9X Nghệ An sáng lập ứng dụng lọt top được live-stream nhiều nhất thế giới

(CTG) Năm 2019, GoStream được Facebook đưa vào danh sách 30 nền tảng được sử dụng để live-stream nhiều nhất trong 30 ngày trên thế giới.

 

Nghiêm Tiến Viễn - 1 trong 3 người sáng lập ứng dụng GoStream.

Như một "đài truyền hình thu nhỏ"

Doanh thu 15 tỷ, lợi nhuận ròng 4,5 tỷ tính riêng năm 2020, đội ngũ 45 nhân viên và cộng tác viên, 10.000 người dùng thực hiện live-stream bán hàng mỗi ngày… là một số thành tựu mà Nghiêm Tiến Viễn và các cộng sự đạt được sau 3 năm phát triển ứng dụng GoStream.

Nói nôm na, GoStream là một công cụ live-stream giúp hỗ trợ cho công việc kinh doanh online hiệu quả hơn. Qua GoStream, các nhà bán hàng dễ dàng tạo nên các kênh bán hàng online với chi phí từ 100 nghìn đồng/tháng trở lên, dựa trên hạ tầng các mạng xã hội phổ biến trên thế giới như Facebook, YouTube, Twitter.

Ra mắt từ năm 2017, thời điểm thương mại điện tử bắt đầu phát triển mạnh mẽ, GoStream đã nắm bắt được cơ hội đó và tiếp cận bài toán theo một cách rất khác những sản phẩm cùng thời.

“Thay vì phải xây dựng một nền tảng live-stream riêng biệt - một việc rất tốn thời gian và nhiều chi phí duy trì, chúng tôi đã chọn cách đồng hành cùng những mạng xã hội lớn như Facebook và Youtube.

Hướng đi này có nhiều cái lợi, thứ nhất là lợi cho GoStream khi không phải xây dựng một hệ thống cơ sở hạ tầng đồ sộ phục vụ cho việc truyền dẫn video live-stream mà sử dụng ngay hệ thống của các ông lớn một cách miễn phí.

Lợi ích thứ 2 là lợi cho khách hàng khi không phải thu hút người xem vào một nền tảng mới mà sử dụng ngay lượng ‘follow’ đã có trên mạng xã hội. Nhờ hướng đi khác biệt này mà GoStream đã tạo ra doanh thu ngay từ khi ra mắt và phát triển mạnh mẽ cho đến hiện nay” - người sáng lập GoStream cho hay.

Đội ngũ của công ty gồm hầu hết là những người trẻ.

Viễn cho biết, ứng dụng GoStream giống như một “đài truyền hình thu nhỏ” với đầy đủ các chức năng giúp cho người dùng tạo ra một buổi live-stream chuyên nghiệp mà không cần nhiều máy móc đắt tiền.

Ví dụ, người dùng có thể chèn logo, hình ảnh, chữ chạy lên màn hình live-stream như thường thấy trên truyền hình; có thể mời một người ở xa cùng tham gia vào live-stream như cầu truyền hình; có thể sử dụng nhiều điện thoại đặt ở nhiều góc khác nhau để buổi phát trực tiếp không bị nhàm chán.

Với những tính năng này, khách hàng của GoStream đã ứng dụng live-stream vào các lĩnh vực như bán hàng, dạy học, trình diễn, giải trí… Quan trọng nhất, Viễn cho rằng một yếu tố quan trọng giúp “start-up” của cậu tiến tới thành công, đó là ứng dụng do người Việt sáng tạo, vì thế cách sử dụng dễ dàng với bất cứ ai có khả năng sử dụng điện thoại di động.

“Đây là thứ mà người dùng ở Việt Nam rất cần, do các phần mềm tương tự đều của nước ngoài và khó sử dụng. Phần mềm GoStream đi theo hướng dịch vụ, không cần phải cài đặt gì lên máy tính mà chỉ cần vào website của chúng tôi là sử dụng được ngay”.

Vươn ra thị trường thế giới

Tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Nghiêm Tiến Viễn từng có 2 năm đi làm thuê cho một công ty chuyên về lĩnh vực streaming nội dung media.

Tích lũy được một số kinh nghiệm cộng với tinh thần khởi nghiệp “đã ngấm vào máu”, Viễn quyết định quay về Nghệ An để làm start-up. Gia đình lúc đầu chưa hiểu lý do cũng như mong muốn của cậu khi muốn thành lập công ty riêng.

Bố mẹ cậu bất ngờ và khuyên không nên ra ngoài làm hoặc có thể làm cả 2 bên cùng lúc để tránh rủi ro. Tuy nhiên, Viễn cho rằng một khi đã làm là phải làm bằng 100% sức lực của mình, nếu không thì sẽ hỏng cả hai.

Những ngày đầu tiên, Viễn và người bạn cùng lớp, cùng quê là Nguyễn Trọng Hoàn cùng nhau xây dựng kế hoạch. Sau đó, cả hai nhận thấy mình đều xuất thân kỹ thuật, không có nền tảng cũng như kiến thức về bán hàng, về sale, marketing cũng như các mối quan hệ.

Vì thế, họ đã tìm đến anh Phạm Ngọc Duy Liêm thông qua một người bạn chung để bù đắp phần thiếu hụt này.

Ba người đầu tiên gây dựng lên GoStream.

“Ba chúng tôi tuy có lúc bất đồng quan điểm nhưng cuối cùng vẫn đi đến sự thống nhất. Mỗi người đều có thế mạnh riêng để bổ trợ cho nhau và đặc biệt là hoàn toàn tin tưởng nhau. Vì thế tôi cho rằng, chữ "hòa" trong nhân hòa là quan trọng nhất để xây dựng nên một GoStream như ngày hôm nay” - Viễn chia sẻ.

Nhớ lại giai đoạn đầu khởi nghiệp, khi đó sản phẩm còn chưa hoàn thiện và có nhiều lỗi, 3 người sáng lập phải làm việc không lương và tự mình vừa phát triển sản phẩm vừa chăm sóc khách hàng.

“Nhiều khi đang ăn cũng phải mở máy tính ra để sửa lỗi và hướng dẫn cho khách hàng sử dụng. Tuy có chút vất vả nhưng những ngày tháng đó, chúng tôi không thể quên và rất vui vì sản phẩm của mình giúp được cho công việc kinh doanh của nhiều người”.

Nhưng khó khăn nhất vẫn là thời điểm ứng dụng bị tấn công bởi các đối thủ ở Việt Nam. Đó là thời gian rất mệt mỏi và căng thẳng với đội ngũ sáng lập. “Tuy nhiên, chúng tôi đã xác định sẽ luôn cạnh tranh công bằng với các đối thủ bằng dịch vụ chất lượng cao chứ không cần các chiêu trò”.

Hiện người dùng GoStream đang tăng trưởng 20% mỗi tháng. Để tiếp nối đà tăng trưởng này, Viễn và các cộng sự đang có kế hoạch mở rộng sang thị trường nước ngoài.

Cụ thể, trong năm nay, ứng dụng sẽ tập trung vào thị trường Đông Nam Á trước bởi vì ở đây có môi trường kinh doanh tương tự Việt Nam. Trong năm sau, Viễn dự định tiếp cận những thị trường khó tính hơn như châu Âu và Mỹ. “Mong muốn của chúng tôi là đưa sản phẩm Việt Nam chinh phục thị trường quốc tế”.

“Ở những thị trường này, đã có những sản phẩm tương tự, tuy nhiên qua khảo sát, chúng tôi tin rằng mình hoàn toàn đủ năng lực để cạnh tranh với những sản phẩm này, cả về công nghệ và giá thành” - Viễn tự tin khẳng định.

Trong năm sau, GoStream sẽ "tấn công" các thị trường khó tính hơn như châu Âu và Mỹ.

Hiện tại, khó khăn lớn nhất của công ty là vấn đề nhân sự. Người sáng lập 30 tuổi cho biết, nhân sự chuyên ngành IT ở Vinh (Nghệ An) rất yếu và hiếm.

Do đó, để xây dựng được đội ngũ như ngày hôm nay, GoStream đã phải rất vất vả để vừa tuyển dụng vừa đào tạo. Doanh nghiệp trẻ này cũng đưa ra những chính sách tốt để thu hút người từ các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM về Nghệ An.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng rất chú trọng đến việc gây dựng phong trào học tập công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Chúng tôi đã tổ chức các cuộc thi như Hackathon, tài trợ cho các câu lạc bộ lập trình ở địa phương để tạo sân chơi cho học sinh, sinh viên”.

Chia sẻ về khởi nghiệp, Viễn cho rằng làm start-up hay đi làm thuê đều có những ưu nhược điểm riêng. “Startup không phải là màu hồng nhưng ở đó, mình được sống với đam mê, có mục tiêu, lý tưởng riêng. Tôi đã xác định là mình cần vượt qua vùng an toàn của mình để có những đột phá mới trong công việc cũng như cuộc sống”.

Thành tích của GoStream

- Tháng 9/2019: Là 1 trong 4 start-up đã nhận được đầu tư ở vòng seeding từ VinaCapital Ventures.

- Hoàn thành vòng gọi vốn thành công tại Zone Startups Việt Nam.

- Năm 2019: Được Facebook đưa vào danh sách 30 nền tảng được sử dụng để live-stream nhiều nhất trong 30 ngày trên thế giới.

- Quán quân Techfest 2020

- Giải nhất cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Nghệ An năm 2019

- Giải Nhì Nhân tài đất Việt năm 2019 lĩnh vực CNTT

- Top 100 Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc năm 2019

- Là 1 trong 7 Startup xuất sắc nhất Việt Nam sang Mỹ tham dự Techfest 2019, tại Silicon Valley.

- Đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi khởi nghiệp Startup World Cup 2021 tổ chức tại Mỹ.

Nghiêm Tiến Viễn nằm trong top 20 đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2021.

 

Theo Vietnamnet.vn