Mặt bằng nhỏ hẹp, rộng hơn 3m, sâu khoảng 1m nhưng tiệm cà phê ống tre trên địa bàn quận 4 (TPHCM) mỗi ngày thu hút hàng trăm người trẻ đến thưởng thức.
Dù mới sáng sớm, quán nước nhỏ bên hông cầu Ông Lãnh (quận 4, TPHCM) đã đông khách hàng trẻ đến thưởng thức cà phê ống tre (Ảnh: Bình Minh). |
Chủ nhân quán nước này là anh Nguyễn Huỳnh (26 tuổi, ngụ tại TPHCM). Là người thích "xê dịch", từ những chuyến đi cắm trại, chàng trai trẻ đã nhớ mãi hương vị cà phê sáng được hòa quyện với hương thơm tự nhiên từ ống tre tươi. Vì vậy, khi quyết định kinh doanh, anh đã nghĩ ngay tới mô hình cà phê ống tre này.
Vốn là một kiến trúc sư, mọi thứ trong quán từ ống tre, quầy pha chế, bộ menu,... đều do chủ quán tự thiết kế. "Tôi quyết định mở bán mà không hề đắn đo, vì loại hình kinh doanh này rõ ràng độc lạ, với tinh thần thân thiện với môi trường", anh Huỳnh chia sẻ.
|
Bạn trẻ thích thú với ly cà phê ống tre (Ảnh: Bình Minh). |
Chủ quán cho biết, ống tre được nhập từ các tỉnh vùng Tây Nguyên. Anh nhờ nông dân chặt tre thành các ống dài khoảng 16cm, rộng 5cm và vạt nhẵn cành lá. Khi ống tre về đến TPHCM, nhân viên của quán sẽ mài nhẵn, rửa sạch ống tre nhiều lần và đem phơi khô rồi mới phục vụ khách hàng.
"Chúng tôi thường mất nhiều thời gian chuẩn bị hơn so với các quán khác. Tuy nhiên, ly cà phê trở nên thu hút hơn bởi màu xanh tươi mát của ống tre, hương vị thơm hơn và tạo cảm giác thân thiện với môi trường, hạn chế được việc sử dụng đồ nhựa một lần", chủ quán cho biết.
Dù mới chính thức mở bán chưa đầy 1 tháng nhưng lượng khách tìm đến quán mỗi ngày một đông. Trung bình mỗi ngày anh Huỳnh bán 200-250 ly cà phê ống tre, cuối tuần sẽ nhiều hơn. Mỗi ly mất khoảng 3-4 phút để pha chế, lâu hơn cà phê bình thường.
"Bên tôi sử dụng cà phê phin đậm "chất" Việt Nam. Ly cà phê phin đặt vào ống tre thì rất phù hợp, thể hiện nét văn hóa truyền thống. Kết hợp thêm mùi thơm tự nhiên của ống tre nữa, hương vị cà phê thơm ngon hơn", anh Huỳnh tiết lộ về bí quyết thu hút khách hàng của mình.
Ngoài cà phê pha phin truyền thống vị nguyên bản hoặc thêm sữa, quán còn có thêm món đặc trưng là cà phê sữa dứa, nước mót với giá dao động 26.000-32.000 đồng/ly. Dù khách uống tại chỗ hay mang đi đều được phục vụ nước trong ống tre tươi, ống hút bằng cỏ bàng và muỗng gỗ. Những "ống" cà phê mang đi được ghim thêm quai làm bằng lá dừa khô và dùng màng bọc thực phẩm thay cho nắp nhựa.
Mỗi ly cà phê mất khoảng 3-4 phút để pha chế, với giá dao động từ 26.000-32.000 đồng/ly (Ảnh: Bình Minh). |
Anh cho biết ống tre có giá thành cao hơn ly giấy và ly nhựa. Tuy nhiên, ống tre có thể tái sử dụng khoảng 5 lần nếu rửa sạch và phơi nắng. Sau khi thải bỏ, ống tre có thể dùng để trồng cây, trang trí.
Ông chủ tâm niệm không theo trào lưu "sớm nở tối tàn", cà phê ống muốn hướng đến sự chỉn chu để đi đường dài.
"Không chỉ dừng lại ở ly ống tre, tôi còn ấp ủ mang đến giá trị cho khách hàng qua sự trải nghiệm ở một không gian đậm "chất" Sài Gòn, mọi người có thể vừa thưởng thức nước vừa ngắm nhìn thành phố. Không chỉ vậy, tôi luôn cập nhật những thức uống để làm mới hình ảnh trong mắt khách hàng. Và đương nhiên, mọi thứ vẫn phải lấy tiêu chí thân thiện với môi trường làm đầu", ông chủ trẻ bộc bạch.
Là những người yêu thích cà phê, chị Trà My (21 tuổi, ngụ tại quận 7) đã cùng bạn bè tìm đến quán trải nghiệm sau khi thấy các clip chia sẻ trên mạng xã hội.
"Về hương vị cà phê thì tôi chưa thấy gì quá nổi bật, chỉ có xen lẫn một chút mùi thơm nhè nhẹ từ ống tre. Tuy nhiên, việc đựng thức uống trong ống tre màu xanh khá độc đáo, thân thiện với môi trường. Đây là một điểm cộng lớn, phù hợp với lối sống xanh hiện nay của người trẻ", chị My nhận xét.
Theo Dân Trí