Ấn tượng nữ sinh Ngoại giao tại cuộc gặp cựu quân nhân tình nguyện, thanh niên Việt - Lào

(CTG) Hà Gia Linh - sinh viên Học viện Ngoại giao là một trong những bạn trẻ tham dự sự kiện Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Thongloun Sisoulith gặp gỡ cựu quân tình nguyện, chuyên gia, lưu học sinh Việt Nam tại Lào và thế hệ trẻ hai nước Việt Nam - Lào.

Chiều 11/9, tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào Thongloun Sisoulith gặp gỡ cựu quân tình nguyệnchuyên gia, lưu học sinh Việt Nam tại Lào và thế hệ trẻ hai nước Việt Nam - Lào. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, các đồng chí Lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam - Lào tham dự buổi gặp mặt.

Chia sẻ với Tiền Phong, Gia Linh nói rằng cảm thấy may mắn, vinh dự là một trong những bạn trẻ Việt Nam tham dự sự kiện rất ý nghĩa này. Gia Linh không chỉ được được cảm nhận không khí ấm áp, thắm tình hữu nghị mà còn có dịp hiểu thêm lịch sử truyền thống đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào. Thêm một điều ý nghĩa nữa với Gia Linh là ông bà nội của cô cũng tham dự sự kiện đặc biệt này.

Ông nội của Gia Linh là đại tá quân đội, đã nghỉ hưu; bà là đại úy quân đội, sau đó chuyển ngành. Ông bà đều tham gia Ban liên lạc Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào.

Ấn tượng nữ sinh Ngoại giao tại cuộc gặp cựu quân nhân tình nguyện, thanh niên Việt - Lào ảnh 1

Gia Linh và ông bà nội (bên phải ảnh) tham dự chương trình. Ảnh: NVCC

Gia Linh cho hay, chưa có cơ hội tới thăm nước bạn Lào, nhưng cô may mắn được lớn lên với nhiều câu chuyện của ông bà về "đất nước Triệu Voi", nghĩa tình đoàn kết giữa quân dân hai nước những lúc gian khó; những trang sách lịch sử, thước phim tài liệu...

“Đối với tôi, đất nước Lào còn là nơi ông bà của mình và biết bao quân tình nguyện, chuyên gia quân sự, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Việt Nam vượt dãy Trường Sơn sát cánh cùng những người bạn Lào chiến đấu chung trên cùng chiến hào, cống hiến tuổi thanh xuân và hi sinh xương máu để giành, giữ độc lập, tự do cho cả hai dân tộc chúng ta. Qua những lời kể của ông bà, cũng như qua những thước phim, câu chuyện lịch sử, tôi càng thấm thía, trân trọng những cống hiến to lớn của các thế hệ ông cha, tự hào vì tình đoàn kết, thủy chung son sắt giữa nhân dân hai nước chúng ta”, Gia Linh bộc bạch.

Ấn tượng nữ sinh Ngoại giao tại cuộc gặp cựu quân nhân tình nguyện, thanh niên Việt - Lào ảnh 2

Gia Linh biết được nhiều câu chuyện về đất nước Lào từ ông bà nội. Ảnh: NVCC

Ấn tượng nữ sinh Ngoại giao tại cuộc gặp cựu quân nhân tình nguyện, thanh niên Việt - Lào ảnh 3

"Trong hội trường, ông bà tôi cũng như nhiều cựu quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam khác, tiếp tục tham gia Ban liên lạc Quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, từ chiến đấu, họ đã trở thành những người đồng chí, người anh em thân thiết, nối dài hơn tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt thuỷ chung giữa hai nước Việt - Lào và trao truyền cho thế hệ sau tiếp nối truyền thống tốt đẹp đó”, Gia Linh nói.

Hà Gia Linh hiện là sinh viên năm nhất, khoa Luật quốc tế, Học viện Ngoại giao. Linh sở hữu thành tích học tập và rèn luyện ấn tượng, với 12 năm liền đạt danh hiệu học sinh xuất sắc; đạt 8.0 điểm IELTS.

Gia Linh là một trong hai thí sinh nghiệp dư xuất sắc nhất giải Vô địch tranh biện trung học toàn quốc (NSDC) năm 2022. Cô cũng là giám khảo trung học duy nhất chấm vòng loại trực tiếp bảng Anh ở giải Tranh biện luật Nghị viện Anh – Việt Nam toàn quốc (VBC) năm 2023.

Chia sẻ phương pháp học ngoại ngữ, Gia Linh cho biết đã tạo lập thói quen sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ hàng ngày, bằng cách đọc sách, xem phim và giao tiếp, trò chuyện với các bạn. Cô còn học tiếng Anh từ việc sử dụng mạng xã hội, kết nối với những người dùng tiếng Anh và hai trang từ điển uy tín là Cambridge/ Oxford.

“Cần có sự chọn lọc thông tin và nguồn uy tín, chất lượng khi đọc tin tức, đọc truyện hoặc tài liệu tiếng Anh trên mạng internet, bởi không phải nguồn nào cũng chính xác về ngữ pháp, cách sử dụng tiếng Anh”, Gia Linh nói.

Theo TP