“Ba sẵn sàng” trong ký ức của các cựu thanh niên xung phong

(CTG) Đi qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, với các cựu thanh niên xung phong năm nào, phong trào “Ba sẵn sàng” như một ngọn lửa sục sôi và tràn đầy nhiệt huyết thắp sáng tinh thần cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam, đóng góp to lớn với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

4 năm ăn ngủ cùng cầu, đường

“Hôm tập trung, tôi không có gì ngoài bộ quần áo, được phát ba lô, trang phục, nồi niêu, 21kg gạo, đường, thịt… phải đeo hết trên lưng và đi bộ ròng rã cả ngày trời. Cứ đi được khoảng 2 - 3km lại được uống nước do người dân để sẵn trên đường.

Nhiều thanh niên ở thành phố và các bạn nữ chưa quen lao động chân tay thì ban đầu mệt lắm. Nhớ nhà, gian nan, vất vả, không chỉ đi bộ mà còn phải tự nấu ăn nhưng không ai có ý định bỏ về…”, những ký ức về năm tháng hào hùng của dân tộc vẫn luôn được ông Nguyễn Minh Cương (cựu thanh niên xung phong lên đường cùng phong trào “Ba sẵn sàng” năm 1964) lưu giữ và nhắc đến một cách đầy tự hào.

Sinh năm 1940, quê ở Mỹ Đức (Hà Nội), từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, giữa không khí sục sôi của các thế hệ lên đường nhập ngũ, người thanh niên trẻ Nguyễn Minh Cương đã có ước mơ trở thành bộ đội. Cả 3 lần tình nguyện lên đường nhập ngũ đều không thành công vì cân nặng không đủ 42kg.

Năm 1964, ông Cương khi ấy đã có bằng sơ cấp Sư phạm, nhưng khi nghe lời kêu gọi của phong trào “Ba sẵn sàng” đã tình nguyện lên đường.

“Những ngày đầu chưa quen nhau còn lầm lũi đi, nhưng sau thì rôm rả lắm, mọi người chia sẻ, động viên, trêu đùa, ai cũng tự hào, vinh dự và quyết tâm, thuộc lòng các nội quy của phong trào “Ba sẵn sàng”: Sẵn sàng chiến đấu; Sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến", ông Cương nhớ lại.

“Ba sẵn sàng” trong ký ức của các cựu thanh niên xung phong
Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Minh Cương

Năm đó, ông Cương cùng đoàn được phân công đến tỉnh Lào Cai làm mới và sửa chữa đường để quân ta đi qua. Công việc nghe đã thấy vất vả, nhưng ở thời điểm ấy còn gian lao và khó khăn hơn nhiều.

Không có máy móc nên các thanh niên xung phong phải đào móng làm cầu, đặt cống, xếp đá… hoàn toàn bằng cuốc, xẻng, xà beng. Có những buổi nắng gắt, bụi bẩn, cũng có những ngày mưa tầm tã lội bì bõm trong bùn đất bê từng viên đá, rồi những bữa cơm thèm rau xanh phải lên rừng hái rau tàu bay, ngót rừng để cải thiện mà lạc cả đường… Dù vậy, cả đơn vị chỉ gặp khó khăn khi nhớ nhà và chia tay đồng đội lên đường nhập ngũ.

Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Văn Cương bồi hồi: “Đơn vị tôi có 175 người, chỉ có 5 anh con trai. Các chị em phụ nữ ban ngày cười vui, nghịch ngợm nhưng đêm lại ôm nhau khóc vì nhớ người thân… Rồi có năm chúng tôi liên hoan đưa các đồng đội “đi B”, lúc tổ chức thì hăm hở dẫn nhau đi bộ mười mấy cây số tìm mua từng quả trứng, đến khi những chiếc xe chở bạn đi thì lại rơi nước mắt.

Làm việc cùng nhau, sinh hoạt tập thể nhưng chúng tôi không dám có tình cảm nam nữ, vì tinh thần ai cũng sẵn sàng lên đường nhập ngũ… Cho đến bây giờ, có lúc tôi vẫn nhớ về khung cảnh vắng lặng buồn tẻ ở Mường Khương, cả đơn vị hò nhau hát để xua đi cảm giác nhớ nhà.

Vì đã hoàn thành sơ cấp Sư phạm, buổi tối tôi còn lên lớp xóa mù chữ cho người dân và đồng đội. Năm 1968, tôi được phân công về làm giao thông vận tải ở Bắc Thái, từ đó đến nay, tôi gắn bó và coi đây như quê hương thứ hai”.

“Ba sẵn sàng” trong ký ức của các cựu thanh niên xung phong
Với các cựu thanh niên xung phong năm nào, “Ba sẵn sàng” như một ngọn lửa sục sôi và tràn đầy nhiệt huyết thắp sáng tinh thần cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam, đóng góp to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc

Phát huy tinh thần "Ba sẵn sàng", đến nay cựu thanh niên xung phong Nguyễn Văn Cương vẫn miệt mài cống hiến và tham gia công tác xã hội với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã.

Với ông Cương, dù bàn tay xếp đá đã chai thành từng mảng, phải ăn ngủ cùng cầu, đường trong suốt 4 năm ròng… nhưng đó vẫn là những năm tháng đầy tự hào, vinh dự và đáng sống nhất trong cuộc đời người cựu thanh niên xung phong.

Sẵn sàng khi Tổ quốc cần

Với nhiều đồng bào miền núi phía Bắc, từng có một cái tên quen thuộc thường được họ trìu mến gọi ông là “ông già của người nghèo”, được học trò kêu ông là “thầy giáo một tay”. Còn ở cái thời của ông, ai ai cũng biết đến “em Ngọc”, hoặc nhắc đến “Anh ba sẵn sàng”. Đó chính là thầy giáo Trịnh Ngọc Trình, một trong những lá cờ đầu khởi xướng phong trào “Ba sẵn sàng”.

Tháng 10/1945, khi mới 11 tuổi, ông Trịnh Ngọc Trình đã tham gia cách mạng, nhập ngũ làm liên lạc tại Tiểu đoàn 62, Trung đoàn 34 Hà Nam Ninh và chiến đấu cùng đơn vị với chính người cha của mình. Những năm tháng chiến tranh ác liệt đó đã lấy đi cánh tay trái của chàng giao liên khi mới chỉ 13 tuổi nhưng không thể che mờ lòng gan dạ, kiên cường của anh bộ đội Cụ Hồ.

Ngay sau ngày hòa bình lập lại tại miền Bắc, người thầy giáo trẻ Trịnh Ngọc Trình đã xung phong lên miền núi dạy học và được cử làm Hiệu trưởng trường cấp I, cấp II Mường Lay, thị xã Lai Châu (1954-1955), giáo viên Trường sư phạm cấp hai tỉnh Sơn La (1956-1957).

Vào mùa hè năm 1957, ông Trình vinh dự được gặp Bác Hồ tại Hà Nội khi dự lớp bồi dưỡng cán bộ cốt cán toàn miền Bắc của Bộ Giáo dục. Bác Hồ cầm tay hỏi chuyện và biết ông Trình là thương binh đang dạy học ở Sơn La. Lo ông vất vả, Bác gợi ý đưa ông về làm giáo viên trường sư phạm miền núi Trung ương (1957 - 1959). Từ năm 1962, ông chuyển về làm giảng viên chính trị của Trường đại học Sư phạm Hà Nội.

“Ba sẵn sàng” trong ký ức của các cựu thanh niên xung phong
Thầy giáo Nguyễn Ngọc Trình - một trong những lá cờ đầu khởi xướng phong trào “Ba sẵn sàng”

Chính tại đây, năm 1962 - 1965, người Bí thư đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Trịnh Ngọc Trình là người nhen nhóm và khởi xướng phong trào “Ba sẵn sàng” trong thanh niên, xuất phát từ phong trào “Ba bất kỳ” có trước đó tại trường. Đó là: “Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược; Sẵn sàng hy sinh bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì Đảng và Nhân dân yêu cầu mà không đòi hỏi đãi ngộ”.

Ngày 30/4/1964, hàng nghìn sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội tập hợp tại Nghĩa trang Mai Dịch trong tay rực đuốc sáng. Sau khi ông Trịnh Ngọc Trình tuyên đọc lời thề “Ba sẵn sàng” trước cờ Đảng, cờ Tổ quốc và anh linh các liệt sỹ, hàng ngàn tiếng hô vang đáp lời: “Sẵn sàng! Sẵn sàng! Sẵn sàng!”.

“Tôi không thể nào mường tượng nổi, sau lễ phát động, hàng nghìn sinh viên chích tay lấy máu viết đơn sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Đảng cần, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì miền Nam ruột thịt, bảo vệ miền Bắc… Phong trào rực rỡ như thế khiến tôi choáng ngợp. Đây là ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi”, nhà giáo Trịnh Ngọc Trình nhớ lại.

Sau khi phong trào “Ba sẵn sàng” khởi nguồn từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội phát động vào ngày 9/8/1964 tới thanh niên Thủ đô, phong trào này đã được Ban chấp hành Trung ương Đoàn phát động ra cả miền Bắc; từ đó, tôi luyện một thế hệ vàng của thanh niên Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với tinh thần “Xếp bút nghiên lên đường chống Mỹ / Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai”, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Theo TTTĐ