩ kêu về theo dõi. An một tay chăm sóc, hái lá quanh vườn nấu nồi xông, nấu cháo, rồi Thuận cũng hết bệnh.
Hai người tự học cách trồng trọt, canh tác các loại cây trái. |
Mùa mưa, đường đất trơn trượt nên mỗi lần đi đâu, cả hai phải căng tay lái nếu không muốn “vồ ếch”. Ở đây cũng phải dùng máy thuỷ điện nhỏ vì không có điện lưới, chỉ đủ dùng để thắp sáng, sóng điện thoại chập chờn, không có 4G, rắn rết, bọ cạp thì gặp như cơm bữa. Cũng vì điện yếu, Thuận muốn sắm chiếc máy ép rau củ uống vẫn chưa làm được.
Đỉnh điểm, chú chó cưng tên Chuột của hai người bị bệnh và không qua khỏi. Lúc đó, tiền túi hai người cũng cạn vì đã đổ vào hết trồng cây.
“Mọi chuyện xảy ra cùng lúc khiến bọn mình có chút nản, muốn bỏ cuộc, bán đất về lại Sài Gòn. Đến khi về thành phố được vài hôm thì thấy nhớ rừng quá, lại quay về làm tiếp”.
Không hối hận
Từ những cô cậu chân ướt chân ráo ở thành phố về làm nông, đến nay, “cơ ngơi” của Thuận và An là 10 ha đất vườn, 2 ha cà phê, 2 ha mắc ca, 1.000 gốc chuối, 100 cây mít ta, ít bơ, sầu riêng và cây ăn trái. Hai người còn có khu đất 1 ha trồng thảo dược, rau để ăn.
Ngoài canh tác cây ăn quả, hoa màu, đôi trẻ bán cà phê rang xay, dầu gội bồ kết tự nấu. Năm qua, dù dịch Covid-19 hoành hành, cuộc sống của cặp vợ chồng không bị ảnh hưởng nhiều, nhịp sống cũng ít thay đổi bởi cả hai chủ động làm việc tại nhà.
Về quê, da ngăm hơn, tay chân dính đất, đầu tóc tả tơi suốt ngày. Nhưng với Thuận và An, đó là những điều làm nên cuộc sống hạnh phúc của hai người ở “miền đất hứa”.
Đôi trẻ hài lòng với cuộc sống hiện tại. |
“Xưa ngồi nhà gọi trà sữa tận tay, giờ là ở nhà pha trà uống thôi. Trước đây, mình không nghĩ cuộc sống ở vườn như vậy đâu, hoá ra nó không màu hồng cho lắm, mà màu xanh vì nhiều cây”, Thuận hóm hỉnh.
Trước mắt, hai người dự định trồng nhiều cây rừng và dược liệu hơn để có vùng nguyên liệu nấu dầu gội. Khi việc kinh doanh, trồng trọt ổn định hẳn, cả hai sẽ qua những làng bên cạnh để xây thư viện cho trẻ em.
Cặp vợ chồng cùng tuổi cũng chưa có nhiều kế hoạch có con. Nhưng nếu có, cả hai đều đồng ý để con tự phát triển theo sở thích.
“Đi học ở trường cũng được, không đi cũng được hay ở nước ngoài, bất kỳ ở đâu đều được, quan trọng nhất là con yêu thích và tụi mình tạo được môi trường thuận lợi nhất cho con”, Thuận chia sẻ.
Theo Zing.vn