60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển - kỳ tích của lịch sử Việt Nam

(CTG) Ngày 19.10, nhân kỷ niệm 60 năm ngày mởđường Hồ Chí Minh trên biển (23.10.1961 - 23.10.2021), Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư và TP.Hải Phòng tổ chức hội thảo khoa học “Đường Hồ Chí Minh trên biển - Kỳ tích lịch sử và bài học đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”.

 

60 năm trước, để đáp ứng được yêu cầu vận chuyển vũ khí, hàng hóa chi viện cho chiến trường Nam bộ và Nam Trung bộ, ngày 23.10.1961, Bộ Tổng tư lệnh quyết định thành lập Đoàn 759 làm nhiệm vụ vận chuyển chiến lược trên biển chi viện chiến trường.

60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển - kỳ tích của lịch sử Việt Nam - ảnh 1

Bến tàu K15 tại Q.Đồ Sơn, TP.Hải Phòng. TƯ LIỆU

Bến tàu K15 - Nơi xuất phát của những con tàu không số

Bến tàu K15 nằm dưới chân ngọn núi cuối cùng của bán đảo Đồ Sơn (TP.Hải Phòng) là nơi khuất gió, kín đáo, ba chiều là núi, chỉ có một hướng duy nhất ra biển. Trên bến có một cầu tàu hình chữ T, dài 60 m, rộng 6 m, tải trọng 10 tấn, kết cấu cọc bằng bê tông, ghép khung dầm. Hiện nay, di tích còn lại của bến tàu K15 là những trụ bê tông cầu cảng, một số nền móng kho hàng, bể nước... Năm 2003, bến tàu K15 được công nhận là di tích lịch sử cấp TP, năm 2008 được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Theo PGS-TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, bắt đầu từ những con tàu gỗ đánh cá nhỏ, đến đầu năm 1964, quân ta đã có trên 20 tàu trọng tải từ 50 - 150 tấn. “Sau gần 4 năm (11.1962 - 2.1965), vượt qua khó khăn gian khổ, với lòng quả cảm và tinh thần “vì miền Nam ruột thịt”, “tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, cán bộ, chiến sĩ trên những “con tàu không số” đã tổ chức được 89 chuyến tàu, vận chuyển được 4.920 tấn hàng hóa, vũ khí. Trong đó, riêng Cà Mau nhận được 47 chuyến, Bến Tre 19 chuyến, Trà Vinh 13 chuyến, còn lại là Khu 7 và Khu 5”, PGS-TS Nguyên Danh Tiên cho biết.

Trong số 168 “con tàu không số” đã xuất bến từ năm 1966 - 1972, 8 con tàu đã phải phá hủy, 117 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên biển. Những đóng góp của các bộ, chiến sĩ và những con tàu của đường Hồ Chí Minh trên biển đã góp phần phát triển thế và lực của cách mạng miền Nam, cùng với quân và dân ta ở miền Nam đánh bại các kế hoạch chiến tranh của kẻ thù.

60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển - kỳ tích của lịch sử Việt Nam - ảnh 2

Những con tàu không số của đường Hồ Chí Minh trên biển. TƯ LIỆU

Mãi mãi là niềm tự hào

Tại hội thảo, các đại biểu đã có những tham luận làm sâu sắc hơn về tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn và sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của T.Ư Đảng, Quân ủy T.Ư cũng như sự chỉ đạo, chỉ huy, điều hành nhạy bén, sáng tạo của Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân trong việc mở đường Hồ Chí Minh trên biển.

Theo thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, việc mở đường Hồ Chí Minh trên biển thể hiện sự sáng tạo của Bộ Chính trị mà trực tiếp là Quân ủy T.Ư và Bộ Tổng tư lệnh, đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra bước phát triển mới của tuyến đường vận tải chiến lược trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam.

“Đường Hồ Chí Minh trên biển là một phát kiến trong đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó thực sự là một kỳ tích trong điều kiện con người, phương tiện của ta, đặc biệt là phải vượt qua sự ngăn chặn, đánh phá quyết liệt của địch”, thượng tướng Lê Huy Vịnh đánh giá.

Trong suốt 14 năm thực hiện nhiệm vụ chi viện chiến trường bằng đường biển, dù có lúc gián đoạn do địch ngăn chặn quyết liệt, nhưng thông qua đường Hồ Chí Minh trên biển, hàng nghìn lượt tàu vào Nam, ra Bắc; vận chuyển hàng chục vạn tấn vũ khí, khí tài, hàng hóa, thuốc chữa bệnh, đưa đón hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ…

60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển - kỳ tích của lịch sử Việt Nam - ảnh 3

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh phát biểu trong hội thảo. LÊ TÂN

Các đại biểu dự hội thảo đều khẳng định đường Hồ Chí Minh trên biển là một thành công lớn, bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, là sự kết hợp hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần để tạo nên sức mạnh to lớn và bền vững. Những chiến công và bài học kinh nghiệm của đường Hồ Chí Minh trên biển mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân ta nói chung, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam nói riêng, nhất định sẽ trường tồn và phát huy tác dụng to lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Ông Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, khẳng định hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển là một cơ hội quý để ôn lại truyền thống hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, truyền thống TP cảng “Trung dũng - Quyết thắng”, truyền thống kiên cường, dũng cảm, không ngại gian khổ, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ trên những “con tàu không số” năm xưa. Những truyền thống tốt đẹp đó sẽ tiếp thêm sức mạnh cho quân và dân cả nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, cho rằng kết quả của hội thảo một lần nữa góp phần làm sâu sắc tầm vóc, ý nghĩa, rút ra những bài học lịch sử từ kỳ tích của đường Hồ Chí Minh trên biển, qua đó, nâng cao niềm tự hào, tự tôn dân tộc, củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vào sự nghiệp đổi mới đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, góp phần thiết thực trong giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Theo TN