Xao xuyến mùa hoa sơn tra Lai Châu
(CTG) Mỗi độ hoa sơn tra (táo mèo) nở, đi khắp các bản người Mông ở Lai Châu, du khách lúc nào cũng được hít căng lồng ngực hương thơm ngọt ngào mà thanh mát như hương vị của đại ngàn đang hòa trong gió.
|
Về Tây Bắc những ngày cuối xuân, du khách chẳng thể rời mắt khỏi những cánh rừng sơn tra trắng muốt, trải dài đến hút tầm mắt.
|
|
Sơn tra ngày trước mọc tự nhiên trong những cánh rừng sâu, nhiều nhất là ở các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Lào Cai và Lai Châu. Quả sơn tra được bà con người Mông thu hoạch đem bán để ngâm rượu, ngâm mật ong, đường… (Ảnh: Lộc Liên)
|
|
Du lịch vùng cao khởi sắc, quả sơn tra theo chân du khách xuống núi, trở thành thứ quả đặc sản của miền sơn cước tự bao giờ. Và thế là, mùa hoa sơn tra cũng trở thành mùa hoa đặc trưng của Tây Bắc nói chung và Lai Châu nói riêng. (Ảnh: Lộc Liên)
|
|
Khung cảnh nên thơ bên gốc sơn tra ở bản du lịch Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) những ngày cuối xuân. (Ảnh: Lộc Liên)
|
|
Hình ảnh thiếu nữ Mông ngồi thêu váy hoa, chàng trai thổi khèn, hay lũ trẻ nô đùa dưới gốc sơn tra từ lâu đã trở thành chủ đề sáng tác của thi, ca và nhạc, họa. (Ảnh: Lộc Liên)
|
|
Người Lai Châu kháo nhau rằng, sơn tra nhiều nhất ở Dào San, Sìn Hồ, Sin Suối Hồ, Tả Lèng… mỗi vùng sơn tra lại có hương vị rất riêng như sơn tra ở Sìn Hồ thường chát hơn còn sơn tra ở Dào San thì giòn và có vị chát dịu nhẹ. (Ảnh: Lộc Liên) |
|
Nói về sơn tra, bà con Sin Suối Hồ thủ thỉ: Một đời sơn tra là một đời người Mông, sinh ra trên sỏi đá cằn cỗi rồi ra hoa, kết quả trong nắng gió, dù có bão giông, khắc nghiệt vẫn bung sắc trắng muốt và kiêu hãnh giữa đại ngàn. (Ảnh: Lộc Liên)
|
|
Nhiều du khách còn đùa vui rằng, về Lai Châu mùa này, chỉ cần ôm lấy gốc sơn tra để hít hà hương hoa rồi ngắm nhìn những cánh hoa trắng muốt đang đung đưa trong gió sẽ tự nhiên thấy mọi mệt mỏi, khó khăn của cuộc sống được xua tan tự lúc nào. (Ảnh: Lộc Liên)
|
theo TP