![]() |
Trước Tết Nguyên đán, Vn-Index đã có liên tiếp 9 phiên tăng liên tiếp, nhưng thanh khoản chỉ ở mức thấp khi khối lượng giao dịch mỗi phiên chỉ trên dưới 20 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ (CP&CCQ).
HNX-Index thậm chí còn “yếu” hơn nhiều khi cùng khoảng thời gian VN-Index tăng mạnh thì chỉ số của sàn Hà Nội chỉ tăng thêm 3 điểm. Điều này cho thấy tâm lý chung của một bộ phận nhà đầu tư (NĐT) vẫn chưa thực sự kỳ vọng vào đà phục hồi của thị trường.
Nhưng khi phiên “tân niên” của thị trường mở cửa vào ngày 30/1 và kết thúc bằng việc Vn-Index tăng trên 10 điểm, cũng như thanh khoản được cải thiện vào phiên ngày hôm sau thì thị trường tiếp tục gia tăng cùng với việc một lượng lớn NĐT cá nhân quay trở lại thị trường.
Theo lý giải của nhiều chuyên gia, sức bật đầu năm của TTCK nằm ở sự ra đời của chỉ số VN30. Những lợi ích, tồn tại, cơ hội, thách thức... mà chỉ số này đã và đang đem lại cho thị trường đã được mổ xẻ rất nhiều trong những ngày qua.
Nhưng sẽ là phiến diện nếu chỉ đề cập đến VN30 là chất xúc tác cho thị trường khi từ cuối năm 2011 đến nay, Nhà nước đã liên tục đưa ra những thông điệp về việc tái cấu trúc TTCK. Tất cả đều cho thấy vấn đề: Thị trường đã tăng nhờ có tin tốt hỗ trợ.
Việc tái cấu trúc TTCK đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực thi từ khá lâu thông qua những tuyên bố và hành động. Và cũng không phải đến cận ngày được Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đưa vào áp dụng, thị trường mới biết đến VN30.
Năm tháng trước, Doanh Nhân Sài Gòn đã từng có bài viết “Chỉ số chứng khoán: Chuẩn nào... chuẩn?” để nói về VN30. Nhưng tại những thời điểm đó, thị trường hầu như không phản ứng với những thông tin trên vì lúc đó nhu cầu nằm ở những vấn đề vĩ mô như lạm phát, lãi suất hay thanh khoản của các ngân hàng...
Nhu cầu cũng như cách ứng xử của thị trường đối với thông tin trong mỗi thời điểm là tương đối khác nhau.
Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán (CTCK) MHBs phân tích: “Những thông tin hỗ trợ cho thị trường trong thời gian qua đã và đang được phản ánh hợp lý vào mức giá hiện nay và để tiếp tục xu hướng tăng thì cần thêm những thông tin mới.
Nhưng theo quan điểm của tôi, trong ngắn hạn không dễ để xuất hiện một thông tin nào đó mang tính chất bước ngoặt mà chủ yếu mang tính chất củng cố tâm lý NĐT”.
Ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích CTCK Kim Eng bổ sung: “Việc một số doanh nghiệp cho biết đã có thể tiếp cận với nguồn vốn vay có lãi suất thấp hơn trước đây có thể cải thiện kết quả kinh doanh trong giai đoạn đầu năm 2012. Qua đó phần nào gia tăng kỳ vọng của NĐT đối với doanh nghiệp”.
Sóng đầu hay sóng cuối?
Trong những phiên cuối tuần vừa qua, xảy ra hai hiện tượng đáng chú ý: Đầu tiên là nhóm CP có vốn hóa trung bình, nhỏ bắt đầu có sóng trở lại.
Một quy luật thường thấy trong những đợt sóng của thị trường là tính chất luân phiên trong việc nổi sóng giữa các nhóm CP, thường sẽ là sóng của blue chip, sau đó đến song của penny chip và ngược lại.
Một số NĐT có kinh nghiệm chứng kiến việc các mã có tính đầu cơ cao như KSS, KSH, VNE, PVA... tăng giá trở lại đã tỏ ra e ngại về việc nhóm CP này tăng cũng có nghĩa là thị trường đang bước vào giai đoạn cuối của đợt sóng.
Lập luận này không phải là không có cơ sở khi nhóm blue chip tăng đều có những cơ sở khá vững như được vào rổ tính VN30, hoặc có yếu tố nước ngoài thì cho đến bây giờ nhóm CP đầu cơ tăng lại không xác định rõ lý do.
Điểm kế tiếp là lực mua vào đối với nhóm CP ngân hàng đang bắt đầu tăng mạnh. Những STB, EIB, MBB... đã tăng cả về thanh khoản lẫn thị giá đã thu hút sự chú ý của cả thị trường.
Ngày 9/10, chứng kiến lực mua liên tục đổ dồn vào EIB, một môi giới kỳ cựu đã phải thốt lên: “Cả thị trường đang nhìn vào EIB!”. Có người còn đưa ra quan điểm EIB giờ đây trở thành CP “hot” nhất và cũng là chỉ báo của thị trường.
Nhưng nhiều người mua, đồng nghĩa với việc áp lực chốt lời sẽ tăng lên nếu CP còn tiếp tục tăng giá. Như vậy, kỳ vọng về khả năng sinh lãi lớn sẽ khó có cơ hội trở thành hiện thực.
Như vậy, khi chưa có những thông tin tích cực, thị trường sẽ không có những đợt tăng mạnh nhưng thay vào đó là sự tăng giảm luân phiên giữa các nhóm CP. Điều này buộc NĐT sẽ phải xoay vòng vốn một cách hợp lý.
Có thể nói, trong đợt tăng vừa qua, cái được lớn nhất của thị trường chính là niềm tin của NĐT đã phần nào được phục hồi. Điều này đã kéo dòng tiền của nhiều người sau một thời gian “ngủ đông” quay trở lại và tìm kiếm cơ hội, góp phần gia tăng thanh khoản.