Xuất khẩu và thị trường bán lẻ vẫn là điểm sáng

(CTG) Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng xuất khẩu và thị trường bán lẻ của Việt Nam vẫn là điểm sáng kinh tế trong năm 2012.



Dây chuyền sản xuất tôm đông lạnh tại Nhà máy chế biến thủy sản TP Phan Rang (Ninh Thuận)

Do vậy, công tác xúc tiến thương mại được đặt ra ráo riết ngay từ đầu năm. Theo ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương: Năm 2012, cùng với việc tiếp tục triển khai hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) nội địa, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia sẽ đặt mục tiêu trọng tâm là XTTM định hướng xuất khẩu. Trong đó, chú trọng các thị trường xuất khẩu trọng điểm là: Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Trung Đông, châu Phi, Ấn Độ. Tuy nhiên, đến nay, chương trình vẫn tồn tại nhiều bất cập, tạo ra những khó khăn không nhỏ đối với xây dựng, tổ chức thực hiện các đề án gây ra bức xúc cho doanh nghiệp tham gia khiến Bộ Công Thương khó chủ động thực hiện Chương trình cũng như làm giảm hiệu quả của các đề án XTTM. 

Với từng thị trường, vùng lãnh thổ, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia đã xác định cụ thể các mặt hàng có thế mạnh với chỉ tiêu kim ngạch rất cụ thể để có thể đạt được mục tiêu tổng thể xuất khẩu 108,5 tỷ USD trong năm 2012. Điển hình như thị trường châu Âu, chương trình sẽ tập trung xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, thực phẩm chế biến, đồ gỗ, các mặt hàng công nghiệp nhẹ với chỉ tiêu phấn đấu đạt mức 11% về tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, tại thị trường Ấn Độ, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tập trung cho các mặt hàng cao su tự nhiên và các sản phẩm từ cao su, cà phê, hạt tiêu, quế, hồi, nghệ, chè các loại, hóa chất, sắt thép, vải sợi, thủ công mỹ nghệ... với kim ngạch phấn đấu đạt trên 1,5 tỷ USD trong năm 2012... 

Tuy nhiên, thách thức không nhỏ trong công tác XTTM là tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường, hàng rào bảo hộ có xu hướng gia tăng, các nền kinh tế lớn đang sa vào khủng hoảng, lợi thế cạnh tranh về giá giảm, lạm phát và lãi suất cao làm gia tăng đầu vào, tỷ giá USD/VNĐ biến động, bệnh dịch cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, xuất khẩu… Mới đây, Bộ Công thương đã chính thức chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn để triển khai hiệu quả Chương trình XTTM Quốc gia, nhất là việc tạo khung pháp lý vững chắc cho Chương trình XTTM quốc gia.

Rút kinh nghiệm năm qua, ông Đỗ Thắng Hải cho rằng: Tới đây, các thương vụ cần tiếp tục cập nhật, cung cấp thông tin về thị trường nước sở tại, các rào cản kỹ thuật, cảnh báo sớm nguy cơ bị áp đặt kiện chống bán phá giá, các chương trình ưu đãi về đầu tư, thương mại mà chính quyền sở tại có thể giành cho Việt Nam. Ngoài ra, Cục Xúc tiến thương mại cũng đang tăng cường trao đổi thông tin về nhu cầu xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài cũng như tổ chức đoàn giao thương tìm kiếm bạn hàng, đối tác, nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ để đẩy mạnh XTTM và xuất khẩu trong năm 2012.

Trong năm 2011, kinh tế thế giới suy giảm, tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam và tuy thị trường có những biến động khó lường nhưng xuất khẩu của nước ta đã gặt hái được thành tựu ấn tượng nhất trong trong vòng 10 năm qua, đạt 96,3 tỷ USD, vượt xa các con số dự đoán trước đây mà cơ quan thống kê nói tới. Với kim ngạch này, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam lên tới 33,3%, tương đương 24 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ sau năm 1995 - năm mà kinh tế Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ hội nhập mạnh với nền kinh tế thế giới. Nếu không đạt được kim ngạch xuất khẩu đó, kinh tế đất nước ta sẽ còn khó khăn biết chừng nào. Xuất khẩu tăng mạnh trong khi nhập khẩu tăng chậm lại, nên nhập siêu cũng giảm mạnh, ước tính chỉ khoảng 9,5 tỷ USD - bằng 9,9% kim ngạch xuất khẩu. Đây cũng là tỷ lệ nhập siêu thấp nhất trong 10 năm qua, kể từ sau năm 2001. 

Còn đối với thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là một trong 5 thị trường có khả năng sinh lời cao nhất. Dự báo, giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn ở mức 23-25%/năm và là đích nhắm tới của hệ thống phân phối bán lẻ nước ngoài một khi các rào cản được dỡ bỏ. Mặc dù kinh tế suy giảm, nhưng dung lượng thị trường vẫn đạt quy mô khá, kết thúc năm 2011, ước đạt mức 85-86 tỷ USD, đóng góp 15-16% GDP, bằng 80-85% tổng sản phẩm quốc nội.



Người tiêu dùng chen chúc nhau mua hàng giảm gía tại siêu thị


Bước sang năm 2012, thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục chưa có đột biến lớn về quy mô, dung lượng thị trường, cũng như tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ còn tùy thuộc vào biến động của kinh tế vĩ mô, để giá cả thị trường, quan hệ cung cầu được ổn định và giữ vững, tùy thuộc vào lộ trình thực hiện cơ chế thị trường.

Năm 2012, cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ giữa các doanh nghiệp (DN) nước ngoài với DN trong nước, giữa hệ thống DN bán lẻ Việt Nam vẫn chưa thực sự bước vào giai đoạn quyết liệt mà vẫn sẽ thầm lặng theo đuổi những mục tiêu dài hạn, chuẩn bị tiềm lực để cạnh tranh khi thời cơ đến.

Cả nước hiện có khoảng 600 siêu thị, trung tâm thương mại với mô hình bán lẻ hiện đại, tiện ích, giá cả ổn định, chất lượng hàng hóa bảo đảm, thu hút nhiều tầng lớp người tiêu dùng. Các DN bán lẻ hàng hóa dịch vụ đã có bước trưởng thành nhanh, có đủ năng lực cạnh tranh vượt qua sự khốc liệt gay gắt trên thị trường. Nhiều DN đã thiết lập được hệ thống bán lẻ khá quy mô…
Bởi vậy, thời gian tới, cần tiếp tục từng bước hoàn thiện hệ thống phân phối bán lẻ là một trong các yếu tố giúp hàng Việt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường nội địa cũng như mở rộng sang các nước trên thế giới.

 
Theo tamnhin.net