Tôi quen biết bác sĩ Nga trong một chương trình giao lưu sống đẹp được tổ chức tại TP.HCM hồi cuối năm ngoái, chị Nga hiện đang là Trưởng nhóm y, bác sĩ thiện nguyện vì người nghèo ở TP.Thủ Đức.
Câu chuyện vợ chồng bác sĩ Nga - Đỗ Huy dành tiền xây nhà lưu trú 0 đồng ở P.Long Phước (TPThủ Đức) cho bệnh nhân có lẽ là chẳng ai không biết. Đặc biệt còn một câu chuyện thú vị khác của nữ bác sĩ này là 26 năm qua chị chưa từng đón giao thừa tại nhà.
Vậy chị đi đâu vào lúc đất trời giao hòa chuyển mùa. Câu trả lời là chị Nga cùng anh chị em trong nhóm đi phát quà thiện nguyện cho các cô chú vô gia cư, lao động nghèo khó không có điều kiện về quê ăn tết, tha hương trong đêm mưu sinh trong lúc nhà nhà, người người sum vầy bên gia đình.
Lúc bác sĩ Nga mới sinh con, chị còn liều để con ở nhà một mình trong khi chồng đi công tác để đi phát quà thiện nguyện, san sẻ khó khăn và mang chút tình sưởi ấm giá lạnh cho bà con nghèo. Khi con cứng cáp, chị địu luôn con ra đường trong đêm giao thừa, ân cần tặng quà, động viên cô chú nghèo khó sống vui, sống tốt tại thành phố bao dung, luôn có chỗ cho người nghèo.
Để tránh trao nhầm đối tượng, nhóm sẽ khảo sát kỹ trước tết. Với phương châm của cho không bằng cách cho, mỗi suất quà của nhóm không chỉ mang vật chất mà còn chứa đầy tình cảm, sự sẻ chia của những trái tim nhân ái.
Năm nay, mỗi lần tôi hỏi thăm bác sĩ Nga về kế hoạch "Xuân yêu thương", chị liên tục cập nhật cho tôi những con số mới vì các suất quà tăng dần do có thêm các nhà hảo tâm ủng hộ.
Ngoài ra, nhóm y, bác sĩ thiện nguyện vì người nghèo còn tặng 80 suất quà tết cho người già neo đơn, người khuyết tật và gia đình đặc biệt khó khăn tại P.Hiệp Phú, P.Long Phước, TP.Thủ Đức. Riêng 80 suất quà tết này là do vợ chồng bác sĩ Nga – lương y Đỗ Huy tài trợ.
Gần 15 năm nay bác sĩ Nga và nhóm đã tổ chức nấu cơm, cháo miễn phí tặng các bệnh nhân nghèo, người vô gia cư hoặc lao động khó khăn, sinh viên nghèo. Hằng tuần vào thứ 3 và thứ 5, tại nhà bác sĩ Nga ở số 63 Man Thiện đều phát từ 200 – 300 suất cơm miễn phí, riêng chủ nhật nhóm phát cháo tại các bệnh viện.
Có một tuổi thơ nhiều thời gian nằm bệnh viện, bác sĩ Nga hiểu được sự vất vả, cô đơn của các bệnh nhân tỉnh xa về thành phố chữa trị, đó cũng chính là động lực để chị xây nhà lưu trú 0 đồng. "Một ngày tiếp nhận từ 30 - 40 bệnh nhân đến lưu trú, tôi mua sẵn đầy đủ thực phẩm, các cô chú tự nấu ăn như một gia đình, tôi cảm thấy rất hạnh phúc", chị Nga chia sẻ.