LTS: Cách đây tròn 100 năm, trên báo Ogoniok (Ngọn lửa nhỏ) của Liên Xô số 39 xuất bản ngày 23-12-1923 đã đăng bài báo mang tên “Thăm một chiến sĩ quốc tế cộng sản-Nguyễn Ái Quốc” của nhà thơ, nhà báo người Nga Osip Emilyevich Mandelstam. Bài báo có đoạn: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”.Sau một thế kỷ nhìn lại nhận định sâu sắc này của O.Mandelstam, các học giả, chuyên gia uy tín trong nước và nước ngoài thêm một lần khẳng định những giá trị nổi bật trong di sản Hồ Chí Minh không chỉ có ý nghĩa đối với dân tộc Việt Nam mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển tiến bộ xã hội và văn hóa nhân loại, qua đó bác bỏ, phủ nhận những luận điệu sai trái, xuyên tạc về Hồ Chí Minh.
“Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh cho trí tuệ, đạo đức, phẩm giá, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại, có sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng vượt không gian, thời gian. Vì vậy, bảo vệ di sản Hồ Chí Minh không chỉ là bảo vệ chân lý và đạo lý mà còn góp phần bảo vệ những giá trị di sản bền vững mà Hồ Chí Minh đã cống hiến cho văn hóa nhân loại”. Đó là khẳng định của GS, TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, một trong những nhà nghiên cứu uy tín hàng đầu về Hồ Chí Minh học ở Việt Nam.
Đại diện nổi bật của “nền văn hóa tương lai”
Phóng viên (PV): Qua nghiên cứu, ông có thể cho biết bối cảnh ra đời về lời nhận định của nhà thơ, nhà báo O.Mandelstam: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”?
GS, TS Hoàng Chí Bảo: Khi mới 33 tuổi, trong điều kiện ngặt nghèo, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vẫn quyết tâm đến nước Nga với một khát khao được gặp Lênin, vị lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân thế giới mà Nguyễn Ái Quốc vô cùng ngưỡng mộ. Do Lênin ốm nặng không thể gặp được, thời điểm này Nguyễn Ái Quốc đã gặp, trò chuyện bằng tiếng Nga với nhà báo, nhà thơ O.Mandelstam. Trong cuộc gặp, O.Mandelstam cảm thấy cuộc trò chuyện với Nguyễn Ái Quốc diễn ra tự nhiên, thân tình, thú vị và ông rất ấn tượng với phong cách, thần thái của Nguyễn Ái Quốc. Xúc động và cảm nhận sâu sắc sau cuộc trò chuyện đó, O.Mandelstam đã viết bài “Thăm một chiến sĩ quốc tế cộng sản-Nguyễn Ái Quốc” đăng trên Báo “Ngọn lửa nhỏ” của Liên Xô, ra ngày 23-12-1923. Trong bài viết, tác giả thốt lên: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”.
PV: Nhận định đó của nhà thơ, nhà báo O.Mandelstam về Hồ Chí Minh nói lên điều gì, thưa ông?
GS, TS Hoàng Chí Bảo: Đó không chỉ là điều dự báo mang tính chất khoa học mà còn là cảm nhận sâu sắc về tâm hồn, trí tuệ, đạo đức, cốt cách văn hóa mang tầm vóc vĩ nhân của Hồ Chí Minh khi Người mới 33 tuổi. Điều đó cho thấy Hồ Chí Minh luôn có sức hấp dẫn, thuyết phục với những người trò chuyện, đối thoại dù bất kỳ họ là ai; đồng thời tự thân lời nói, cử chỉ, phong thái của Người đã tạo niềm tin, niềm cảm hứng đối với người nghe trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Vì thế, O.Mandelstam đã cảm nhận: “Qua phong thái thanh cao, trong giọng nói trầm ấm của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái toàn thế giới”.
Ý nghĩa sâu xa hơn, dự báo “Hồ Chí Minh là nền văn hóa tương lai” xuất phát từ việc O.Mandelstam cảm nhận được trong tư duy Hồ Chí Minh đã kết hợp sự am hiểu cả tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây, cả giá trị văn hóa truyền thống và giá trị tiến bộ của văn minh nhân loại thời hiện đại.
" width="600" /> |
GS, TS Hoàng Chí Bảo. |
PV: Là chuyên gia lâu năm nghiên cứu về Hồ Chí Minh học, theo ông, đâu là những giá trị di sản nổi bật của Hồ Chí Minh mang tầm vóc văn hóa nhân loại?
GS, TS Hoàng Chí Bảo: Theo tôi, tầm vóc văn hóa nhân loại của Hồ Chí Minh tập trung nổi bật ở hai điểm rực rỡ nhất: Hồ Chí Minh là biểu tượng văn hóa hòa bình và biểu tượng của văn hóa khoan dung.
Văn hóa hòa bình Hồ Chí Minh thể hiện ở các luận điểm giàu ý nghĩa nhân văn và mang tầm thời đại như: Hòa bình phải gắn với độc lập, tự do và hạnh phúc của nhân dân; bảo đảm hòa bình cho dân tộc mình và tất cả các dân tộc khác; cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc không thể tách rời cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới. Theo thống kê, trong các bài nói, bài viết, phát biểu, phỏng vấn báo chí của mình, có hơn 1.000 lần Bác đã đề cập đến hai từ “hòa bình”. Điều đó nói lên sự quan tâm của Bác đến hòa bình sâu sắc đến nhường nào.
Văn hóa khoan dung Hồ Chí Minh mang nội hàm rất rộng, khoan dung không dừng lại ở sự độ lượng, vị tha, mà là dân chủ, lắng nghe, tôn trọng, thuyết phục người khác; biết tạo ra tiếng nói đồng cảm, chia sẻ và niềm tin cho người khác; chấp nhận tiếng nói đa dạng, khác biệt nhưng không làm ảnh hưởng đến lợi ích chung. Hạt nhân của văn hóa khoan dung Hồ Chí Minh là nhân ái, nhân đạo, nhân văn, là sự kết tinh chân-thiện-mỹ. Chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc chân chính hòa quyện làm một với chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn cộng sản mang tầm tư tưởng Hồ Chí Minh, vươn tới tầm thời đại và được soi sáng bởi tư tưởng thời đại, phấn đấu, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội để giải phóng con người.
Tôi muốn nhấn mạnh thêm, trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc thế kỷ 20, sở dĩ dân tộc ta nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa và bạn bè quốc tế, kể cả nhân dân tiến bộ ở các nước thực dân, đế quốc xâm lược nước ta, một phần bắt nguồn từ tư duy, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh vừa có lý, vừa có tình và bởi Hồ Chí Minh là vĩ nhân và danh nhân ở tầm vóc tư tưởng-văn hóa, là sứ giả của hòa bình và hữu nghị.
Gần đây, tôi được mời tham gia Hội thảo khoa học “Sáu điều dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh-di sản tinh thần vô giá của lực lượng Công an nhân dân” do Bộ Công an phối hợp với một số cơ quan tổ chức nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ có 6 điều dạy Công an nhân dân (11-3-1948 / 11-3-2023). Qua tìm hiểu, tôi biết được một vị chỉ huy cấp cao của lực lượng cảnh sát Hoàng gia Anh khi sang làm việc với đại diện lãnh đạo công an Việt Nam tỏ ra rất ngạc nhiên khi nhận thấy 6 điều Bác Hồ dạy công an Việt Nam có nội dung sâu sắc. Ông ấy cho rằng, 6 điều Hồ Chí Minh huấn thị công an Việt Nam (với mình, với cộng sự, với chính phủ, với nhân dân, với công việc, với quân địch) rất giàu ý nghĩa mà lực lượng cảnh sát nước Anh cũng có thể tham khảo, nghiên cứu vận dụng vào thực tiễn hoạt động của họ.
Từ câu chuyện này cho thấy, di sản Hồ Chí Minh đã vượt qua ý thức hệ chính trị để dần trở thành một phần của văn hóa nhân loại và có sự ảnh hưởng, lan tỏa và “ngấm dần” vào dân tộc khác. Đó là điều chúng ta rất đỗi tự hào!
Giữ gìn, phát huy di sản Hồ Chí Minh để “ngọc càng mài càng sáng”
PV: Bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao tầm vóc văn hóa, di sản Hồ Chí Minh như vậy, nhưng tại sao vẫn có những tiếng nói lạc lõng, xấu xa nhằm xuyên tạc, hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân Việt Nam, thưa ông?
GS, TS Hoàng Chí Bảo: Vì những kẻ chống phá luôn hiểu rằng, Hồ Chí Minh là “linh hồn” của Đảng, của dân tộc và của nhân dân Việt Nam. Di sản Hồ Chí Minh là di sản tư tưởng của Đảng, di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam và giá trị tinh thần của nhân dân Việt Nam. Vì vậy, muốn phá hủy tận gốc rễ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, muốn cho người dân Việt Nam chênh chao niềm tin vào thể chế chính trị xã hội chủ nghĩa hiện nay thì phải tìm mọi cách để xuyên tạc, bôi nhọ, hạ bệ tư tưởng Hồ Chí Minh, xóa bỏ hình tượng Hồ Chí Minh trong trái tim, khối óc của người dân Việt Nam.
Sự gian manh, xảo quyệt, nham hiểm của chúng là chống phá cả về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Về tư tưởng, chúng coi những luận điểm về chính trị, cách mạng của Hồ Chí Minh chỉ là bản sao của Chủ nghĩa Mác-Lênin. Về đạo đức, chúng cố tình xuyên tạc, bôi nhọ đời tư của Bác, coi đạo đức Hồ Chí Minh chỉ là “chủ nghĩa khổ hạnh” không thể học tập, làm theo. Về phong cách, chúng coi Hồ Chí Minh không để lại dấu ấn đáng kể gì, thậm chí những lời nói của Bác là sáo rỗng, xa rời thực tiễn, viển vông.
Trong bối cảnh thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, với âm mưu “mưa dầm thấm lâu”, chúng lấy giới trẻ, những người nhẹ dạ cả tin và một bộ phận trí thức có tư tưởng đa chiều, phức tạp để lung lạc niềm tin Hồ Chí Minh, từ đó từng bước “chuyển hóa” nhận thức, tư tưởng của họ theo chiều hướng tiêu cực, đối trọng, đối lập với tư tưởng chính thống của Đảng Cộng sản Việt Nam.
PV: Khi các thế lực thù địch và phần tử xấu hạ bệ được thần tượng Hồ Chí Minh thì chúng ta không còn biểu tượng niềm tin văn hóa của cả dân tộc và từ đó có thể mất phương hướng chính trị?
GS, TS Hoàng Chí Bảo: Đó là một nguy cơ nên đòi hỏi chúng ta không bao giờ được phép chủ quan, lơ là trong “cuộc chiến” chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn, hành động chống phá tư tưởng Hồ Chí Minh, hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh. Bởi vì suy cho cùng, chúng ta bảo vệ di sản Hồ Chí Minh cũng là thiết thực góp phần bảo vệ “nền văn hóa tương lai”.
PV: Ông có thể nói rõ hơn về việc bảo vệ di sản Hồ Chí Minh với tư cách là bảo vệ “nền văn hóa tương lai” trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay?
GS, TS Hoàng Chí Bảo: Hồ Chí Minh đi vào lịch sử với dấu ấn không thể phai mờ, là một lãnh tụ hiếm hoi trở thành huyền thoại ngay từ khi còn sống như đánh giá của bạn bè quốc tế. Khi Bác qua đời ngày 2-9-1969, đã có hàng nghìn bức điện và thư chia buồn từ khắp nơi trên thế giới gửi tới Đảng và nhân dân ta, trong đó có dân tộc Cuba anh em với lời đánh giá sâu sắc của đồng chí Fidel Castro Ruz: “Đồng chí Hồ Chí Minh thuộc lớp những người đặc biệt mà cái chết lại gieo mầm cho sự sống và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt”.
“Người sống mãi trong lòng dân và trong trái tim nhân loại”, đó không chỉ là lời ngợi ca thành kính và thiêng liêng dành cho Hồ Chí Minh mà còn là chứng thực của lịch sử, vượt thời gian và không gian, từ dân tộc tới nhân loại. Đó cũng là sự khẳng định chân giá trị Hồ Chí Minh. Vì vậy, bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ di sản Hồ Chí Minh không chỉ là thái độ tôn trọng sự thật lịch sử, bảo vệ chân lý và đạo lý mà còn góp phần bảo vệ những giá trị di sản bền vững mà Hồ Chí Minh đã cống hiến cho văn hóa nhân loại. Hay nói cách khác, đó cũng là một cách bảo vệ lương tri thời đại.
Nhân đây, tôi muốn đề cập đến câu chuyện thời sự nóng bỏng mà cả nhân loại đang quan tâm, đó là vấn đề bảo vệ môi trường, sống chung với thiên nhiên, chống biến đổi khí hậu. Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến phong trào/việc làm trồng cây gây rừng, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vệ sinh thân thể và vệ sinh đường làng ngõ xóm, phòng xói mòn đất đai, phòng, chống lũ lụt, phòng ngừa ô nhiễm môi trường... Ngay bản thân Người cũng là biểu hiện mẫu mực của nếp sống giản dị, chung sống hài hòa với thiên nhiên, mà nói theo các chuyên gia môi trường, Hồ Chí Minh là người tiên phong của thời đại về thực hiện “lối sống xanh”, lối sống thân thiện với môi trường. Đó chính là biểu hiện sinh động “nền văn hóa tương lai” của Hồ Chí Minh.
Có thể khẳng định rằng, di sản Hồ Chí Minh qua thử thách của thời gian trở thành những giá trị bền vững, là một tài nguyên văn hóa của Đảng và dân tộc ta, mà càng nghiên cứu, càng khai thác, càng mang lại cho chúng ta những giá trị mới mẻ, bổ ích. Trách nhiệm của chúng ta là phải giữ gìn, phát huy để tài nguyên đặc biệt này trở thành một trong những động lực chính trị-tinh thần vô giá, giúp chúng ta khẳng định vị thế văn hóa Việt Nam, thương hiệu quốc gia Việt Nam trong dòng chảy văn hóa nhân loại.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
“Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”. (Phát biểu của Tiến sĩ Modagat Ahmet, Giám đốc UNESCO khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Hội thảo quốc tế “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn”, tháng 3-1990) |
Theo QĐND