Bài 4: "Nhà pin", phân loại rác thải để giúp đỡ trẻ em khó khăn

(CTG)Đổi pin lấy cây xanh, phân loại rác thải tại nguồn, tái chế rác thải nhựa… đó là những hoạt động mà nhiều trường học ở Hà Nội đang giáo dục học sinh.

a

Cuộc sống ngày càng hiện đại, phát triển thì tình trạng ô nhiễm môi trường lại có xu hướng gia tăng. Vì vậy, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho con người ngay từ nhỏ là việc làm cần thiết và quan trọng.

Từ vài năm gần đây, trường Tiểu học Đoàn Kết (Long Biên) luôn sôi nổi với mô hình thu gom pin đã qua sử dụng để đổi lấy cây xanh, kẹo và đồ dùng học tập. Hoạt động này không chỉ giúp học sinh có ý thức bảo vệ môi trường mà còn lan toả rộng rãi đến cộng đồng.

Theo anh Đặng Vũ Hiệp, giáo viên Tổng phụ trách Đội, trường Tiểu học Đoàn Kết, trong sinh hoạt hàng ngày, chúng ta sử dụng nhiều loại pin để điều khiển TV, quạt điện, điều hoà… mà không biết thành phần của chúng chứa nhiều hàm lượng chì, thuỷ ngân. Theo thói quen, khi hết pin chúng ta thường bỏ vào thùng rác, sau đó rác sẽ được chôn lấp hoặc đốt cháy. Nếu như tiêu huỷ theo cách này, lượng chì, thuỷ ngân đó sẽ ngấm vào đất, nước, không khí, gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người.

Xuất phát từ lý do đó, anh Đặng Vũ Hiệp cho rằng, cần phải tìm một đơn vị thu gom, tiêu hủy pin đã hết hạn sử dụng để bảo vệ môi trường.

a

“Sau khi tìm được đơn vị tiêu hủy pin theo đúng quy định, để liên kết các phụ huynh, học sinh và giáo viên trong toàn Liên đội, tôi đã nghĩ ra cách đổi pin đã qua sử dụng lấy cây xanh. Theo đó học sinh có 30 quả pin sẽ được đổi lấy 1 cây xanh nho nhỏ. Với số lượng pin ít hơn, các em sẽ nhận được những đồ dùng học tập xinh xắn. Đặc biệt, em nào gom được 50 quả pin sẽ đạt danh hiệu “Chiến sỹ bảo vệ môi trường”… Những món quà, phần thưởng này đã khiến không chỉ các em nhỏ mà cả phụ huynh đều hào hứng tham gia. Để gom được nhiều pin, học sinh có thể thu gom từ hàng xóm, cơ quan bố mẹ…

Khi triển khai vấn đề này tôi đã nhận được sự ủng hộ từ Ban giám hiệu, giáo viên, phụ huynh, học sinh… việc làm này đã lan toả đến người thân, họ hàng, hàng xóm của các bạn nhỏ…Từ đó, mọi người đều có thói quen thay vì vứt pin hết sử dụng vào thùng rác, họ gom lại rồi đưa cho học sinh mang đến trường để đổi cây xanh.

Những việc làm này của các em, chúng tôi đều đăng lên fanpage để cho cộng đồng thấy được ý nghĩa của mô hình “Đổi pin lấy cây xanh”, qua đó khích lệ, giáo dục ý thức của học sinh, từ đó mọi người đều nhận thức được tác hại của pin khi vứt ra môi trường”, anh Hiệp chia sẻ.

Mô hình đổi pin lấy cây xanh hoặc các đồ dùng học tập đã lan toả được ý nghĩa, hiện nhiều trường đang phát động. Thậm chí có những trường đã để “Ngôi nhà pin” ở phía ngoài cổng để không chỉ phụ huynh mà người dân đi qua cũng có thể bỏ pin đã qua sử dụng vào đó.

a

Tại trường Tiểu học Dịch Vọng B (Cầu Giấy), công trình măng non “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ” đã được Liên đội nhà trường duy trì hơn 2 năm nay.

Ngôi nhà được thiết kế bằng khung thép chắc chắn, lợp mái tôn đảm bảo, phù hợp, gọn nhẹ, có bánh xe. Ngôi nhà được đặt tại khu vực gần cổng trường thuận tiện cho học sinh sử dụng và có thể di chuyển được để chứa các loại phế liệu mà không lo bị mưa ướt.

“Ngôi nhà được thiết kế 3 ngăn riêng biệt: 1 ngăn đựng giấy, một ngăn đựng vỏ chai nhựa, một ngăn đựng vỏ lon kim loại và có thêm 1 hộp đựng pin cũ đã qua sử dụng. Vào bất cứ khi nào, học sinh cũng có thể thu gom rác thải có thể tái chế như nhựa, kim loại, giấy vụn, vỏ lon, chai nước ngọt, giấy bìa, chai nhựa, … thả vào”, anh Đặng Văn Quyết, giáo viên Tổng phụ trách Đội, trường Tiểu học Dịch Vọng B cho biết.

a

“Ngôi nhà kế hoạch nhỏ” của trường Tiểu học Dịch Vọng B

Được biết, “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ” giúp cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường phân loại, thu gom rác thải nhựa, góp phần xây dựng cảnh quan, môi trường trường học “Xanh – Sạch – Đẹp”. Mô hình không chỉ đơn giản là giáo dục ý thức phòng, chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường, mà chính từ "Hành động nhỏ, Ý nghĩa lớn” của mô hình sẽ tạo nguồn thu để xây dựng quỹ giúp đỡ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong các hoạt động thiện nguyện. Qua đó, giáo dục các em về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tinh thần đoàn kết, yêu thương lẫn nhau.

Cũng theo anh Đặng Văn Quyết, cứ vào cuối tuần, hoặc khi lượng rác tái chế đầy, giáo viên Tổng phụ trách và các em đội viên lớn khối 4,5 sẽ tổng hợp và mời bộ phận thu gom đến để cân và bán gây quỹ. Số tiền mỗi lần bán sẽ được công khai và nộp về bộ phận thủ quỹ của nhà trường để tổng hợp và sử dụng khi có các hoạt động thiện nguyện

Với ý nghĩa đó, 2 năm qua, “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ” đã thu hút đông đảo học sinh hưởng ứng, và tạo được những dấu ấn tích cực. Từ nguồn quỹ nhỏ thu được từ “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ”. Các suất học bổng, quà tặng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã được nhà trường kết hợp tổ chức. Điển hình như chương trình Thăm tặng quà các trẻ em ung thư đang điều trị tại Viện Nhi trung ương; Trao tặng quà Tết, trung thu cho các em học sinh nhà trường.

Bài 4: “Nhà pin”, phân loại rác thải để giúp đỡ trẻ em khó khăn

Bên cạnh “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ”, nhiều hoạt động về môi trường cũng đã được trường Tiểu học Dịch Vọng B quan tâm, phát động như: Trồng và chăm sóc cây xanh, bồn hoa; lao động, vệ sinh trường, lớp, Vườn rau em chăm; “Đổi pin cũ lấy những viên kẹo ngọt ngào”; Các cuộc thi vẽ tranh bảo vệ môi trường; thi tái chế rác thải nhựa... Những hoạt động này không chỉ trở thành thói quen, mà mỗi em học sinh cũng tự thấy mình có ý thức hơn trong việc xử lý rác thải. Đặc biệt là các loại vỏ bánh kẹo, giấy vụn, lon nước… sau khi sử dụng, em và các bạn đều tự phân loại, để đúng nơi quy định. Không gian trường lớp sạch đẹp, học sinh cảm thấy vui vẻ, thoải mái, tinh thần học tập tốt hơn.

Không chỉ trường Tiểu học Đoàn Kết, Dịch Vọng B, nhiều trường học khác cũng đã giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường bằng những mô hình như: “Một phút vệ sinh, sạch đẹp trường chúng mình”, “Phân biệt rác học đường, nâng bước bạn tới trường”…

Theo Tuổi Trẻ Thủ Đô