"Cái tôi" của Gen Z trong công việc
Lớn lên trong thời đại công nghệ số, thế hệ Z mang "màu sắc" riêng với tính cách nổi bật như ham sáng tạo, tìm tòi cái mới; tự tin thể hiện, khẳng định bản thân trước đám đông; đề cao cái tôi cá nhân và sự tự do... Vậy, những đặc điểm tính cách này của Gen Z có hứa hẹn bùng nổ và tạo đột phá trong thị trường lao động hiện nay?
Thạc sĩ, chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương cũng bày tỏ: "Gen Z có nhiều điểm mạnh, nhưng mạnh quá sẽ thành điểm yếu. Gen Z cá tính nhưng cá tính quá, cá tính đến mức thiếu tôn trọng người khác, bất chấp tất cả thì không ổn. Cá tính nhưng phải tôn trọng những giá trị phổ quát của xã hội, cá tính phải có giới hạn”. |
Theo nghiên cứu của PWC (PricewaterhouseCoopers - 1 trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu thế giới), 72 % người Việt thuộc thế hệ Z muốn phát triển các kỹ năng mềm, kỹ năng kinh doanh cũng như các kỹ năng số cụ thể.
Tuy có nhu cầu học hỏi và phát triển nhưng nhiều bạn lại ngại bị phê bình, không chịu được áp lực phải thay đổi, hiểu được vấn đề của bản thân nhưng mơ hồ, bảo thủ về cách giải quyết hay tự tin thái quá về năng lực của bản thân... Đây là một biểu hiện rất rõ về việc đánh giá cái tôi quá cao của Gen Z trong mắt các thế hệ trước.
Nhận xét về "cái tôi" của Gen Z, anh Hiếu Vũ (làm tuyển dụng nhân sự) nói: "Tôi không đánh đồng ai cả, nhưng tôi thật sự khó tuyển được bạn Gen Z nào làm việc cho công ty. Các bạn hay tự ái, làm sai bị nhắc nhở nhẹ nhưng "mặt nặng mày nhẹ", tỏ thái độ".
Xét đến trường hợp, Gen Z thể hiện "cái tôi" khi đòi quyền lợi xứng đáng trong môi trường doanh nghiệp lại rất được hoan nghênh. Bởi lẽ, bất kể người lao động nào, trong đó có Gen Z đều cần được minh bạch, sự công nhận năng lực, quyền lợi tương xứng với chất xám từ người sử dụng, quản lý lao động.
Ảnh minh họa: Internet. |
Tự tin về năng lực hay bị "vỡ mộng"?
Có thể nói, chuyển việc là hiện tượng thường thấy ở mọi độ tuổi nhưng xảy ra chóng vánh và mơ hồ hơn ở các bạn trẻ Gen Z. Đi sâu vào nhìn nhận và phân tích về văn hóa đi làm "thích thì nghỉ" của thế hệ này, chị Ngô Thùy Trang (diễn giả Keira Ngo - Quản lý nội dung đào tạo các chương trình về Tâm lý học) cho hay: "Một số nguyên nhân tiêu biểu dẫn tới việc thay đổi công việc ở mọi lứa tuổi có thể kể đến: bất mãn với sếp; thiếu cơ hội phát triển bản thân và thăng tiến trong công việc; chế độ lương thưởng không phù hợp; bản thân công việc không phù hợp với sở thích và tính cách; môi trường làm việc không phù hợp.
Rất khó để trả lời câu hỏi các bạn trẻ tự tin hay không hiểu bản thân khi nhảy việc liên tục bởi vấn đề thường thấy ở nhiều bạn đó là không hiểu lý do vì sao mình lại nhảy việc. Gặp bao nhiêu trong số các vấn đề trên thì nên nhảy việc? Có cách nào để giải quyết vấn đề mà không cần nhảy việc? Khi nhảy việc rồi mà vẫn gặp các vấn đề cũ thì cần phải làm gì? Tôi mong muốn nhận được điều gì từ công việc mới? Đây là những câu hỏi không phải bạn trẻ nào cũng đủ tỉnh táo để tự tra vấn trước khi quyết định nhảy việc.
Trong nhiều trường hợp, chỉ cần cảm thấy hơi khó chịu với một trong rất nhiều yếu tố của công việc, các bạn trẻ sẵn sàng mặc kệ toàn bộ và rũ áo ra đi, bất kể cơ hội học hỏi và thăng tiến trước mắt còn nhiều vô kể".
Lý giải thêm nguyên nhân về văn hóa "nhảy việc", chị Keira Ngo cho rằng, nhiều bạn vừa thiếu kiến thức về bản thân (bao gồm điểm mạnh, điểm yếu, kinh nghiệm, sở thích) vừa thiếu kiến thức về thị trường lao động (bao gồm lộ trình phát triển nghề nghiệp của công việc đang hướng tới, yêu cầu công việc ở các công ty khác nhau, mức lương trung bình cho các vị trí khác nhau, cách làm việc ở các công ty khác nhau v.v…) nên dễ dàng có những ảo tưởng không thực tế về một “công việc trong mơ".
Cảm giác tự tin về bản thân và về số lượng việc làm có trên thị trường có thể dẫn tới suy nghĩ rằng mình sẽ tìm được một công việc tốt hơn, có mức lương cao hơn, sếp tốt hơn, nhiều cơ hội học hỏi và phát triển hơn. Suy nghĩ này không sai! Thậm chí, đây còn là sự thúc đẩy mạnh mẽ để các bạn liên tục tìm kiếm những cơ hội tốt hơn cho chính bản thân mình và cho người tuyển dụng. Chỉ khi người trẻ không có đủ dữ liệu để đánh giá như thế nào là “hơn" thì vấn đề mới thực sự xuất hiện. Có rất nhiều bạn trẻ sau khi nhảy việc tới 4, 5 lần mới nhận ra rằng, hoá ra, công việc nào cũng có những điều bất cập của nó.Những điều các bạn từng nghĩ là “tồi tệ" hay “không thể chấp nhận được" ở công việc cũ hoá ra chỉ là những điều rất bình thường.
Nhà tuyển dụng nói: Cần giúp ứng viên "bớt ảo tưởng"
Với những chuyên gia tuyển dụng tiếp xúc với hàng trăm ứng viên mỗi ngày, họ phát hiện ra, không ít bạn Gen Z có xu hướng nhảy việc theo trào lưu, bắt chước khi thấy người khác nhảy việc thành công.
Chia sẻ rõ hơn, chị Nguyễn Thái Hà (Giám đốc tuyển dụng của VNOKRs, giảng viên thỉnh giảng môn kỹ năng ứng tuyển ở Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) nói: "Một người chuyển việc thành công thì họ phải rất chắc chắn về năng lực của mình, hiểu mong muốn của bản thân và rõ ràng về mục tiêu. |
Khi thành công ở một môi trường mới, họ mới khoe lên mạng xã hội cho bạn biết. Còn trường hợp sau khi đi khỏi nơi cũ, nhận ra nơi mới còn không bằng nơi cũ thì người ta sẽ không kể cho bạn nghe. Vì thế, các bạn ứng viên đừng nghe những lời hứa hẹn như cứ sang đây đi, em chỉ cần làm đúng những công việc em đang làm thì thu nhập sẽ gấp đôi... bởi có thể cùng một chức danh nhưng khối lượng công việc khác nhau".
Bổ sung và lấy ví dụ cụ thể, chị Nguyễn Thu Hà (Quản trị Nhân sự của CTCP phát triển TMĐT Thế hệ mới MetaTop) nói: "Nhiều bạn sinh ra và lớn lên trong gia đình đầy đủ điều kiện, và được bố mẹ yêu con theo cách “vô điều kiện”. Điều này vô hình chung tạo nên tâm lý “ở nhà bố mẹ nuôi” và khi phải đối mặt với sự khó tính của cấp trên hay yêu cầu cao về chất lượng công việc, Gen Z dễ có suy nghĩ "không làm chỗ này thì làm chỗ khác" hay "thiếu gì việc làm phù hợp".
Trong quá trình làm tuyển dụng, tôi đã từng gặp nhiều bạn rất ngại giao tiếp nhưng vẫn từng đi làm sale - một công việc vốn rất cần giao tiếp và sự hoạt ngôn. Các bạn không lường trước được sẽ có những tháng không đạt đủ doanh số dẫn tới thu nhập lúc thấp lúc cao, hoặc bị khách từ chối, thậm chí bị mắng, chửi… Đó là một thực tế trong công việc sale nói riêng nhưng cũng phần nào phản ánh việc nhiều ứng viên ảo tưởng, mơ mộng, không hiểu bản thân trước khi bước vào công việc mới".
Một số bạn trẻ khác cũng thừa nhận và nói thêm: "Thường những thanh niên hay nhảy việc thì khi làm việc cũng không chuyên tâm, nên hãy coi như lọc người, tuyển người khác. Và cứ theo hợp đồng thực hiện, nghỉ không báo trước thì mất lương, vài lần là chừa"; "Chuyển việc nhiều cho thấy bạn thiếu cố gắng, chuyên nghiệp và cả sự chỉn chu, những người như vậy thường rất khó tự lực cánh sinh để vươn lên phát triển được"...
"Nhảy việc", người trẻ đã nghĩ kỹ hay chưa?
Xét đến khả năng chịu áp lực của Gen Z, hiện tại, tuy sức chịu đựng của Gen Z ngày nay không bị thử thách bởi sự khó khăn, nghèo đói nhưng lại bị tấn công bởi các căn bệnh tâm lý, sự cô đơn trong thời kỳ công nghệ, và sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động.
"Thêm vào đó, thế hệ trẻ ngày nay có nhận thức tốt hơn rất nhiều về sức khỏe tinh thần, các đặc điểm của một môi trường làm việc lý tưởng, hay những giá trị cá nhân mà các bạn đề cao. Vì vậy, một số hành vi tưởng chừng như là “yếu đuối" của Gen Z lại thực chất là những phản ứng lành mạnh trước những áp lực độc hại và gây tổn hại trực tiếp tới các bạn.
Cá nhân tôi cho rằng, nếu có được một mục tiêu rõ ràng và cái nhìn đa chiều hơn về thị trường lao động, Gen Z hoàn toàn có khả năng chịu đựng tốt các áp lực gặp phải trên con đường đạt được ước mơ của mình. Nhưng, trước khi muốn trải nghiệm ở môi trường làm việc mới, bạn cần có trách nhiệm bàn giao và thái độ đúng đắn với môi trường cũ", chuyên gia tâm lý Ngô Thùy Trang nói.
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính đến năm 2025, Gen Z chiếm gần 30% trong lực lượng lao động của Việt Nam.
Là một nhà quản trị nhân sự, chị Nguyễn Thu Hà đưa ra định hướng: "Thay vì phán xét hay dành những cái nhìn “không mấy thiện cảm” cho ứng viên hay nhảy việc, nhà tuyển dụng nên cảm thông, bao dung và tìm hiểu kỹ hơn về các lý do ứng viên đó nghỉ việc ở công ty cũ. Bên cạnh đó, một trong những vai trò của nhà tuyển dụng là cần khai thác kỹ hơn về mong muốn của ứng viên để đưa ra tư vấn, phân tích cơ hội và thách thức của vị trí công việc. Điều này giúp ứng viên bớt ảo tưởng về công việc sắp tới, từ đó góp phần giảm tỉ lệ nhảy việc trong tương lai...".
Theo TP