![]() |
Xuất khẩu tám tháng đầu năm đạt tổng kim ngạch 60,8 tỷ USD. Trong đó, giá cả nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng xuất khẩu. Cụ thể, giá xuất khẩu càphê bình quân tăng 53,9%, hạt tiêu tăng 67,8%, dầu thô tăng 44,9%. Ngoài ra, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng so với cùng kỳ như càphê tăng 11,4%, gạo tăng 6,5%, các sản phẩm từ sắn tăng 47%.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), hiện tại, một số nước đã gia tăng các biện pháp bảo hộ mới đối với hàng hóa nhập khẩu, điều này ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam từ nay đến cuối năm.
Các thị trường lớn, tiềm năng ngày càng đỏi hỏi cao về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, đặc biệt là đối với mặt hàng nông, thủy sản (vốn đang là lợi thế lớn của Việt Nam), rào cản bảo hộ ngày càng tinh vi của các nước nhập khẩu về vệ sinh, môi trường, thuế…
Đại diện Bộ Công thương cho rằng, trong giai đoạn tới các doanh nghiệp cần triển khai nhiều giải pháp ổn định xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng thị trường mới và tiềm năng như Đông Âu, Tây Á, Nam Á, châu Mỹ Latinh; đồng thời tăng cường và nâng cao công tác dự báo thị trường, thông tin, nhận thức của nhà xuất khẩu về những rào cản của các nhà nhập khẩu, nâng cao chất lượng hàng hóa, tập trung các sản phẩm truyền thống, kim ngạch cao…
Ngoài ra, cần có chiến lược từng bước chuyển dịch sang hướng xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, có khả năng tăng trưởng lớn. Đây cũng là định hướng nằm trong chiến lược xuất khẩu của Việt Nam từ nay đến năm 2020 sẽ theo hướng giảm xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng cao, đẩy mạnh các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng triển khai Chương trình Xúc tiến thương mại (XTTM) quốc gia.
Từ năm 2011, Chương trình XTTM quốc gia thực hiện theo Quyết định số 72/2010/QĐ-TTg, xác định khuôn khổ và cơ chế mới với 3 nội dung: XTTM định hướng xuất khẩu; XTTM thị trường trong nước; XTTM miền núi, biên giới và hải đảo. Để đạt mục tiêu đổi mới công tác XTTM, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ đạo các đơn vị trong Bộ Công Thương cần có cơ chế phối hợp, đồng bộ trên nguyên tắc dân chủ, tập trung.
Bộ trưởng giao Ban Quản lý Chương trình XTTM quốc gia cần rà soát quy chế làm việc, xây dựng mới hoặc bổ sung, điều chỉnh nếu cần thiết. Theo đó, Cục XTTM, với tư cách đầu mối, phối hợp với các Vụ liên quan để hoàn thiện quy trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt, thực hiện, giám sát và thanh quyết toán các Chương trình XTTM quốc gia theo đúng Quyết định 72/2010/QĐ-TTg.
Vướng mắc lớn nhất trong thực hiện Chương trình XTTM quốc gia là cơ chế tài chính. Thông tư 88/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho Chương trình XTTM quốc gia có một số nội dung không phù hợp với Luật Ngân sách, Quyết định 72/2010/QĐ-TTg dẫn tới nhiều vướng mắc trong thực hiện Chương trình XTTM. Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị liên quan làm việc với Bộ Tài chính để sửa đổi phù hợp với khung pháp lý.
Liên quan tới các đề án XTTM quốc gia đã được phê duyệt đợt 1 năm 2011, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giao cho Ban Quản lý chương trình đôn đốc, hỗ trợ các đơn vị chủ trì thực hiện thành công với hiệu quả cao nhất.
Đối với Chương trình XTTM quốc gia năm 2012, Ban Quản lý hướng dẫn tiêu chí, nội dung, trình tự xây dựng và thực hiện đề án để đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Theo đó, nội dung XTTM định hướng xuất khẩu ưu tiên thực hiện các hội chợ, triển lãm thương mại trong và ngoài nước, hỗ trợ tìm hiểu thị trường mới, thị trường tiềm năng. XTTM thị trường trong nước ưu tiên thực hiện các chương trình phát triển phân phối bán lẻ, đưa hàng về nông thôn. XTTM miền núi, biến giới, hải đảo ưu tiên các chương trình tiêu thụ hàng hóa của nông dân, hỗ trợ phát triển hạ tầng thương mại.
Theo Tầm Nhìn